Yêu thương như Chúa yêu thương

Thứ bảy - 14/05/2022 04:13  1443
Chúa Nhật V Phục Sinh C
(Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35)

hd wallpaper god loves christ jesus love religion soul sinNói về Thiên Chúa, thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8). Quả là như vậy, vì yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ vạn vật và con người. Ngài cho con người được làm chủ mọi loài trên trái đất. Ngài còn cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Ngài. Không những vậy, dù con người có sa ngã phạm tội, Ngài vẫn luôn yêu thương, không bỏ rơi con người và đã ban Đấng Cứu Thế để cứu độ con người. Do đó, ta có thể nói không gì ngăn cản được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, vì con người là hình ảnh của Ngài. Bởi vậy, khi biết sống yêu thương là con người phản chiếu đúng hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là con người phải yêu thương nhau như thế nào? Và lấy gì làm điểm quy chiếu cho tình yêu của chúng ta? Câu trả lời chúng ta sẽ tìm thấy qua chính bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng là những lời trăng trối của Chúa Giêsu với các môn đệ, trong khung cảnh Thầy trò cùng nhau ăn bữa tiệc ly, trước khi Chúa chịu khổ nạn. Bao nhiêu yêu thương, bao điều thao thức, nhắn nhủ, Chúa như muốn gửi trao tất cả trong bữa ăn đó: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31). Với Chúa Giêsu, con đường thập giá mà Ngài sắp đón nhận không phải là một thất bại nhưng chính là giờ của sự tôn vinh. Chúa Giêsu tôn vinh Chúa Cha qua sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha, đến nỗi bằng lòng chịu chết để đền thay tội lỗi nhân loại. Hơn thế nữa, cũng qua cái chết và sự phục sinh, Đức Giêsu được Chúa Cha ban lại vinh quang; được Chúa Cha tôn vinh; được nhiều người nhận biết và tin rằng Ngài đúng thật là Đấng mà Thiên Chúa sai đến trần gian.

Bên cạnh đó, cũng trong bầu khí thân mật của bữa ăn, Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ một lệnh truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Thật ra, giới răn yêu thương đã có từ xa xưa và có trong cả thời Cựu ước rồi như sách Lêvi đã dạy: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, không được trả thù, không được oán hận, ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Vậy tại sao Chúa lại nói: giới răn yêu thương Chúa ban là một điều răn mới? Xin thưa, giới răn của Chúa mới ở đối tượng và mức độ yêu thương. Chúa dùng chính tình yêu của Ngài để làm thước đo, làm mẫu quy chuẩn cho tình yêu giữa chúng ta với nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
 
Nếu như đối tượng yêu thương trong luật Cựu ước chỉ dừng lại ở việc yêu thương người thân cận, họ hàng, hay cùng tôn giáo, hoặc cùng quê hương và dường như vẫn chỉ giữ ở mức công bằng “mắt đến mắt, răng đền răng” (Xh 21,24; Lv 24,20; Đnl 19,21), thì giới răn yêu thương Chúa dạy vượt xa: yêu thương tất cả mọi người, kể cả những người bách hại mình: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,27-28). Nếu như trong Cựu ước, mức độ yêu thương chỉ dừng lại ở việc “yêu người như chính mình”, thì trong Tân ước Chúa Giêsu dạy “hãy yêu như Chúa yêu”. “Yêu như Chúa yêu” nghĩa là chấp nhận cúi xuống rửa chân cho anh em, cho dù người ấy là Giuđa - một kẻ phản bội, cho dù người ấy là Phêrô - một người sẽ chối Thầy. “Yêu như Chúa yêu” nghĩa là tự nguyện hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu để cảm thông, chia sẻ như bạn hữu thân tình (Ga 15,15). “Yêu như Chúa yêu” nghĩa là sẵn sàng “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1), yêu đến độ hiến mạng sống vì người mình yêu, như chính Chúa đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Cả cuộc đời, Đức Giêsu chỉ sống cho “tình yêu”. Ngài đã yêu từng người chúng ta trước khi mời gọi chúng ta yêu thương nhau. Ngài mong ước chúng ta yêu thương nhau, để người khác cảm nhận được Thiên Chúa đang hiện diện trong ta và nhận ra chúng ta là môn đệ của Ngài : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Thật vậy, dấu hiệu để người khác nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức Kitô: không phải chỉ qua việc chúng ta làm dấu, lần hạt, đọc kinh thật nhiều hoặc qua việc ta đi tham dự thánh lễ; cũng không phải qua việc ta đeo ảnh tượng trên người; nhưng qua việc chúng ta yêu thương. Đó mới là dấu hiệu chứng minh chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Sống yêu thương mới là nét đẹp có sức hấp dẫn người khác đến với Chúa.

Lời mời gọi của Chúa thật dễ hiểu và ngọt ngào: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, nhưng thực hiện thì không dễ chút nào. Dẫu vậy, lời mời gọi của Chúa luôn là kim chỉ nam hướng dẫn ta trên đường theo Chúa, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta. Đồng thời dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta cần duyệt xét lại bản thân, cần nhìn lại cung cách sống của chúng ta. Nếu chúng ta vẫn giữ quan điểm “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”, người ta đối xử với tôi thế nào, tôi sẽ đối xử lại như vậy. Nếu thái độ cư xử của chúng ta vẫn còn mang nặng tính vụ lợi, hơn thua vật chất; hoặc nếu ta chưa biết tôn trọng, yêu thương và phục vụ những người khác, thì chúng ta chưa phải là môn đệ của Chúa và khi đó chúng ta đang làm méo mó, làm xấu đi hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim yêu thương, để mọi việc chúng con làm đều quy chiếu về tình yêu của Chúa và mưu ích cho tha nhân. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập421
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm389
  • Hôm nay41,393
  • Tháng hiện tại901,754
  • Tổng lượt truy cập78,905,205
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây