Tuần VI Mùa Phục Sinh
Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29
Người ta kể rằng ở khu tập thể nọ có rất nhiều người ở, nhưng không ai lạ gì bà Ba. Mỗi sáng bà ngồi ở chiếc ghế đá trước cổng khu tập thể nhìn người này đưa con đi học, người khác đi chợ hay vội vàng đến công sở. Chiều ai trở về cũng thấy bà ngồi chỗ ấy, bắt chuyện, hỏi thăm.
Nghe đâu trước đây bà đã từng lập gia đình, nhưng chỉ vài năm sau, người chồng bạc mệnh của bà đã mãi mãi ra đi trong một lần đánh cá ngoài khơi. Bà ở vậy từ đó đến giờ.
Nga là thơ kí cho một tổng giám đốc người nước ngoài cùng ở trong khu tập thể đó. Cũng như bao nhiêu người khác ở khu tập thể, Nga rất ít thời gian nên chưa bao giờ dừng lại để nói chuyện với bà. Bà có thói quen cứ mỗi lần thấy một người quen là bà luôn chào hỏi. Bà cũng rất muốn làm quen với những người mới đến. Có lần bà đã muốn bắt chuyện với Nga, nhưng việc đó làm Nga khó chịu vì coi bà là “một người già lẩm cẩm”.
Một lần kia khi Nga phải đi công tác xa, đi từ lúc trời chưa sáng. Oái oăm thay hôm đó do vội vã Nga ra khỏi nhà mà quên khoá cửa. Gần cả ngày công tác trôi qua, Nga rụng rời tay chân khi nghĩ đến số tiền dành dụm được bấy lâu nay và số nữ trang cất trong tủ, tivi, đầu đĩa, máy nghe nhạc...
Ruật gan Nga như lửa đốt trên đường về. Phải chi Nga biết số điện thoại của một vài người trong khu tập thể để hỏi thăm tình hình. Ơ, mà nếu biết, làm gì biết bụng dạ người ta thế nào.
Chiều tối vừa về đến khu tập thể, Nga vội vàng lao vào nhà. Một bóng người nhỏ nhắn ngồi trước băng đá, đó là bà Ba. Thấy Nga, bà nói gì đó, nhưng mặc kệ, Nga vờ như không nghe thấy. Lúc này đây mớ tài sản của cô trong nhà còn hay mất mới là điều quan trọng nhất.
Cô sững người đứng nhìn căn phòng đã khoá chặt cửa, tiến lại gần, xem kĩ: căn phòng được khoá bằng một ổ khoá lạ. Chưa biết thế nào thì bà Ba lom khom bước tới, trên tay cầm chìa khoá đưa cho Nga. Thì ra sáng dậy, bà không thấy Nga đâu mà cửa lại mở toang. Biết Nga không khoá cửa nên bà đã dùng khoá của mình khoá lại giúp. Bà đợi Nga đến khuya vì sợ cô về không vào được nhà.
Đêm đó Nga đã thức trắng nghĩ về bài học quan tâm, chia sẻ trong cuộc sống, bài học từ một bà cụ “lẩm cẩm và lạc hậu” như cô đã từng nghĩ...
Quan tâm, chia sẻ, nghĩ đến người khác = yêu thương chính là sứ điệp của lời Chúa hôm nay gửi tới chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ yêu mến Chúa qua việc tuân giữ giới răn của Ngài. Thật ra giới răn quan trọng nhất Chúa để lại cho các môn đệ là giới răn yêu thương: “Thầy để lại cho anh em điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; đây là lệnh truyền của Thầy anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Như thế, thật ra yêu mến Chúa qua việc giữ giới răn Chúa là yêu thương tha nhân như chính Chúa yêu. Đó là một tình yêu hy sinh, dâng hiến và trao ban. Chúa Giêsu hy sinh bản thân cho các môn đệ, dâng hiến mạng sống cho các ông, trao ban thịt máu mình làm thần lương cho các môn đệ.
Ai yêu mến Chúa Giêsu qua việc yêu thương con người thì điều quan trọng nhất họ có thể đạt được là Chúa Cha và Chúa Giêsu sẽ đến và ở lại với họ. Có Chúa đến và ở với, các tín hữu không còn phải thiếu thốn bất cứ thứ gì. Nói cách khác, có Chúa các tín hữu có được niềm vui, bình an, hạnh phúc sâu xa, viên mãn, tràn đầy dẫu cho cuộc sống có thế nào đi nữa. Ngược lại, nếu không yêu mến Chúa, ta không thể thực thi giới răn Chúa, ta không thể giữ lời của Chúa, kết quả là ta sẽ không có Chúa ở cùng. Theo Chúa Giêsu, lắng nghe và tuân giữ lời của Ngài cũng là lắng nghe và tuân giữ lời của Chúa Cha “lời anh em nói đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14,24b).
Vì yêu thương, Chúa không chỉ mời gọi các môn đệ yêu mến bằng cách tuân giữ lời của mình, Chúa Giêsu còn muốn trao ban Thánh Thần, một quà tặng quá lớn lao. Quà tặng này không thể thiếu đối với các môn đệ vì rồi đây Chúa Giêsu sẽ về với Chúa Cha. Chính Thánh Thần sẽ dạy dỗ các môn đệ những gì mới mẻ Chúa Giêsu chưa dạy và gợi lại những gì Chúa Giêsu đã dạy mà các ông có thể quên. Chưa hết, Thánh Thần còn bảo trợ, soi sáng, thánh hoá, thôi thúc các môn đệ thực hiện những gì Chúa muốn “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26).
Thật ra, ơn bình an cũng là ơn không thể thiếu mà vì tình yêu Chúa Giêsu có thể làm cho các môn đệ bởi vì hơn bao giờ hết âu lo, sợ hãi, hoang mang, xao xuyến là những biểu hiệu tâm lý rất tự nhiên khi các ông phải đối mặt với sự ra đi của Chúa Giêsu. Do đó, để trấn an các ông, Chúa đã hứa ban bình an cho họ “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” Bình an của Chúa Giêsu là thứ bình an vượt lên trên mọi khó khăn thử thách, thậm chí cả sự bách hại và cái chết. Các môn đệ có thể vẫn bình an trước sóng gió, trước sự đe doạ mạng sống. Chính Chúa Giêsu đã vượt qua đau khổ và cái chết bằng một tâm hồn bình an để trở nên mẫu gương và nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.
Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ yêu mến Ngài bằng cách tuân giữ giới răn của Ngài. Ai yêu mến Ngài sẽ được Chúa Cha yêu mến và chính Chúa Cha và Chúa Giêsu sẽ đến và ở lại với người ấy. Lời mời gọi của Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng yêu thương chính là trung tâm của đời sống đạo. Chỉ có yêu thương mới thực sự làm cho một người trở thành công dân Nước Chúa, môn đệ đích thực của Chúa, bảo đảm cho ơn cứu độ. Nguyện xin Chúa cho các tín hữu luôn ở lại trong tình yêu của Chúa bằng cách luôn nỗ lực tuân giữ lời của Chúa. Amen!