Suy niệm Chúa Nhật VI Phục Sinh C
Thứ sáu - 20/05/2022 22:36
766
(Ga 14,23-29)
Chủ đề suy ngẫm của chúng ta trong Chúa Nhật này vừa gợi lại các chủ đề của tuần trước vừa hướng chúng ta chú ý đến sự kiện Chúa Giêsu lên trời sắp diễn ra ở phía trước. Một lần nữa, chúng ta suy niệm về sự mới mẻ triệt để mà mầu nhiệm phục sinh mang lại, nhưng đồng thời chúng ta cũng được báo trước về sự ra đi của Chúa Giêsu. Vì thế, tuần này chúng ta cùng nhau ngắm nghía những kỷ vật chia tay mà Chúa Giêsu dành tặng cho chúng ta.
Thành đô mới
Thành đô mới của Thiên Chúa thật là hiển hách. Thành được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và trên cổng thành, có khắc tên các chi tộc Israel. Trong thánh này, không có một sự loại trừ nào, vì tất cả đều quy hướng về thành. Các tên và các con số ở đây đều mang tính biểu tượng. Chúng biểu tượng cho sự mở ra đối với mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ. Điều này là hoàn toàn mới mẻ đối với những người vốn đã quen hưởng các đặc quyền và sống phân biệt đối xử giới tính, chủng tộc và giai cấp xã hội. Trong thành đô của Thiên Chúa không có ai xa lạ, không có khách ngoại kiều. Bất cứ ai đã được giặt sạch áo của mình trong máu Con Chiên, đều được chào đón trong thành của Thiên Chúa.
Trong thành này, Thiên Chúa sẽ ngự trị cách trọn vẹn đến mức không còn cần đến một ngôi đền, một nơi gặp gỡ đặc biệt cho Thiên Chúa và con người. Vinh quang của Thiên Chúa sẽ bao phủ đến độ tất cả các nguồn ánh sáng khác sẽ tan biến trước sự rực rỡ của thành. Sự phục sinh của Chúa Giêsu đã biến đổi tận căn cách chúng ta sống với nhau và sống với Chúa. Sự phục sinh đảm bảo với chúng ta rằng cho dẫu bề ngoài cảm giác thế nào, thì ở đây và bây giờ, chúng ta cũng đang nếm hưởng trước thành đô mới của Thiên Chúa, nếu chúng ta chọn sống trong quyền năng của Đấng phục sinh.
Tư cách công dân mới
Chúng ta làm gì để được cứu độ? Câu hỏi được nêu ra cho Đức Giêsu hơn 20 thế kỉ trước vẫn được đặt ra ngày hôm nay và câu trả lời vẫn không thay đổi. Chúng ta phải tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa và phải yêu thương nhau. Những điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại là một đòi hỏi rất triệt để. Chúng ta sẽ được nhận biết là dân tộc phục sinh qua đức tin sống động và tình yêu vô vị lợi của chúng ta, chứ không phải qua những dấu hiệu bề ngoài, cho dẫu nó có vẻ thánh thiêng đến đâu đi chăng nữa. Những nghi lễ bề ngoài rất thường hay tôn dương một số người trong cuộc nhưng lại loại trừ một số người khác. Chúng thường tách biệt nam với nữ, người trẻ với người già, chủng tộc này với chủng tộc khác. Những gì trước đây có thể là cần thiết cho tư cách công dân của thành đô Thiên Chúa nay đã mất đi ý nghĩa của nó. Tuy nhiên, tất cả các nghĩa vụ không được đặt sang một bên. Trong khi chúng ta vẫn đang ở trong thời gian mong đợi sự viên mãn của ngày quang lâm, chúng ta phải sống với nhau với một cách ân cần phi thường. Đi đôi với xác tín đạo đức mạnh mẽ, chúng ta cũng phải sẵn sàng dấn thân vì tha nhân. Như Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã từng dạy chúng ta: hãy hiệp nhất trong những điều chính yếu, uyển chuyển trong những gì tùy phụ và bác ái trong tất cả.
Sự thay đổi các yêu cầu đối với tư cách công dân nước Chúa không làm giảm sự đòi hỏi của các bổn phận đạo đức của chúng ta. Trái lại, điều này giả thiết rằng chúng ta phải luôn đào sâu việc giải thích lề luật, bởi vì những gì phù hợp cho lúc này và nơi này thì có thể lại không phù hợp ở lúc khác hoặc nơi khác. Thực vậy, khả năng phân định thánh ý của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh mới có lẽ còn khó khăn hơn nhiều so với việc duy trì các tập tục đạo đức. Cùng với các Kitô hữu tiên khởi, chúng ta cũng cần sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong tiến trình khá tinh tế này. Đó là lý do mà trước lúc ra đi, Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần sẽ đến và dạy dỗ chúng ta mọi điều.
Bình an của Chúa Kitô
Quà tặng cuối cùng mà Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ chính là bình an của Người. Điều này không có nghĩa là các môn đệ sẽ được thoát khỏi mọi âu sầu phiền muộn, bởi vì chính Đấng hứa ban bình an ấy cũng đã phải chịu sỉ nhục và bị đóng đinh vào Thập Giá. Bình an mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ là bình an mà Người đã giành được nhờ chiến thắng tội lỗi và sự chết. Trong khi sự bình an này có lẽ vẫn bao hàm sự hài hòa nơi con người, nhưng thực sự phải hiểu theo nghĩa sâu xa nhất chính là ơn cứu độ. Bình an này xuất phát từ sự hợp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha, sự hợp nhất mà chúng ta được mời gọi cùng chia sẻ với Người. Đó chính là sự bình an mà chúng ta có thể tìm đến nghỉ ngơi giữa những khổ đau của cuộc sống xô bồ. Chúa Giêsu để lại bình an của Người cho chúng ta sau khi Người đoan chắc rằng Chúa Cha sẽ sai Thánh Thần đến với chúng ta khi Người ra đi. Đây chính là quà tặng chia tay tuyệt vời nhất mà Người trao ban cho chúng ta.
Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ
Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary, Sixth Sunday of Easter, Year C, The Liturgical Press.