Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C
Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35
Tình yêu là một đề tài xưa như trái đất, nhưng thật khó nắm bắt và khó diễn tả. Tình yêu hiện diện ở mọi nơi, mọi thời và chi phối toàn bộ đời sống con người. Nói về tình yêu thì không bao giờ cạn; Định nghĩa về tình yêu thì chẳng bao giờ cùng. Lời Chúa hôm nay đề cập đến tình yêu, mời gọi mọi người bước đi trên con đường tình yêu khi Chúa Giêsu trao ban cho các môn đệ điều răn mới là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Tình yêu đã có từ ngàn đời, hiện hữu trước khi có vũ trụ vạn vật và con người. Vì yêu mà Thiên Chúa đã dựng nên con người và cũng vì yêu, Thiên Chúa đã sai chính Con Một của Ngài xuống trần gian, để mạc khải cho con người biết tình yêu Thiên Chúa và để cứu độ con người.
Giới luật yêu thương đã có ngay từ thời Cựu Ước được ghi lại trong sách Lêvi: “Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19,18). Yêu người thân cận như chính mình, tức là lấy mình làm gốc. Khi yêu chính mình thì không muốn người khác làm điều xấu điều ác cho mình, thì cũng đừng làm những điều ấy cho tha nhân. Và khi yêu chính mình thì muốn người khác làm cho mình điều tốt điều lành, thì cũng hãy làm cho người khác như vậy.
Luật yêu thương của Cựu ước rất đáng trân trọng, có nhiều nét tương đồng với văn hóa Á Đông, cũng như lời dạy của cha ông chúng ta “thương người như thể thương thân”. Nhưng tình yêu đó vẫn còn giới hạn, bất toàn và chưa đạt tới mức hoàn hảo bởi tình yêu của con người vẫn bị chi phối bởi nhiều yếu tố như cảm xúc, đam mê, vụ lợi… và phạm vi tình yêu vẫn giới hạn chủ yếu nơi người thân cận như gia đình, làng xóm láng giềng, quê hương đất nước. Hôm nay, Chúa Giêsu hướng tình yêu của mỗi người đến tình yêu đích thực, và chỉ cho chúng ta mẫu mực của tình yêu: không chỉ yêu người như yêu mình, nhưng là yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Đó là nét mới mẻ, độc đáo và đặc thù của tình yêu Kitô giáo.
Yêu như Chúa đã yêu là tình yêu phổ quát mở ra với mọi người, không giới hạn phạm vi và đối tượng. Chúa Giêsu đã yêu thương hết thảy mọi người, ai cũng có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim yêu thương của Ngài. Biết bao người đã được đụng chạm đến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc Ngài chạnh lòng thương, chăm lo và chữa lành cả về thể xác lẫn tâm hồn. Biết bao người đã được gặp Chúa và được Ngài biến đổi như Mátthêu, Giakêu, Mađanêla, người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp…
Yêu như Chúa đã yêu là khiêm nhường phục vụ. Một tình yêu vô vị lợi, yêu chỉ vì yêu và muốn cho người mình yêu được hạnh phúc. Vì thương, Đức Giêsu Kitô vốn dĩ Thiên Chúa, nhưng đã sẵn sàng rời bỏ trời cao xuống thế làm người chia sẻ kiếp sống con người, mạc khải cho con người biết tình yêu Thiên Chúa (x. Pl 2,6-7). Không những thế, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu là Thầy là Chúa, nhưng đã hy sinh hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học yêu thương phục vụ (x. Ga 13,1-20).
Yêu như Chúa đã yêu là quảng đại tha thứ tất cả. Một tình yêu thủy chung son sắt, không bao giờ đổi thay dù cho con con người có tội lỗi bội phản, bất xứng với tình yêu, thì Ngài vẫn yêu và yêu cho đến cùng. Chúa Giêsu đã tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, tha thứ cho Phêrô chối Chúa (Mt 26,69-75), tha cho kẻ trộm lành biết sám hối ăn năn (x. Lc 23,43), và tha cho cả những kẻ giết Ngài (x. Lc 23,34).
Yêu như Chúa đã yêu là tình yêu hy sinh hiến mình vì người mình yêu. Để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã sẵn sàng đón nhận cái chết thương đau trên thập giá để cho con người được hưởng tình yêu dạt dào của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã hiến trao chính mạng sống mình để minh chứng cho tình yêu. Đó là tình yêu cao cả nhất và là bằng chứng hùng hồn nhất về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Đạo Công giáo chúng ta là đạo yêu thương, vì có Đấng sáng lập là Đức Giêsu Kitô chính là dung mạo và hiện thân của tình yêu Thiên Chúa. Ngài đã đến và trao ban tình yêu cho mỗi người chúng ta, và Ngài yêu đến nỗi hy sinh tính mạng để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Là Kitô hữu, Chúng ta được mời gọi sống, thực hành giới răn yêu thương mà Chúa đã nêu gương và truyền dạy: “anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em”.
Yêu như Chúa đã yêu không phải yêu vì tiền, yêu vì quyền, hay yêu để trục lợi, yêu để chiếm hữu. Cũng không phải là yêu theo kiểu “mì ăn liền”, yêu để được nổi tiếng, hay tai tiếng như các văn nghệ sĩ và một số bạn trẻ ngày nay.
Trái lại, yêu như Chúa đã yêu là tình yêu mở ra với mọi người, tha thứ tất cả, hy sinh tất cả vì người mình yêu. Yêu như thế không phải để được yêu lại, để được đền đáp nhưng vô vị lợi. Vì yêu nên luôn tích cực chủ động đem yêu thương và hạnh phúc đến cho người khác qua việc dấn thân quên mình phục vụ, cảm thông và tha thứ. Nếu mỗi người yêu thương như thế, thì cuộc sống chúng ta sẽ trở thành thiên đàng tại thế. Sẽ không còn cảnh gia đình bất hòa, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ. Sẽ chẳng còn những cộng đoàn bất hòa chia rẽ, thiếu sự hiệp nhất yêu thương…
Yêu như Chúa đã yêu làm nên nét đẹp của đạo Công Giáo. Nét đẹp ấy phản ánh dung nhan tình yêu Thiên Chúa và căn tính đích thực của người Kitô hữu. Nét đẹp ấy có sức hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa như sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho chúng ta thấy: Giáo hội sơ khai được toàn dân thương mến vì đã sống giới răn yêu thương và hiệp thông bác ái với nhau. Chính vì tình yêu thương và hiệp nhất mà các tín hữu tiên khởi đã làm nên một cộng đoàn loan truyền tin mừng tình yêu của Chúa. Đời sống bác ái yêu thương đó đã khiến cho nhiều người dân ngoại cảm phục và nói về các Kitô hưu rằng: họ là những người sống đạo yêu thương. Quả thật khi chúng ta sống yêu thương như Chúa đã yêu, thì mỗi người sẽ trở thành con đường nhỏ dẫn người khác đến với đại lộ tình yêu Giêsu; mọi người cảm nhận được tình Chúa thương yêu, từ đó sống chan hòa bác ái với nhau, cùng giúp nhau nên thánh.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết yêu như Chúa đã yêu, sống như Chúa đã sống để xứng danh là Kitô hữu. Amen.