Lần hiện ra này đặc biệt hơn cả

Thứ bảy - 30/04/2022 04:54  419
Chúa Nhật III Mùa Phục Sinh C
(Cv 5,27b-32.40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19)

images 6Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá khiến các môn đệ bàng hoàng sợ hãi. Cái chết của Chúa giống như dấu chấm hết cho những điều các ông vẫn hy vọng và ước mơ khi đi theo Chúa. Vì thế, sau khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu đã nhiều lần hiện ra để củng cố niềm tin cho các ông. Chẳng hạn Ngài đã hiện ra với một số phụ nữ, khi các bà ra thăm mộ Chúa (Mt 28,9); hay có lần Chúa hiện ra với bà Maria Mađalenna, bà nhận ra Chúa khi Chúa gọi tên bà (Ga 20,11-16). Ngài còn hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau (Lc 24,13-35). Không những vậy, chính Chúa đã hiện ra ban bình an và Chúa Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 20,19-31). Nhưng có lẽ với các môn đệ và cách riêng với Phêrô, lần Chúa hiện ra được kể lại trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay vẫn đặc biệt hơn cả. Tại sao như vậy? Chúng ta cùng nhau đi vào những chi tiết nổi bật của bài Tin Mừng để thấy được điều đó.

Khung cảnh Chúa tỏ mình ra cho các môn đệ là tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, hay còn được gọi là Biển Hồ Ga-li-lê (Ga 6,1), nơi các môn đệ đã quen thuộc với nghề đánh cá trước khi trở thành môn đệ của Ngài. Sau khi Chúa chết, các ông lại trở về mưu sinh với nghề nghiệp cũ. Biển hồ này đã từng ghi dấu ấn kỉ niệm của việc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những môn đệ đầu tiên, trong đó có Phêrô. Tại nơi đây, Chúa đã lên tiếng gọi các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá ”  (Mc 1,17). Khi nghe tiếng Chúa kêu mời, các ông đã bỏ mọi sự mà theo Ngài (Lc 5,11). Cách đây ba năm Chúa đã xuất hiện trong cuộc đời các ông với mẻ cá lạ, thì giờ đây Chúa cũng tỏ mình cho các ông trong hoàn cảnh tương tự. Lần trước, chính Phêrô đã thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” và họ đã kéo lên được hai thuyền đầy cá (Lc 5,5-7). Lần này, Chúa đến với các ông như một vị khách đi trên bãi biển, nhưng với thân xác vinh hiển của Đấng Phục Sinh, nên các ông không nhận ra Ngài (Ga 21,4). Chúa đã chủ động lên tiếng trước, Ngài hỏi các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” (Ga 21,5). Dù Chúa biết rõ các ông không bắt được con cá nào, nhưng Ngài vẫn hỏi, Ngài hỏi để thể hiện sự quan tâm, và để các ông có cơ hội giãi bày sự thật. Các ông chỉ trả lời vỏn vẹn: “Thưa không”. Dường như trong câu trả lời ấy, chúng ta cảm nhận được sự mệt mỏi, chán chường và sự bất lực của các ông.

Chúa thấu hiểu điều đó và Ngài bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21,6). Các ông vâng lời và thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Tin mừng còn kể chi tiết thêm: Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách (Ga 21,11). Thật ra, con số 153 là con số biểu tượng, vì thời ấy người ta quan niệm và thống kê có tất cả 153 loài cá lớn nhỏ dưới biển. Khi nhắc đến con số này, thánh sử Gioan muốn nói với chúng ta về hình ảnh Giáo Hội của Chúa Kitô. Cả nhân loại được mời gọi gia nhập Giáo Hội, làm thành gia đình của Thiên Chúa, Giáo Hội là nơi tập họ tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ và mọi thời đại. Hình ảnh cá nhiều mà lưới không bị rách, tượng trưng cho sức mạnh của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Có Chúa Phục Sinh hiện diện và hoạt động trong Giáo hội thì dù phải đối mặt với khó khăn, sóng gió, thử thách, dù bao chống đối, bắt bớ, Giáo Hội vẫn đứng vững và phát triển.

Chứng kiến mẻ cá lạ lùng như vậy, thế nhưng các môn đệ vẫn không nhận ra vị khách kia là Đức Giêsu, mà chỉ có môn đệ Gioan. Hơn ai hết, với tình yêu mến và trực giác tinh tế, ông đã nhận ra Chúa. Gioan nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!”. Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển (Ga 21,7). Hành động này của ông thể hiện sự tôn trọng dành cho Chúa và ông mong muốn được gặp Đức Giêsu. Trong khi đó, ở trên bờ Đức Giêsu đã chuẩn bị sẵn than hồng, có cả cá và bành đặt ở trên. Chúa còn quan tâm yêu thương mời gọi: “Anh em đến mà ăn” (Ga 21,12), vì Chúa biết các ông đã thấm mệt và đang đói sau một đêm vất vả chài lưới. Hơn thế nữa, Chúa còn lặp lại những cử chỉ thân tình mà Chúa vẫn dành cho các ông khi Thầy trò cùng ngồi ăn uống, nhờ vậy các ông đã nhận ra Ngài. Sau khi Thầy trò đã dùng xong bữa sáng, Chúa đã trao cho Phêrô một sứ vụ cao cả, sứ vụ cai quản Hội Thánh. Để có thể lãnh nhận nhiệm vụ này, Chúa đã đích thân thẩm vấn Phêrô. Lời thẩm vấn của Chúa thật đặc biệt, Ngài không đòi hỏi Phêrô phải có tài năng xuất chúng, hay có tài lãnh đạo thu phục lòng người, Ngài chỉ hỏi Phêrô về tình yêu mến của ông dành cho Chúa, Chúa đã hỏi Phê-rô đến ba lần: “con có yêu mến Thầy không”. Đáp lại ba lần thẩm vấn của Chúa, Phêrô ý thức sự yếu hèn của mình, ông chỉ nói trong khiêm tốn và nghẹn ngào: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con thương mến Thầy” (Ga 21,17). Tình yêu dành cho Chúa là điều kiện duy nhất Chúa muốn Phêrô phải có, để rồi sau ba lần thẩm vấn về tình yêu là ba lần Chúa trao cho ông sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Chúa tin tưởng trao phó cho Phêrô nhiệm vụ này, ông đã đón nhận và hăng say ra đi làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, ông đã dùng cả cái chết để chứng minh tình yêu với Chúa.

Câu hỏi mà Chúa đã hỏi Phêrô, Chúa cũng đang hỏi mỗi người Kitô hữu, hỏi cộng đoàn đang hiện diện nơi đây: “Con có yêu mến Thầy không?”. Trước câu hỏi của Chúa, có lẽ không ít người trong chúng ta phải thành thực thú nhận rằng: con vẫn tự nhận là mến Chúa, tin Chúa nhưng lời Chúa dạy con lại không giữ trọn. Bởi nếu giữ lời Chúa, làm sao chúng ta có thể thờ ơ với những người đang sống bên ta? Sao chúng ta vẫn còn có thái độ ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ muốn mọi người vì mình; sao chúng ta lại thiếu tích cực trong cuộc sống, không dám mạnh dạn đấu tranh chống lại cái xấu ngay trong chính bản thân, hoặc nơi chúng ta làm việc, hoạt động? Sao chúng ta lại dễ dàng phê phán, nguyền rủa người khác, khi người đó không hợp với ta, không ủng hộ, không đứng về phía ta để bảo vệ lợi ích cho ta. Niềm tin vào Chúa, chúng ta không chỉ tuyên xưng trong lòng, tuyên xưng trên môi miệng, mà quan trọng hơn phải biến điều ta tin thành hành động trong cuộc sống. Chính qua cung cách sống yêu thương, phục vụ, quảng đại, bao dung sẽ là cách thức tốt nhất để chúng ta có thể loan báo Tin Mừng của Chúa cho những người xung quanh, cho những ai chưa nhận biết Ngài. Amen.

Tác giả: Phaolô Nguyễn Văn Hiền

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập219
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm192
  • Hôm nay24,597
  • Tháng hiện tại852,374
  • Tổng lượt truy cập69,912,248
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây