Suy niệm Chúa Nhật III Phục Sinh năm C

Thứ bảy - 30/04/2022 04:04  800
(Ga 21,1-19)

easter 3 0cNối tiếp chủ đề tuần trước về sự tỏ mình của Đấng Phục Sinh, tuần này, chúng ta chú tâm vào những cách thức khác nhau mà những chứng nhân của cộng đoàn đức tin tỏ lộ về Đấng Phục Sinh. Chúng ta thấy điều đó nơi những chứng nhân Tông đồ qua việc phục vụ với vai trò là nhà lãnh đạo, nơi những chứng nhân giảng dạy và giáo huấn, và nơi những chứng nhân đã sống một cuộc đời trung thành cho dù phải trả giá đắt để sống đời sống chứng nhân như thế.

Phục vụ trong tư cách lãnh đạo

Chứng tá tông đồ trong việc lãnh đạo và phục vụ được thực hiện bởi nhiều thừa tác vụ khác nhau trong Giáo hội, là một ví dụ cho sự hiện diện sống động của Đức Kitô. Trong khi, Tin mừng ngày nay chỉ ra thánh Phêrô là một người lãnh đạo trong cộng đoàn. Nhưng điều này không có nghĩa là việc chăm sóc Giáo hội, đàn chiên của Chúa, là trách nhiệm duy nhất của những nhà lãnh đạo được ủy thác. Hơn nữa, đó là trách nhiệm của tất cả những ai đã chịu Phép rửa. Đàn chiên của Chúa được chăn dắt bởi mục tử đoàn. Các ngài được mời gọi để săn sóc và chăm lo cho đoàn chiên của Chúa. Tuy nhiên, một số người được trao cho trách nhiệm cao hơn để thực hiện thừa tác vụ này. Đó được gọi là các giám mục, linh mục và tất cả tác thừa tác viên mục vụ.

Trong thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay, một thế giới mà nghèo đói phi nhân lan tràn, bạo lực kinh hoàng không ngừng diễn ra, lạm dụng và bóc lột xảy ra nơi những người không có khả năng tự vệ, Giáo hội được đánh giá cách đúng đắn bởi đặc tính và mức độ chăm sóc dành cho những người dễ bị tổn thương nhất. Như thánh Phêrô đã được kêu gọi, những người được kêu gọi tham gia việc phục vụ này nên đáp trả lại bằng tình yêu và sự khiêm nhường như thánh Phêrô đã làm. Và họ phải ý thức rằng chỉ nhờ quyền năng cứu độ của Thiên Chúa mới giúp họ có thể kiên trì thực hiện sứ mạng của mình. Nếu không, thậm chí họ có thể chối bỏ niềm tin vào Chúa.

Rao giảng và Giáo huấn

Các Tông Đồ đã vượt qua ngưỡng cửa và qua việc rao giảng và giáo huấn, các ngài cũng đã dẫn đưa những người khác vượt qua. Các ngài đã chuyển từ sự hiểu biết về sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa ở giữa dân chúng sang sự hiểu biết khác. Cốt lõi của sự hiểu biết mới này chính là cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ánh sáng của sự phục sinh đã soi chiếu niềm xác tín và những khát mong tôn giáo trước đây của các ngài, và các ngài không hề nao núng với cam kết trong việc dấn thân để loan báo Tin Mừng, giáo huấn và nguồn sáng có sức biến đổi này.

Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh của Giáo hội có những nét tương đồng với Giáo hội thời sơ khai. Những niềm tin và nguyện vọng tôn giáo của chúng ta dường như đang trở nên lúng túng, thậm chí có những lúc yếu đuối. Tốc độ thay đổi nhanh chóng của xã hội đã khiến nhiều người mất cảm thức về ý nghĩa tôn giáo. Số những người không được nuôi dưỡng trong một nền văn hóa tôn giáo đã ngày càng tăng mạnh. So với thời trước, ngày nay, có nhiều nhu cầu hơn về việc rao giảng hiệu quả và giáo huấn cách rõ ràng. Theo một nghĩa rất thực tế, Chúa Phục sinh được tỏ bày qua việc rao giảng, giảng dạy và dạy giáo lý của các Kitô hữu nhiệt thành - những người nam, người nữ lãnh nhận và sống bí tích rửa tội cách trách nhiệm như các Kitô hữu thời sơ khai.

Chứng nhân tử đạo

Một vị tử đạo cũng là một chứng nhân. Từ tử đạo trong tiếng Hy Lạp, không chỉ có nghĩa là một người chết cho đức tin nhưng đồng thời còn là người sống niềm tin ấy cách trọn vẹn đến độ người đó sẵn sàng chịu bất kỳ một hậu quả nào kể cả sự chết để sống trung thành với đức tin. Trong bài đọc một, các tông đồ được đưa đến trước Thượng Hội Đồng Do Thái vì họ vẫn tiếp tục rao giảng Tin Mừng. Họ hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Trong bài đọc thứ hai, Con Chiên đã được siêu tôn cũng chính là Đấng đã bị giết chết. Thực ra, phải nói chính xác hơn là chính khi bị giết chết, Con Chiên được siêu tôn. Trong bài Tin Mừng, thánh Phêrô được nói cho biết rằng, cũng như Thầy của mình, thánh nhân sẽ phải trả giá cho sự dấn thân bằng cái chết của mình. Thậm chí các lời Thánh Vịnh – Đáp ca còn ám chỉ rằng những người được lựa chọn để sống trung thành sẽ phải chịu đựng những đau khổ. Sự kiên định chịu đau khổ như vậy luôn là một bằng chứng thuyết phục. Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh luôn được lớn tiếng rao giảng bằng những chứng nhân, những con người trung thành cho đến chết. Máu của các vị tử đạo là hạt mầm trổ sinh Giáo Hội.

Thời đại chúng ta tiếp nối truyền thống tử đạo đó, với những người nam và người nữ đã phải chịu bách hại vì họ đã mạnh dạn lên tiếng chống lại bất công, chống lại chiến tranh và chống lại sự nghèo đói. Có những linh mục trẻ đã bị giết hại vì họ đã thay đổi diện mạo cho một vùng đất. Có những nữ giáo dân đã phải chịu đối xử tàn ác bởi vì đã dạy cho những người phụ nữ địa phương biết nấu nướng, biết khâu vá. Có những con người phải chịu đựng sự nhục nhã nơi ngục tù bởi vì họ phản đối chiến tranh hạt nhân. Chúng ta có thể không được gọi để chịu tử đạo như thế, nhưng chúng ta phải thật lòng tự vấn, chúng ta đã trả cái giá nào cho niềm xác tín và khát vọng của mình? Chúa Giêsu Phục Sinh có được thể hiện nơi đời sống chứng tá của chúng ta hay không?

Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ

Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary, Third Sunday of Easter, Year C, The Liturgical Press.

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập250
  • Máy chủ tìm kiếm106
  • Khách viếng thăm144
  • Hôm nay34,331
  • Tháng hiện tại881,953
  • Tổng lượt truy cập70,909,710
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây