Chúa Nhật II Phục Sinh Năm C
Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13; Ga,19-31
Hôm nay là Chúa Nhật II Phục Sinh. Niềm vui Chúa Phục sinh vẫn còn đang tràn ngập tâm hồn chúng ta. Chúa Kitô đã chết và sống lại khải hoàn vinh thắng. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cho chúng ta hai lần Chúa hiện ra, cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn của Người. Chúa đã phục sinh, nhưng trên thân thể phục sinh vinh thắng của Người vẫn còn những dấu đinh - chứng tích tình yêu, lòng thương xót Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thánh Gioan tông đồ đã thuật lại cho chúng ta một quang cảnh hết sức thân tình, và cảm động của Chúa Giêsu Phục sinh và các môn đệ yêu quý của Người. Khi các môn đệ còn đang sống trong sợ hãi, ẩn mình trong nhà Tiệc Ly, cửa đóng then cài vì sợ Người Do Thái, thì Thầy Giêsu Phục sinh đã đến, và trao ban cho các ông món quà quý giá là bình an: “Bình an cho anh em”. Chúa không hề trách móc hay nhắc đến lỗi lầm nhát đản, chối Chúa, bỏ trốn của các ông, nhưng tha thứ và ban bình an cho các ông. Chính điểm này làm nổi bật dung mạo lòng thương xót của Chúa.
Không chỉ ban bình an, mà Ngài còn cho các ông nếm cảm niềm vui, khi cho họ xem tay và cạnh sườn Ngài. Đó là những dấu tích của tình yêu mà Ngài đã đón nhận trong cuộc khổ nạn, để các ông cảm nhận được tình yêu đến tận cùng của Thiên Chúa dành cho con người, và để các ông vững tin rằng Ngài đã Phục sinh. Những dấu đinh vẫn còn đây, chính Chúa phục sinh chứ không phải ai khác.
Món quà tiếp theo mà Chúa Giêsu trao tặng cho các môn đệ là sự sống mới của Ngài, đó là món quà Thánh Thần. Ngài thổi hơi và bảo các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chúng ta còn nhớ, khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã thổi hơi và trao cho Adam sự sống, thì hôm nay, Chúa Phục Sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ, để các ông đón nhận sự sống mới của Đức Ngài. Từ đây, các ông không còn sống cho con người cũ, nhưng cho Đức Kitô, bằng con người mới, sức sống mới của Chúa.
Bên cạnh việc trao ban Thánh Thần, Chúa Phục Sinh còn thể hiện lòng thương xót với con người, qua việc trao cho các tông đồ quyền tha tội: “Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm giữ”. Sự tha thứ thể hiện sâu xa nhất lòng xót thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa thấu biết những giới hạn của con người, biết họ luôn cần đỡ nâng, cảm thông và tha thứ, nên không chỉ tha thứ lỗi lầm cho các Tông đồ, mà còn trao cho các ông quyền nhân danh Ngài mà tha thứ.
Trao ban cho các tông đồ quyền tha thứ, Chúa muốn các ông trở thành hiện thân, cộng tác viên, cánh tay nối dài lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Qua các tông đồ, cái chết và sự phục sinh Chúa không dừng lại, nhưng được tiếp tục trao ban cho nhân loại để tha thứ và chữa lành.
Lần hiện ra thứ hai của Chúa Phục Sinh diễn ra tám ngày sau. Chúa mời gọi Tôma: hãy xỏ tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn của Chúa, để ông có thể đụng chạm đến tình thương của Chúa Phục Sinh. Một khi chạm vào tình yêu, con người được biến đổi. Khi chạm vào lòng thương xót của Chúa, giống như chạm vào một nguồn suối, từ đó mạch nguồn yêu thương của Chúa tuôn trào trên Tôma. Vì thế, Tôma đã tuyên xưng: “lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Hôm nay cử hành lòng Chúa thương xót, chúng ta cùng cảm nhận và tuyên xưng rằng, mỗi chúng ta đang được Chúa xót thương. Lòng thương xót của Chúa không bị tội lỗi con người làm ngăn cản, nhưng lòng thương xót vẫn xuyên suốt từ đời này trải qua đời kia. Lòng thương xót của Chúa vẫn luôn luôn mời gọi: “Hãy đến với Ta, hỡi những kẻ khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi” (Mt 11,28).
Ơn tha thứ Chúa Phục Sinh đã trao cho các tông đồ, cũng như cho Giáo Hội thể hiện lòng xót thương, sự kiên nhẫn chờ đợi của Ngài. Ngài luôn cho chúng ta có cơ hội để chúng ta quay về với lòng thương xót và tha thứ của Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi về sự tha thứ cả, mà chỉ có chúng ta mệt mỏi xin Ngài tha thứ.” Vì thế, mỗi khi vấp ngã trên đường đời, mỗi khi vì yếu đuối, lỗi lầm mà xa rời tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi mau mắn quay trở về với tình thương Tha thứ của Thiên Chúa qua Bí tích Hòa giải là Bí tích của lòng thương xót. Nơi đây Thiên Chúa là Cha yêu thương vẫn đang chờ đợi và mời gọi chúng ta đến với Ngài, để qua thánh vụ và môi miệng của các thừa tác viên của Giáo Hội chúng ta đón nhận được ơn tha thứ và bình an.
Ước gì qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, giúp chúng ta luôn khiêm tốn mở rộng trái tim để đống nhận tình thương và lòng thương xót của Chúa, để chúng ta ra đi làm chứng và loan truyền lòng thương xót của Chúa cho anh chị em. Amen!