ĐƯỜNG HƯỚNG VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
“Anh em không còn là người xa lạ hay khách ở trọ,
nhưng anh em là người nhà của Thiên Chúa”.
(x. Ep 2, 19-22)
“Chủng viện phải sống tinh thần gia đình và trở nên con tim của giáo phận, mà Bề Trên tối cao là Đức Giám mục Giáo phận. Cả Ban giám đốc và Chủng sinh làm thành một cộng đoàn giáo dục, nỗ lực cộng tác chặt chẽ với nhau trong tinh thần lẫn hành động”. (Nội Quy Đại Chủng Viện Bùi Chu, số 10)
Hình ảnh “ngôi nhà” gợi lên cho mỗi người chúng ta một bầu khí ấm áp, yêu thương, tin tưởng và hiệp nhất của một “mái ấm” gia đình. Đây chính là hình ảnh thân thương mà Thánh Phaolô đã dùng để căn dặn các tín hữu của ngài: anh em hãy nhớ mình là “người nhà của Thiên Chúa”, “thuộc về gia đình” Thiên Chúa, nên hãy sống tâm tình “người nhà” với Chúa và Giáo hội.
Ngay từ thời kỳ đầu tiên của Giáo hội Việt Nam, hình ảnh “ngôi nhà” cũng đã được ứng dụng cho việc đào tạo, khi “Nhà Đức Chúa Blời” được thành lập đó đây để quy tụ và huấn luyện các thanh thiếu niên muốn dâng mình vào nhà Chúa.
Đại Chủng Viện Bùi Chu cũng muốn xây dựng chủng viện thành một “ngôi nhà”, để mời gọi các chủng sinh đến đây với tư cách là “người nhà” và thuộc về gia đình này. Chủng viện không phải là quán trọ hay ký túc xá, mà là “nhà”, là “gia đình” của Thiên Chúa, trong đó mọi thành viên sống, học tập và đào luyện trong tinh thần “con cái Thiên Chúa”, nghĩa là với đức tin và tình yêu mến.
- Là người nhà, họ được mời gọi hãy sống với Chúa, với các cha giáo và với anh em như người một nhà. Điều này mời gọi lòng quảng đại, sự tin tưởng, cởi mở và phó thác.
- Là người nhà, họ cần coi mỗi hoạt động, mỗi công việc, mỗi biến cố lớn nhỏ, mỗi niềm vui, nỗi buồn trong ngôi nhà này, đều là “việc nhà”, và vì thế, đều là việc của họ. Điều này mời gọi tấm “lòng chung”, tinh thần trách nhiệm và tự giác.
- Là người nhà, các thành viên được mời gọi hãy cư xử với nhau như người một nhà. Điều này mời gọi sự quan tâm, cảm thông, tha thứ, đối thoại, tinh thần liên đới và đồng trách nhiệm.
I. Đường hướng đào tạo tại Đại Chủng Viện Bùi Chu
Việc đào tạo tại Đại Chủng Viện Bùi Chu theo sát các chỉ thị của Tòa Thánh và của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, với chu kỳ 8 năm[1] đặc biệt nhắm đến một nền đào tạo toàn diện và hướng tới sứ vụ.
Về định hướng lâu dài hay mục tiêu dài hạn, chủng viện thao thức xây dựng và kiện toàn mô hình Đại Chủng Viện như là “Ngôi Nhà” với ý nghĩa đức tin và văn hóa sâu sắc của chữ “Nhà”: Đại Chủng Viện như là Nhà Chúa – Nhà Chung – Nhà Trường:
- Nhà Chúa: Chủng viện là nơi đào tạo chủng sinh trở thành “con người của Chúa”, con người mầu nhiệm (PDV 16), con người thánh thiêng (FABC).
- Nhà Chung: Chủng viện là nơi huấn luyện chủng sinh trở thành con người sống đức ái huynh đệ và phục vụ, con người hiệp thông (PDV 16), con người trưởng thành và biết đối thoại (FABC), con người của sứ vụ (PDV 16), con người khiêm tốn phục vụ (FABC);
- Nhà Trường: Chủng viện cũng là nơi đạo luyện chủng sinh trở thành con người có tri thức, có sự hiểu biết về Đức Tin (chủ đích thiêng liêng) và có khả năng thông truyền đức tin cho con người hôm nay (chủ đích mục vụ) (x. PDV 51,55).
- Nhà Mình: (1) Truyền thống: Bùi Chu có truyền thống yêu mến Đức Mẹ và giữ đạo sầm uất, nên việc hun đúc lòng sùng kính Đức Mẹ và chiều sâu đức tin là điều cần thiết; (2) Đặc thù: Bùi Chu là vùng đồng bằng và từng được gọi là vùng “truyền giáo kiểu mẫu”, nên việc đào tạo cũng cần để ý tới những nét riêng như: tinh thần đồng trách nhiệm, tinh thần hợp tác, hồn tông đồ truyền giáo, nếp sống giản dị, quan tâm tới người nghèo...[2]
II. Chương trình đào tạo
Năm 2012, HĐGM Việt Nam đã ra sắc lệnh số 001/SL/HĐGM VN để ban hành cuốn “Đào tạo Linh mục: Định hướng và chỉ dẫn” và như thế, bản Ratio này trở thành “Chương trình chính thức áp dụng tại các Chủng viện ở Việt Nam kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2012”[3].
Theo định hướng trên của Ratio, tiến trình đào tạo gồm 3 giai đoạn: trước, trong và sau Đại Chủng viện. Trong cả 3 giai đoạn này, hai công việc chúng ta phải thực hiện không gián đoạn là: (1) thanh luyện và củng cố động lực tình yêu (quen gọi là “ý ngay lành”); (2) trau dồi và vun trồng những khả năng thích hợp (4 chiều kích: nhân bản-thiêng liêng-tri thức-mục vụ).
ĐÀO TẠO ĐỘNG LỰC TÌNH YÊU |
DỰ TU
(Trước Chủng Viện) |
CHỦNG SINH
(Tại Chủng Viện) |
LINH MỤC
(Sau Chủng Viện) |
ĐỘNG LỰC:
Giúp xác định
----> ý ngay lành |
Thao thức tông đồ
----> Hướng về đức ái mục tử |
Kiện toàn đức ái mục tử |
- Giai đoạn I: Trước Đại Chủng Viện = Thời gian dự tu, từ 2 năm trở lên;
- Giai đoạn II: Tại Đại Chủng Viện = 8 năm tại Đại Chủng Viện: Năm Tu đức, 2 năm Triết, 1 năm Thử, 4 năm Thần học;
- Giai đoạn III: Sau Đại Chủng Viện = Thường huấn, năm Mục vụ, 5 năm đầu đời linh mục, những năm sau, giai đoạn về hưu.
Đào tạo tại Đại Chủng Viện (giai đoạn II, Ratio ĐCV, ss 247-249) diễn tiến như sau:
A. Thời gian đào tạo: 4 tiểu giai đoạn = 8 năm
- Tu đức (1 năm)
- Triết học (2 năm)
- Thử (1 năm)
- Thần học (4 năm)
Sau đó thường có năm Tập vụ/Thực tập Mục vụ trước khi lãnh chức thánh.
B. Mục tiêu đào tạo
- Con người của “Mầu nhiệm, Hiệp thông, Sứ vụ”;
- Chứng nhân loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.
C. Trọng tâm đào tạo
- Động lực chọn lựa và theo đuổi ơn gọi linh mục;
- Khả năng thích hợp với đời linh mục theo bốn chiều kích: nhân bản, tu đức, trí thức và mục vụ.
III. Hiện tình Đại chủng viện Bùi Chu (niên khóa 2023-2024)
Giai đoạn chúng ta đang thực hiện là giai đoạn đào tạo trong và sau chủng viện, gồm 8 năm trong chủng viện và một số năm sau chủng viện, phân bố như sau:
- Năm Tu Đức
- 2 năm Triết
- Năm Thử
- 4 năm Thần
- Năm Mục Vụ (Tập vụ 1,2 …)
Đây là thời gian được tổ chức cách chặt chẽ và hệ thống, nhằm giúp chủng sinh trở thành những người rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay và xây dựng Giáo hội, nhân danh Chúa Kitô và trong tư cách Chúa Kitô là Đầu và là Mục tử, qua ba chức năng: rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn (Ratio, số 248).
Trong niên khóa 2024-2025, Đại Chủng Viện chào đón 11 tân chủng sinh khóa XV. Như vậy, trong niên khóa này, con số chủng sinh trong chương trình đào tạo gồm 186 thầy, trong đó có 116 thầy nội trú (triết: 48; thần: 68), 70 thầy ngoại trú, chia làm 12 lớp:
- Lớp Tu Đức (khóa XV): 11 thầy;
- Lớp Triết I (khóa XIV): 23 thầy;
- Lớp Triết II (khóa XIII): 14 thầy;
- Lớp Thử (khóa XII): 16 thầy;
- Lớp Thần I (khóa XI): 20 thầy;
- Lớp Thần II (khóa X): 17 thầy;
- Lớp Thần III (khóa IX): 15 thầy;
- Lớp Thần IV (khóa VIII): 16 thầy;
- Lớp Tập Vụ I (khoá VII): 14 thầy (12 BC+ 02 CRM).;
- Lớp Tập Vụ II (khóa VI): 19 thầy;
- Lớp Tập Vụ III (khóa V): 18 thầy;
- Lớp Tập Vụ IV (khóa IV): 03 thầy (02 BC+ 01 CRM).
Ngoài ra, từ năm 2010, có một số thầy đã ra trường sau khi trải qua năm ngoại khoá:
- Năm 2010-2011: 08 thầy (05 thầy Bùi Chu và 03 thầy Lạng Sơn)
- Năm 2011-2012: 03 thầy Hưng Hoá
- Năm 2012-2013: 03 thầy
Một viên gạch không xây nên Ngôi Nhà. Cần nhiều viên gạch gắn kết với nhau. Nhiều viên gạch xếp đống cũng không thành ngôi nhà mà thành “đống gạch”. Cần có bàn tay kiến trúc và xây dựng.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần liên kết chúng ta nên một trong tình yêu Chúa, để mỗi người chúng ta sẽ là những viên gạch sống động Ngài dùng mà hoàn thành Ngôi Nhà đào tạo này mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
[1] Xin xem Nội Quy Đại Chủng Viện Bùi Chu, Lời mở đầu.
[2] Các điều này đểu được trình bày trong Nội Quy của Đại Chủng Viện Bùi Chu.
[3] Xem “Sắc lệnh ban hành” trong HĐGM VN, Đào tạo Linh mục: Định hướng và chỉ dẫn, tr.9.