KHÓA III - LỚP THÁNH FERNANDEZ HIỀN
Trong niềm vui hân hoan hướng tới ngày đại lễ bế mạc năm đức tin ngày 24 tháng 11 và ngày lễ khánh thành Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu ngày 29 tháng 11 năm 2013, chúng tôi – những Chủng sinh khóa III (niên khóa 2012 – 2020) có đôi dòng lưu bút giới thiệu về lớp và Thánh bổn mạng.Hoa Trái Đức Tin Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới hôm nào nhập học, lớp KIII có 33 anh em thì nay đã bước sang năm Triết I. Thật hạnh phúc và vui sướng biết bao khi anh em lớp chúng tôi được sống trong gia đình Đại Chủng Viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu. Đúng như lời Thánh Vịnh đã ngợi ca: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống xum vầy bên nhau” (Tv 133). Ba mươi ba anh em chúng tôi đến từ nhiều giáo xứ và vùng miền khác nhau trong và ngoài Giáo Phận. Sở dĩ nói như vậy là vì lớp chúng tôi có 2 thầy dòng Thánh Tâm Huế, quê ở tỉnh Nghệ An, thuộc Giáo Phận Vinh. Sự hiện diện của 2 thầy làm cho các hoạt động của lớp thêm phần đa dạng và phong phú hơn. Còn lại 31 anh em ở các giáo xứ khác nhau thuộc giáo phận nhà – Bùi Chu. Độ tuổi của anh em chúng tôi khá chênh lệch, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1980 còn người ít tuổi nhất sinh năm 1990. Mỗi người chúng tôi có những tính cách, sở trường, sở thích,… khác nhau. Tuy vậy, lớp chúng tôi là một tập thể hiệp nhất, yêu thương, nâng đỡ và trợ giúp nhau trong học tập và các hoạt động của lớp và của trường. Với lòng hăng say, nhiệt huyết và đặc biệt là hồn tông đồ, lớp chúng tôi sẽ học tập và tu dưỡng thật tốt để mai này trở thành “những mục tử như lòng Chúa mong ước”. (Is ) Với số 33 thành viên trong lớp, KIII là lớp có số Chủng sinh đông nhất từ khi tái lập lại Đại Chủng Viện, và cũng là lớp có nhiều tài năng từ văn hóa, văn nghệ đến các lĩnh vực: công nghệ thông tin, dịch thuật,… Con số “33” thật nhiều ý nghĩa: 33 năm là quãng thời gian Đức Giêsu sống kiếp con người vâng theo Thánh Ý Chúa Cha. Ngài đã rao giảng Nước Thiên Chúa cho con người. Ngài đã chịu chết khổ nhục trên thập tự và ngày thứ ba Người đã Phục Sinh để đem Ơn Cứu Độ cho nhân loại. Ngoài ra, hai chữ số 3 đi liền với nhau tạo thành con số 33 cũng nói lên sự đồng hành song song giữa Đức Kitô và các thành viên trong lớp chúng tôi. Anh em chúng tôi luôn liên kết thân tình mật thiết và chặt chẽ với Đức Kitô để được Ngài nâng đỡ, chở che với lòng mong ước quá trình tu luyện, học tập của chúng tôi mỗi ngày một tốt hơn. Trong quá trình học tập và tu luyện tại Đại Chủng Viện, chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi nhận Cha Thánh Fernandez Hiền – linh mục tử đạo làm bổn mạng và là Đấng Bảo Trợ. Sự đồng hành và nâng đỡ thiêng liêng của Cha Thánh Hiền sẽ trợ giúp chúng tôi xác tín, trung thành với Ơn gọi của mình ngày một vững vàng và trưởng thành hơn. Để biết thêm về Cha Thánh quan thầy, dưới đây chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về Ngài: Giuse Fernandez sinh ngày 03 tháng 12 năm 1775 trong một gia đình đạo đức ở Ventosa de la Cuesta, tỉnh Valladolid, địa phận Avila, Tây Ban Nha. Cha mẹ cậu rất hân hoan khi cậu xin gia nhập vào dòng Đaminh, và coi đó là vinh dự cũng như đặc ân Chúa ban cho gia đình. Tại tu viện Thánh Phao-lô (ở Valladolid) cậu tuyên khấn ngày 02 tháng 08 năm 1796, khi mới 27 tuổi. Sau đó thầy Fernandez học triết lý và thần học, rồi được thụ phong linh mục. Để được thực hiện hoài bão truyền bá Tin Mừng cho miền Viễn Đông, cha Fernandez xin chuyển qua Tỉnh Hạt Rất Thánh Mân Côi và tới Manila ( Philíppin) ngày 16 tháng 4 năm 1805. Từ đây Ngài đến Macao cùng với 3 cha dòng Đaminh khác. Ngày 18 tháng 02 năm 1806, bốn tu sĩ thuyết giáo theo một tàu của Anh vào bến Cửa Hàn (Đà Nẵng). Từ đây, bốn vị riêng rẽ đi bộ lên địa phận Đông Đàng Ngoài, trời có bão, các thuyền bè không ai dám chở. Tháng 6 năm đó, cha Fernandez đến được trụ sở Bề trên Phụ tỉnh. Việt Nam thời này đang dưới quyền Gia Long, các thừa sai tương đối tự do giảng đạo. Sau một vài tháng học tiếng địa bản địa, vị tông đồ trẻ tuổi đã bắt tay ngay vào việc truyền giáo cách hăng say. Vốn bản tính hiền lành, khiêm tốn và nhã nhặn, cha Hiền được mọi người cả giáo lẫn lương đều quý mến. Nhờ đó cha đã giúp nhiều lương dân đón nhận đức tin, nhất là tại làng Xuân Dục (nay là Giáo xứ Xuân Dục – GP. Bùi Chu). Giáo xứ Cha Hiền phụ trách lâu nhất là Kiên Lao, nơi cha đã nâng số tín hữu lên đến 5000 khi cuộc bách hại của vua Minh Mạng bùng nổ. Từ đây cha phụ trách chủng viện của địa phận. Năm 1837, sau một cơn bệnh kiết lỵ suýt chết, tỉnh dòng trao cho cha chức vụ Bề trên phụ tỉnh. Cha vâng lời nhận trách nhiệm với sự trợ giúp của linh mục phụ tá Hermosilla Vọng. Tuy làm cha chính có vài tháng, cha đã phải lãnh trách nhiệm trong giai đoạn bão tố của địa phận Đông. Trong cơn truy lùng ngắt ngao của Tổng đốc Trịnh Quang Khanh năm 1838, cha Hiền đang ở Chủng Viện Ninh Cường, được giáo dân yêu cầu dẫn đi nơi khác. Thế là cha về Quần Liêu, có hai thầy giảng đi theo giúp đỡ. Khi đến Quần Liêu, giáo hữu ở đây cũng lo sợ không thua kém bên Ninh Cường. Vì sợ liên lụy, họ đã xin ngài đừng ở lại. Một lần nữa cha Hiền và hai thầy giảng lại ra đi mà không biết đi đâu. Cha Phêrô Tuần đang coi xứ Lác Môn khi biết tin, liền đến Quần Liêu can thiệp. Cha trách các tín hữu ở đây bội bạc và yêu cầu họ cho cha Hiền lưu lại vài ngày. Cha Tuần cũng quyết định ở lại để tìm chỗ ẩn mới cho vị thừa sai. Hai ngày sau, hai cha vượt sông qua địa phận Tây Đàng Ngoài, ghé vào xứ Kim Sơn. Nhưng vừa đến nơi thì hay tin quan tỉnh Nam Định đã ra lệnh cho quan địa phương lùng bắt hai cha. Dân xứ Kim Sơn không dám lưu giữ, họ mời hai linh mục lên một chiếc thuyền nhỏ rồi đưa các ngài vào vùng sình lầy gần đó. Cũng may có cha xứ Kim Sơn biết tình trạng bi đát của hai chứng nhân đức tin liền tìm cách thu xếp hai cha về trú tại nhà ông Bát Biên, là người thọ ơn cha xứ nhiều lần. Hơn nữa, ông này ngoại giáo nên ở đấy an toàn hơn. Thực tế, Bát Biên đối xử với hai cha rất tốt suốt tám ngày liền, trước khi lập mưu giao nộp để lãnh thưởng vào đêm 18 tháng 06 năm 1838. Một tháng trong tù, nhiều lần cha bị đưa ra tòa để đối chất. Quan tổng đốc mời Lê Văn Đức điều tra ngài về lý lịch, đến đây làm gì, bao lâu? Cha cố trả lời vắn tắt để không liên lụy tới ai. Cha nói: “Từ ngày vua cấm đạo, chúng tôi mạnh ai nấy trốn, chẳng biết ai ở đâu cả”. Quan hứa sẽ tâu vua đặt cha làm thông dịch viên nếu chịu bỏ đạo, cha đáp : “Tôi đến đây không phải để phục vụ vua chúa trần gian này mà chỉ để rao giảng đạo Đức Chúa Trời thôi”. Cha Giuse Hiền nhiều lần bị tra tấn rất dã man, buộc bước qua Thánh Giá Chúa. Nhưng cha cương quyết sống chết theo Chúa. Thấy không thể lay chuyển nổi lòng tin bất khuất của cha, các quan đã kết án trảm quyết. Chiều ngày 24 tháng 7 năm 1838 cha đã bị chém đầu để làm chứng cho Đức Kitô. Đầu của Ngài phải bêu 3 ngày trước khi ném xuống sông, thi hài của Ngài được giáo dân đưa về chôn tại Lục Thủy. Hiện nay hài cốt Ngài được cất giữ tại Phú Nhai. Ngày 27 tháng 5 năm 1900 Đức Thánh Cha Lêô XIII phong Chân phước cho cha. Ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn cha lên bậc Hiển Thánh. Vinh dự và hạnh phúc biết bao khi chúng tôi nhận Cha Thánh Fernandez Hiền làm bổn mạng và quan thầy lớp. Chúng tôi tin tưởng và xác tín vào tình thương bao la của Thiên Chúa. Chúng tôi đã quyết định đúng khi nhận Cha Thánh Hiền làm Đấng Bảo Trợ. Qua Thánh nhân, chúng tôi học được ở nơi Ngài bài học vô cùng quý giá: “Thà chết chứ không bao giờ phạm tội”. Với câu nói của Thánh nhân trước khi Ngài bị xử chém: “Tôi không chịu đạp lên Thánh Giá, các ông muốn chém thì cứ chém”. Đây cũng là một đặc tính mà Giáo hội luôn đề cao và cổ võ để làm chứng cho Chân Lý và Sự Thật như lời Đức chân phước Gio-an Phao-lô II nói: “ Tôi thà thấy ngàn lần Giáo Hội bị bách hại còn hơn thấy một Giáo Hội thỏa hiệp”. Chủng sinh Khóa III
|