Chúa Nhật Lễ Lá
(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56)
Lễ Lá mở đầu tuần lễ trọng nhất trong năm phụng vụ gọi là Tuần Thánh, dân thành Giêrusalem đón rước Chúa Giêsu vào thành như đón rước một vị vua, nhưng chúng ta không dừng lại ở cảnh đón rước tưng bừng bên ngoài. Tuy vậy, qua các bài đọc và đặc biệt là bài Thương Khó Đức Giêsu dẫn chúng ta đến trọng tâm và đi vào chiều sâu của biến cố Đức Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết.
Bài đọc 1 (Is 50,4-7), tiên tri Isaia báo trước cuộc thương khó Chúa Giêsu qua bài ca về người tôi trung của Giavê. Người tôi trung sẵn sàng đón nhận những đòn vọt, sỉ vả, nhục mạ của kẻ thù với lòng cậy trông phó thác nơi Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ…”.
Bài đọc 2 (Pl 2,6-11) thánh Phaolô đã nói về cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu là một sự khiêm nhường thẳm sâu và tự hủy Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”
Và bài Tin mừng theo Thánh Luca (Lc 22,14-23,56), thuật lại cuộc thương khó của Đức Giêsu. Hình ảnh cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có thể nói là bắt đầu từ Bữa Tiệc Ly với các môn đệ, thái độ khiêm tốn hạ mình rửa chân cho các môn đệ, thái độ ân cần đối với Giuđa, lời cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, trước toà tổng trấn Philatô, suốt chặng đường thập giá cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên cây thập tự. Người vẫn một mực khiêm hạ thẳm sâu thể hiện qua thái độ thinh lặng của Người. Người thinh lặng trong suốt phiên toà bị cáo gian và đơn độc trong cả một hành trình lên đồi Gôngôtha.
Hình ảnh con chiên hiền lành, lặng lẽ bị đưa đi giết là thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó. Thái độ thinh lặng của Chúa Giêsu khi đối mặt với quan tổng trấn Philatô không phải là thái độ sợ hãi trước uy quyền thế gian, nhưng ngược lại đó chính là thái độ đầy ý chí mạnh mẽ chấp nhận chọn lựa con đường đau khổ hy sinh. Sự thinh lặng của Chúa Giêsu biểu lộ tinh thần khiêm tốn vâng phục thánh ý Chúa Cha cho dù có những lúc Người cảm thấy quá cô đơn và đầy sợ hãi: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha”.
Đức Giêsu Kitô, trong suốt cả cuộc đời, đã sống khiêm tốn và vâng phục thánh ý Chúa Cha một cách thẳm sâu. Từ lúc bắt đầu cất tiếng khóc chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá Người đã thể hiện trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Trong suốt cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã rao giảng và làm nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, dạy dỗ dân chúng và tha thứ cho tội nhân. Hôm nay, Ngài quyết định bước vào đoạn cuối của tình yêu, đỉnh cao của dâng hiến. Ngài quyết định yêu cho đến cùng, bằng cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của Ngài trên thập tự: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15,13).
Trong Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, những đau đớn Ngài phải chịu trên thân xác khi bị đánh đòn, bị đóng đinh và cả những nỗi đau sâu kín nơi trái tim Ngài, nhưng không phải chiêm ngắm trong tang thương, sầu muộn, mà là trong cảm tạ, vui mừng vì Chúa đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng tử thần. Vì yêu thương ta, Chúa đã chấp nhận cái chết để ta được sống sung mãn.
Vì vậy, chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm khổ nạn của Đức Giêsu trong đời mình: “Anh em hãy vác thập giá mình hàng ngày mà theo Thầy”. Không vác thập giá, không chịu đóng đinh, không chết với Đức Kitô, thì cũng chẳng được hưởng sự sống vinh quang với Ngài như lời thánh Phaolô nói: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài”.
Chính vì vâng theo thánh ý Cha và cũng vì yêu thương mỗi người chúng ta mà Chúa Giêsu đã sẵn sàng vác thánh giá, chấp nhận chịu khổ nhục và chịu chết. Xin cho mỗi chúng ta cũng vui lòng vác lấy thập giá của đời mình, của gia đình, của công việc mà theo Chúa để được sống lại vinh quang với Người. Amen.