Chúa Nhật IV Mùa Chay C
(Lc 15,1-3,11-31)
Giữa Mùa Chay, chúng ta được tặng ban giây phút để mừng vui, đó là Chúa Nhật của niềm vui (Laetare Sunday). Tất cả các bài đọc trong Chúa Nhật này đưa ra cho chúng ta những lý do cho sự vui mừng này. Chủ đề nổi bật trong Chúa Nhật này chính là sự tốt lành, quảng đại của Thiên Chúa. Những tâm tình trong phần Thánh vịnh – Đáp ca giúp chúng ta chuẩn bị khung cảnh cho việc suy niệm. Các bài đọc cho thấy cách mà những người nghèo được tặng ban ân sủng thần linh. Tuy nhiên, vẫn có một thách đố được đặt ra chúng ta ngay trong chính việc hưởng niềm vui này: chúng ta cần hoán cải nếu chúng ta muốn hưởng niềm vui trong Chúa.
Vùng đất tràn đầy sức sống
Thiên Chúa nhân hậu đã ban tặng cho chúng ta một thế giới, nơi cung cấp cho chúng ta mọi nhu cầu cần thiết cách miễn phí. Ngài làm dịu cơn khát và thỏa cơn đói của chúng ta mà không yêu cầu bất kì phí tổn nào. Bữa tiệc được dọn trước chúng ta không những thịnh soạn mà còn dư tràn và phong phú. Chúng ta có thể ăn bánh không men, hạt lúa rang hay những trái mọng và bánh mì hạt. Đó là vùng đất dồi dào cây trái và quả mọng. Nhờ lòng từ bi của Thiên Chúa, tất cả chúng ta được sống trong một vùng đất tràn trề sữa và mật ngọt, nơi mà chúng ta được sống như những con người được giải thoát khỏi cảnh lưu đầy, khỏi vũng lầy của tội lỗi và từ những ràng buộc khác trong cuộc sống. Thiên Chúa đã cứu vớt chúng ta khỏi kiếp lầm than, làm cho chúng ta trở thành một thụ tạo mới trong vùng đất mới của lời hứa, và chính Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng hoa màu của vùng đất đó. Đó là lý do chúng ta phải vui mừng và hoan hỷ.
Tuy nhiên, hình ảnh về sự dồi dào phong phú này lại rất bình dị. Chúng ta biết rằng chúng ta sai lỗi ngay cả khi sử dụng những phúc lành đó. Chúng ta thường không sống như những con người của tự do, thậm chí còn thường xuyên xâm hại đến sự tự do của người khác. Đôi khi, chúng ta tích trữ hoa lợi của ruộng đất và khi khác lại phá hoại mùa màng. Chúng ta lại sa vào vũng lầy của tội lỗi, chính nơi mà Thiên đã giải thoát chúng ta. Chúa Nhật hôm nay là thời gian để chúng ta vui hưởng trong sự tốt lành của Thiên Chúa và tái cam kết bản thân để trung thành với những ân ban của Ngài.
Người cha nhân hậu
Sự tốt lành của Thiên Chúa được miêu tả cách nổi bật qua hình ảnh hoàn toàn mới về người cha, cho phép chúng ta hiểu về Thiên Chúa theo những cách thức mới mẻ. Ngài là vị Thiên Chúa luôn cho phép chúng ta theo đuổi giấc mơ của chính mình, là Đấng không phụ thuộc vào ai, Đấng trung tín và kiên nhẫn đợi chờ chúng ta trở về, Đấng luôn ân cần sửa dạy những lầm lỗi của chúng ta. Thiên Chúa khao khát được hòa giải với chúng ta thậm chí còn hơn cả chúng ta khao khát được hòa giải với Ngài, và Thiên Chúa cũng mong muốn chúng ta hòa giải với nhau. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa thật kỳ diệu. Chẳng có giới hạn nào ấn định trong bữa tiệc mừng người con được trở về, và đứa con còn lại được gọi là “mọi sự của cha đều là của con”.
Dụ ngôn này mạc khải những gì cần thiết đối với chúng ta nếu chúng ta muốn vui mừng. Trước hết, chúng ta phải nhận ra lý do để vui mừng là sự tốt lành của Thiên Chúa. Người con hoang đàng đã phải nhìn nhận sự thất bại của mình và khiêm tốn trở về với người cha. Chỉ khi mang lấy những tâm tình như thế chúng ta mới có thể vui mừng. Người anh cả phải chiến thắng được sự giận dữ của mình về những điều tốt lành mà người em nhận được, và phải vượt qua sự thất vọng của mình về lòng nhân hậu của người cha dành cho người em. Chỉ khi chúng ta mang lấy những tâm tình như thế chúng ta mới có thể vui mừng. Chúng ta không luôn dễ dàng vui mừng vì những lý do của Thiên Chúa. Chúa Nhật tuần này là cơ hội cho chúng ta làm điều đó.
Một sáng tạo mới
Các thách đố được nêu ra trong các bài đọc là điều kiện cần có nếu chúng ta muốn trở thành một thụ tạo mới. Chúng ta được mời gọi đến sự giao hoà sâu sắc và toàn diện, trước là với Thiên Chúa và sau đó là với nhau. Hành động của Thiên Chúa là hành động hòa giải thực sự, nhưng chúng ta phải tự do đáp lại sáng kiến của Ngài. Cách thức mà Thiên Chúa thực hiện việc giao hòa khiến chúng ta ngạc nhiên. Đức Kitô đã mang lấy tội lỗi để chúng ta có thể được sự công chính của Thiên Chúa. Ai có thể tưởng tượng được một điều kỳ diệu như vậy? Đây chắc chắn là lý do để vui mừng. Nhưng một lần nữa, chúng ta phải mở lòng ra với ân sủng của Thiên Chúa trong Đức Kitô; chúng ta phải sẵn sàng để được hòa giải.
Sự hoà giải mời gọi chúng ta mở lòng ra để tha thứ và để đón nhận sự thứ tha. Để có sự giao hoà, chúng ta cần phải ghi nhớ nhưng cũng phải biết quên đi. Chúng ta phải luôn ghi nhớ những nguyên nhân của sự ghen ghét để không bị rơi vào tình trạng đó một lần nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải quên đi sự hận thù để sự thù hận đó không ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.
Sự giao hoà đến từ Thiên Chúa, đi cùng với sự giao hoà là một sứ vụ. Chúng ta đã được hòa giải thì chúng ta cũng có sứ vụ thực thi hoà giải. Giờ đây, chúng ta trở thành khí cụ để giao hoà thế gian với Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Chúng ta trở thành những sứ giả của Thiên Chúa. Câu chuyện về hai anh em trong Tin Mừng vẫn chưa kết thúc. Họ đã đoàn tụ với nhau chưa? Có lẽ sự hòa giải của họ tùy thuộc vào chúng ta.
Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ
Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary, Forth Sunday of Lent, Year C, The Liturgical Press