Sám hối để xứng với tình thương Chúa

Thứ sáu - 18/03/2022 21:45  920
Chúa Nhật III Mùa Chay C
 Xh 3,1-8a.13-15; 1Cr 10,1-6.10-12; Lc 13,1-9

christ foretelling the destruction of the temple i73966Chúng ta đã khởi đầu Mùa Chay với nghi thức xức tro, một nghi thức thật cụ thể để diễn tả mục tiêu của Mùa Chay là sám hối và trở về. Sám hối là nhìn vào chính con người thực của mình, để thấy những yếu đuối, những cách suy nghĩ không phù hợp với Tin Mừng của Chúa, và cũng để thấy những điều cần phải thay đổi, cần phải loại trừ nơi bản thân mỗi người. Chúng ta cần sống tinh thần sám hối hằng ngày để xứng đáng với lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa. Hãy nắm lấy cơ hội Thiên Chúa ban để ăn năn sám hối, cũng là lời mời gọi mà sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn gửi đến cho tất cả chúng ta.

Bài đọc một trích trong sách Xuất hành nói về việc Thiên Chúa kêu gọi Môsê. Môsê đã được gặp gỡ Thiên Chúa, khi Ngài tỏ mình qua bụi gai đang cháy bừng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Thiên Chúa tự mặc khải cho con người biết danh xưng của Ngài: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Hơn thế nữa, danh xưng của Chúa còn gắn liền với các tổ phụ của dân tộc Ít-ra-en: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,6). Khi nhắc đến các tổ phụ, là nói đến việc Thiên Chúa can thiệp vào dòng lịch sử nhân loại; đặc biệt là gợi nhớ đến biết bao điều vĩ đại Thiên Chúa đã thực hiện vì yêu thương dân riêng của Ngài. Bên cạnh đó, Thiên Chúa còn tỏ cho Môsê thấy Ngài là Đấng thương xót và quan tâm đến con người. Ngài đã nghe thấy tiếng kêu than khổ cực của dân đang bị áp bức tại Ai Cập. Ngài thấu hiểu nỗi niềm của con cái mình và sẽ ra tay cứu vớt, chở che: “Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3,8a). Chính Thiên Chúa đã tuyển chọn Môsê để thi hành sứ vụ giải phóng dân Ngài và Ngài luôn đồng hành cùng ông trong sứ vụ đó.

Bài đọc hai là những lời khuyên nhủ của thánh Phaolô tông đồ dành cho tín hữu Cô-rin-tô, trong lúc họ chạy theo lối sống vô luân và tôn thờ ngẫu tượng. Thánh nhân nhắc lại lịch sử của dân tộc Ít-ra-en trong hành trình 40 năm sa mạc. Dân Ít-ra-en đã được Thiên Chúa yêu thương, đã được chứng kiến những hành động diệu kỳ của Thiên Chúa, nhưng nhiều người trong số họ đã vấp ngã trước những thử thách, phạm tội bất trung với Thiên Chúa và đã chết trước khi vào Đất Hứa. Thánh Phaolô còn nhấn mạnh rằng: “Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta” (1 Cr 10,6). Dù đã được chịu Phép Rửa trong Đức Kitô, song điều đó cũng không đảm bảo cho các tín hữu được ơn cứu độ, nếu họ không biết dùng ơn thánh Đức Kitô ban để luyện tập các nhân đức và vượt thắng cám dỗ trong đời. Nếu các tín hữu Côrintô cứ  giữ thái độ tự mãn và không thức tỉnh bản thân, không sám hối, họ cũng có thể đi vào vết xe đổ của cha ông họ trước đó, bởi “ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12).

Hãy sám hối, sứ điệp ấy càng trở nên quan trọng và khẩn thiết hơn qua chính lời của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng : “nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,3). Vào thời Chúa Giêsu, người ta tin rằng những tai ương hoạn nạn xảy đến cho một người là hình phạt tương xứng với những tội người đó đã phạm, là cách mà Thiên Chúa thực hiện sự công bằng. Bởi thế, họ nghĩ rằng những người Galilê bị Philatô giết hay 18 người bị tháp Si-lô-ác đè chết là những người tội lỗi (Lc 13,1.4). Chúa Giêsu đã phê phán cái nhìn thành kiến và quy kết đó: Người khẳng định rằng những người bị giết hay bị tháp đè không phải là những người tội lỗi hơn người khác, nhưng cái chết của họ là lời nhắc nhở những người còn sống hãy ăn năn sám hối và sửa mình để sống tốt hơn.

Không những vậy, Chúa Giêsu còn dùng dụ ngôn cây vả để tiếp tục lời mời gọi sám hối của Ngài. Hình ảnh cây vả đã ba năm không sinh trái, tượng trưng cho một cuộc sống khô cằn, thiếu tình Chúa, vắng bóng tình người. Thế nhưng, Chúa luôn nhân hậu và kiên nhẫn chờ đợi ta trở về. Ngài giống như người làm vườn xin ông chủ chờ đợi thêm một năm nữa rồi mới quyết định số phận của cây vả. Nếu con người từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa, không ăn năn hối cải, họ sẽ bị hủy diệt, giống như cây vả trong vườn sẽ bị ông chủ chặt đi.

Lời cảnh tỉnh của Chúa Giêsu dành cho người Do thái thuở xưa cũng là điều Chúa muốn nói với chúng ta. Trước mặt Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân, cần phải sám hối, ăn năn; cần đến sự tha thứ của Chúa. Vì thế, mỗi người hãy khiêm tốn để nhận ra những lỗi lầm của bản thân, nhờ vậy ta sẽ có cái nhìn bao dung hơn với tha nhân. Bên cạnh đó, chúng ta cần quan tâm đến những người bị bỏ rơi, những người khô khan, nguội lạnh trong khu xóm, trong xứ đạo, nhất là những người sống trong “ngăn trở” hoặc vì lý do nào đó mà chưa hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội. Những ánh mắt coi thường, khinh miệt, những thái độ xa lánh, kỳ thị, sẽ làm cho họ trở nên lạc lõng, cô đơn giữa cộng đoàn và càng khiến họ xa Chúa mà thôi. Những anh chị em đó cần lắm sự cảm thông và nâng đỡ của chúng ta.

Tinh thần sám hối của chúng ta cần được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, giống như cây vả phải sinh hoa trái. Hoa trái trong đời sống chúng ta là tình yêu thương tha thứ, sự quảng đại và một trái tim nhân từ. Chúng ta không biết đời mình kéo dài bao lâu, vì vậy hãy tận dụng thời gian hiện tại Chúa ban, để tạo lập công phúc cho mình, qua việc sám hối, đổi mới tâm hồn; hàn gắn lại tương giao với Thiên Chúa trong Bí tích Hòa giải; nối kết tình thân ái với những ai ta đang bất hòa, mâu thuẫn bằng lời xin lỗi chân thành. Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.

Tác giả: Phó tế Phaolô Nguyễn Văn Hiền

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập293
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm251
  • Hôm nay18,274
  • Tháng hiện tại995,661
  • Tổng lượt truy cập78,999,112
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây