Vinh quang biến hình cho tín hữu mai sau

Thứ tư - 16/03/2022 09:38  711
St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36

via google 7 march 2021 origChúa Nhật thứ II Mùa Chay cho chúng ta chiêm ngắm cuộc biến hình của Chúa Giê-su trên núi. Việc Chúa Giê-su biến hình không có gì lạ, bởi bản thân Người mang vinh quang Thiên Chúa. Tuy nhiên, đang trong sự trầm lắng của Mùa Chay, tại sao phụng vụ Giáo Hội lại đưa biến cố này vào với mục đích gì! Để xoa dịu bầu khí của chay tịnh, của cám dỗ đầy u ám chăng!

Thật ra, Giáo Hội muốn cho chúng ta thấy ý nghĩa thông suốt của Mùa Chay. Lời Chúa trong phụng vụ Mùa Chay là một sự tiệm tiến. Nếu Chúa Nhật tuần trước, Chúa Nhật I Mùa Chay, nói lên cách đặc biệt sự liên đới của Chúa Giê-su với chúng ta trong những cơn cám dỗ; thì Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay, nhắc nhở chúng ta rằng, vinh quang đang tỏa rạng trên thân thể Chúa Giê-su, cũng chính là vinh quang mà chúng ta được tham dự vào, nếu chấp nhận để được thanh tẩy trong cái chết và sự phục sinh của Người.

Thế nhưng, để được tham dự vào vinh quang với Chúa Giê-su, người tín hữu phải chấp nhận biến đổi mình. Sự biến đổi không phải chỉ đơn thuần trong Mùa Chay, không phải là lựa chọn thời điểm, nhưng là cả một hành trình. Trong tâm tình sâu lắng của Mùa Chay, những lời mời gọi hoán cải hơn lúc nào hết, dễ được người tín hữu đón nhận. Nhưng, chúng ta đón nhận ở mức độ nào, và sự đón nhận kéo dài được bao nhiêu! Trong thân thể Giáo Hội, có rất nhiều người đạo đức thánh thiện, luôn sống trong tinh thần khiêm tốn và sám hối. Nhưng, cũng có những người chưa sống được, có thể là chính chúng ta đây. Rồi trong nội tại mỗi con người chúng ta cũng vậy, có những lúc thực hành sám hối rất tốt; lại cũng có những lúc, lấy thực tại cuộc sống trần thế đầy hữu hạn làm “áo giáp” che đậy bản thân mà không quan tâm đến sám hối. Tại sao việc sám hối, đổi mới đời sống đôi khi trở nên rất khó khăn với chúng ta, cho dù biết đó là những việc làm tốt lành và lợi ích? Nhìn vào hình ảnh ba môn đệ: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan trong Tin  Mừng hôm nay, chúng ta sẽ hiểu được lý do, và sẽ biết mình phải làm gì.

Ba môn đệ xuất hiện trong Tin Mừng hôm nay được kể là ba môn đệ thân tín của Chúa Giê-su. Các ngài hay được hiện diện ở những biến cố quan trọng trong cuộc đời  Chúa Giê-su. Việc chọn các ông đi theo trong biến cố biến hình, chắc chắn Chúa Giê-su có ý riêng của Người. Chúng ta chỉ nên quan tâm đến vấn đề các ngài là những người “được chọn”. Để được đi vào mầu nhiệm biến đổi, con người phải được Thiên Chúa chọn mình trước đã. Về điều này, thì tất cả mọi Ki-tô hữu đều phải tự hào vì mình đã được Thiên Chúa chọn. Chúng ta đã được Chúa chọn, được thánh hiến, được dìm vào trong cái chết của Chúa Ki-tô qua Bí tích rửa tội rồi.

Tuy nhiên, không phải ai được chọn là cũng đã biến đổi mình. Đôi khi vẫn còn đó một sự “luẩn quẩn” trong lối sống, với biết bao những hạn chế và lỗi lầm. Thánh Phao-lô trong bài đọc thứ nhất gửi tín hữu Phi-líp-phê đã mạnh miệng phê phán rằng: “Có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô…Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian” (Pl 3,19).

Để biến đổi mình, trước hết phải biết bản thân mình cần biến đổi điều gì. Rất nhiều khi chúng ta tự thỏa mãn với những gì mình làm được, và cho đó là những thứ tốt lành. Rất nhiều người  yên trí với lối sống của mình, và cho đó là tốt lành chuẩn mực. Chúa Giê-su đưa ba môn đệ lên núi, là muốn đưa các ông thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại vốn đã quá quen thuộc. Ở lâu trong một tình trạng, thì làm sao biết được mình đang như thế nào và cần thay đổi gì! Người tín hữu muốn biết bản thân mình cần biến đổi điều gì, thì cũng phải thoát ra khỏi tình trạng hiện tại, đi vào một tình trạng mới: là lối sống mới, suy nghĩ mới, vị trí mới. Vị trí mới ở đây, có thể là vị trí của tha nhân, vị trí của chức vụ, và vị trí của công việc. Nếu ai hay chê trách tha nhân, thì hãy thoát khỏi vị trí của mình mà đứng vào vị trí tha nhân. Nếu vợ chồng hay chê trách nhau hãy thử đảo vị trí cho nhau. Nếu người trên hay chê trách người dưới, hoặc ngược lại, thì hãy thử đứng vào vị trí của nhau. Vì tất cả những gì mình thấy, chỉ là một phần rất nhỏ trong một sự thật rất lớn. Và những gì mình nói không phải luôn luôn đúng.

Núi là hình ảnh quen thuộc mà Kinh Thánh hay dùng để chỉ nơi Thiên Chúa ngự, và là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người. Chúa Giê-su đưa các môn đệ lên núi, cũng là muốn đưa chúng ta lên núi. Núi còn là hình ảnh biểu tượng mời gọi hướng thượng. Nghĩa là, việc thay đổi mình phải luôn là một suy nghĩ tích cực và hướng thượng. Chúng ta không thay đổi theo ý mình, nhưng là hướng lên Chúa để thay đổi, để Chúa thay đổi mình. Chủ nghĩa cá nhân và óc thành kiến, là mầm mống giết chết tha nhân và chính mình. Tư tưởng “yên trí” về người khác là tư tưởng tiêu cực đưa người ta vào chỗ chết. Phải lấy cái nhìn hướng thượng, tức là những suy nghĩ tích cực để nhìn về tha nhân, phải lấy Chúa làm tiêu chuẩn để đón nhận tha nhân “Vì Chúa cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Đó là đổi mới.

Chúa Giê-su đưa các môn đệ lên núi, là đưa các ông vào “trong” cuộc biến đổi. Nếu chúng ta chấp nhận để lên núi với Chúa, nghĩa là chúng ta cũng chấp nhận đi vào “trong” cuộc biến đổi. Đám mây của sự thánh thiện, những lời phán dạy thánh thiện của của Thiên Chúa Cha, là lời mời gọi tha thiết chúng ta hãy biến đổi mình: là nghe và vâng theo thánh ý Chúa. Nhiều khi chúng ta tự nhận thấy việc thay đổi bản thân thật khó khăn. Khó vì không biết làm thế nào. Khó vì hoàn cảnh làm cho mình khó thay đổi. Khó vì những cám dỗ bên ngoài với bao vinh hoa của nó. Bản thân các môn đệ cũng vậy, được Chúa Giê-su đưa vào cuộc biến đổi, các ông lại ngủ mê với tính xác thịt. Khi tỉnh dậy thì sợ hãi. Khi nhận ra được vinh quang Thiên Chúa thì lại chỉ muốn sống hưởng thụ “Chúng con ở đây thật là hay”. Nếu chúng ta muốn được biến đổi, phải để cho chính Chúa dẫn đi. Sống với Chúa, phó thác cho Chúa, thay đổi vì Chúa. Điều đó đồng nghĩa với việc loại trừ suy nghĩ chủ quan cá nhân, loại bỏ óc thành kiến, phá đi tính “yên trí” trong suy nghĩ. Thay vào đó là để Chúa điều khiển, sống với trái tim rộng mở và lòng vị tha. Có như thế, con người chúng ta sẽ trở nên mới và luôn mới trong tình yêu của Chúa.

Thay đổi đời sống, biến đổi bản thân là chuyện rất khó khăn. Nhưng, đó lại là điều rất cần để thể hiện lòng sám hối. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra giá trị của sự biến đổi, để Mùa Chay trở nên ý nghĩa và mạng lại nhiều lợi ích. Amen.

Tác giả: LM. Giuse Đoàn Văn Tuân

 Tags: vinh quang
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập397
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm378
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại913,352
  • Tổng lượt truy cập78,916,803
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây