CHIA SẺ CHÚA NHẬT III – MÙA CHAY C
“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.
Trên đây là lời cảnh tỉnh mà Chúa Giêsu đã đưa ra nhân có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.
Khi chứng kiến một kẻ gian ác, hay trộm cướp gặp tai ương hoạn nạn, người ta thường đưa ra những câu nhận xét hết sức mỉa mai đại ý như: Đúng là quả báo, làm ác cho lắm vào, bị như thế là phải; hay cho chết,… mà không mấy ai tỏ ra thương tiếc cho một số phận thảm thương lúc đó. Đây cũng là thái độ thường tình của hầu hết mọi người ở mọi thời đại.
Vào thời Chúa Giêsu, những người Do thái cũng có thái độ như thế khi chứng kiến những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết. Đối với quan niệm của người Do thái, những người chết vì bệnh tật, tai nạn, bị đàn áp… là những người tội lỗi.
Và họ đã kể lại tin này cho Chúa Giêsu nhằm hai mục đích. Thứ nhất là nhằm bôi nhọ những người đồng hương của Chúa Giêsu. Thứ hai là dò xét xem Chúa Giêsu sẽ có thái độ như thế nào khi biết tin đó.
Nói về những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết hại, vào thời kỳ này, tại nước Do thái có những nhóm nhỏ của một số người yêu nước nổi lên làm cách mạng. Họ muốn lật đổ đế chế thống trị của những người Lamã, giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, họ lại hoạt động riêng lẻ, chưa liên kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, khi bị bắt, họ thường bị coi là những kẻ xấu, kẻ tội lỗi.
Những người Do thái an phận thủ thường cũng có ý nghĩ như thế, nên khi thấy những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, họ liền nghĩ xấu về những người đó.
Chúa Giêsu lại có thái độ hoàn toàn khác. Khi nghe tin đó, Người đã kể lại cho họ về vụ 18 người bị tháp Silôác đè chết, và đưa ra lời kết luận bằng một câu hỏi: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuông đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơm tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao?”
Trong xã hội, nhiều người vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thậm chí lợi dụng pháp luật để phạm tội mà vẫn không bị trừng phạt. Như thế, không phải cứ gặp tai ương là do tội lỗi gây nên.
Khi kể cho những người này về vụ tháp Silôác đổ xuống đè chết 18 người, Chúa Giêsu muốn thay đổi quan niệm của những người Do thái. Không phải cứ tai nạn, bệnh tật đều là sự trừng phạt dành cho những người tội lỗi. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cũng đưa ra lời cảnh tỉnh cho những người nghe Chúa: “nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. Cái chết mà Chúa Giêsu nói ở đây không phải là cái chết thể lý nhưng là cái chết của linh hồn. Đây mới là cái chết do tội lỗi gây ra. Vì vậy mà Chúa Giêsu mời gọi mỗi người hãy ăn năn sám hối qua dụ ngôn “cây vả”.
Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu có ý nói Thiên Chúa chính là người trồng cây; còn cây Vả là dân Do thái hay là mỗi chúng ta; và người làm vườn là Đức Giêsu. Chúa Giêsu đã dùng lời hằng sống của Người để chăm bẵm cho đời sống kitô hữu và những ước mong cho đời sống ấy được triển nở, được sinh hoa kết quả. Những ai nghe Lời thì sẽ trổ sinh hoa trái và Thiên Chúa sẽ để người đó lại mà không hủy diệt, còn những kẻ không nghe, không sinh ích lợi thì Người chặt đi.
Như vậy, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người ăn năn sám hối để được sống đời đời. Ăn năn sám hối là thái độ của người cầu tiến. Hơn nữa, ai cũng cần phải ăn năn sám hối, vì không ai vô tội. Như lời thánh Gioan nói trong thư thứ nhất của ngài: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”. Tương tự như thế, thánh Phaolô cũng nói trong bài đọc hai hôm nay: “Ai tưởng mình đứng vững hãy coi chừng kẻo ngã”.
Do đó, thái độ hối cải là cần thiết để được sống trong ân nghĩa của Thiên Chúa.