Ý nghĩa của sự kiện Chúa biến hình

Thứ tư - 16/03/2022 09:27  745
St 15,5-12.17-18; Pl 3,17-4,1; Lc 9,28b-36

012 transfiguration of our lord jesus christTrình thuật Tin Mừng mà chúng ta vừa lắng nghe thuật lại biến cố hiển dung của Đức Giêsu trên một ngọn núi cao. Biến cố ấy có sự xuất hiện của ông Môsê và ông Êlia trước sự chứng kiến của ba môn đệ thân tín của Đức Giêsu là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đây là biến cố rất lạ thường với các môn đệ khi dung mạo Đức Giêsu bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Biến cố này có ý nghĩa gì và tác động như thế nào đến mỗi người chúng ta trong Mùa Chay Thánh này?


Trước hết, biến cố Đức Giêsu biến hình là để nhằm bày tỏ vinh quang của Người. Tin Mừng diễn tả sự biến đổi dung mạo của Đức Giêsu từ bình thường đến sáng láng vô cùng với sự xuất hiện của các nhân vật Cựu Ước cùng lời nói của Chúa Cha trong đám mây. Qua đó, Đức Giêsu đã cho các môn đệ thấy căn tính đích thực của Ngài khởi đi từ mối tương quan với ông Môsê, ông Êlia và với Thiên Chúa Cha. Trong tương quan với hai ông Môsê và Êlia là hiện thân của Lề Luật và ngôn sứ, Đức Giêsu chính là Đấng đến để kiện toàn Lề luật và hiện thực hoá lời của các ngôn sứ đã loan báo. Còn trong tương quan với Thiên Chúa Cha, chính Đức Giêsu đã cho thấy Ngài chính là Con yêu dấu của Chúa Cha.

Như thế, Đức Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ biết Ngài chính là Con Thiên Chúa, là Đấng muôn dân hằng mong đợi. Đức Giê-su đã mặc khải căn tính cho các môn đệ thân tín cũng chính là mặc khải cho mỗi người chúng ta. Khoảng thời gian Mùa Chay chính  là cơ hội để mỗi người chúng ta tái khám phá căn tính đích thực của Đức Giê-su mà nỗ lực trở về với Đấng có quyền năng biến đổi tâm tính của mỗi người chúng ta. Việc tái khám phá căn tính đích thực của Đấng Cứu Độ, cách nào đó, sẽ giúp mỗi người chúng ta xác tín hơn vào quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua dung mạo của Đức Giê-su. Và đồng thời,  việc xác tín ấy sẽ giúp mỗi người chúng ta ý thức về sự bất toàn của bản thân mà lệ thuộc, mà phó thác cho Đấng làm chủ cuộc đời chúng ta.


Thứ đến, dưới ngòi bút của Thánh sử Mát-thêu, trình thuật biến hình của Đức Giêsu được diễn tả ngay sau khi Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương khó lần thứ nhất. Chúng ta thấy ở đây đường lối cứu độ nhiệm lạ của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa đầy quyền năng và vinh quang lại tự nguyện đi vào con đường thập giá chỉ vì yêu thương con người. Qua hy tế thập giá, Ngài đã trở nên của lễ đền tội cho con người, một của lễ vẹn toàn, một của lễ mang lại giá trị cứu độ vô giá cho con người. Nếu để ý một chút bối cảnh của trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ thấy, diễn tiến mặc khải về chính mình của Đức Giêsu từ việc tiên báo cuộc khổ nạn, đến việc mời gọi các môn đệ vác thập giá mà bước theo Ngài, tiếp đến là mặc khải vinh quang của Ngài qua biến cố biến hình trên núi. Chúng ta thấy, dụng ý của Đức Giê-su là muốn dạy cho các môn đệ rằng qua thập giá mới đến vinh quang, qua gian khó mới đạt tới hạnh phúc và sự bình an đích thực.

Hành trình lữ hành đức tin của các môn đệ năm xưa cũng như của mỗi người chúng ta hôm nay không thiếu những thách đố và những cám dỗ đầy khó khăn. Thánh Phao-lô tông đồ trong bức thư gửi tín hữu Phi-líp-phê mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ hai đã cho chúng ta thấy rằng có những người đã không vượt thắng được những thách đố của niềm tin mà chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Họ sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô vì Chúa họ thờ là cái bụng, là cái rất thực dụng chóng qua mà quên đi những giá trị cao quý nơi quê hương đích thực, nơi có sự hiện diện của Đức Giê-su Ki-tô. Mỗi người chúng ta luôn được mời gọi suy xét lại niềm tin và lối sống của bản thân mà vững lòng trông cậy và hy vọng vào vinh quang Thiên Quốc. Để rồi từ đó, cậy nhờ ơn Chúa, chúng ta nỗ lực vượt qua những gian khó, khước từ những cám dỗ trong đời mà đến cùng Thiên Chúa, mà trở về trong vòng tay yêu thương của Chúa, nhất là trong Mùa Chay Thánh này.


Sau cùng, biến cố biến hình của Đức Giêsu nhằm củng cố niềm tin cho những môn đệ dõi bước theo Ngài và chuẩn bị cho các ông có thể đón nhận việc Đức Giêsu chịu đau khổ và chịu chết. Đối chiếu đoạn Tin Mừng tương tự trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chúng ta thấy, sau khi Đức Giêsu loan báo việc Ngài sắp phải đi Giêrusalem chịu chết và sống lại, các môn đệ đặc biệt là Phêrô đã lên tiếng trách Người. Chúng ta thấy rằng, mặc dù đã được chứng kiến bao phép lạ Đức Giêsu đã làm, bao bệnh tật mà Ngài đã chữa trị, hai lần hoá bánh ra nhiều, nhưng các môn đệ không thể chấp nhận kết cục đầy đớn đau của Thầy mình. Chính vì thế, biến cố hiển dung là một sứ điệp giúp các môn đệ giải gỡ phần nào những thắc mắc trong tâm trí để các ông vững tin hơn vào Thiên Chúa.

Tin mừng Chúa Nhật hôm nay là một lời mời mời gọi mỗi người chúng ta nhận ra dung mạo đích thực của Đức Giêsu. Việc nhận biết này giúp mỗi người chúng ta vững tin hơn vào Thiên Chúa như gương sáng niềm tin vững mạnh của tổ phụ Áp-ra-ham mà can đảm đối diện với những thách đố của thời đại, thách đố của chính cái tôi vị kỉ của mình mà sẵn sàng tin tưởng bước đi và cùng vác với Chúa Thập giá trên đường đời. Nguyện xin Chúa thương ban bình an và nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con ! Amen.

Tác giả: LM. Gioan B. Vũ Văn Khắc

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập427
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm387
  • Hôm nay39,505
  • Tháng hiện tại899,866
  • Tổng lượt truy cập78,903,317
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây