SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM C
(Lc 9,28b-36)
Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay cử hành cuộc thần hiện của Thiên Chúa. Theo đó những cách thức mà sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa được bày tỏ cho chúng ta. Nếu Mùa Chay là thời gian để chúng ta được mở ra với những nẻo đường mà qua đó Thiên Chúa thông ban ơn cứu độ cho chúng ta, thì chúng ta phải nhận ra những nẻo đường này khi chúng ta sống việc cử hành đó. Mùa chay là thời gian để nhận thức về những điều này.
Nơi Giao ước
Trước hết, cuộc hiển dung là sự tỏ hiện của Thiên Chúa như là Đấng khởi xướng một giao ước, một tương quan thân mật với con người. Thiên Chúa không chỉ khởi đầu giao ước đó, nhưng Ngài còn ghi dấu bằng máu, thiết lập giao ước cách chính thức. Giao ước đó là điều cụ thể được minh chứng bằng lễ hy sinh. Giao ước đó mang tính lịch sử, được thực hiện trong một gia đình cụ thể, một nơi cụ thể và một thời điểm cụ thể. Thiên Chúa tiếp tục liên hệ với con người bằng cách đó. Chúng ta nhìn thấy điều đó nơi cộng đoàn Giáo Hội, qua chính nghi lễ của chúng ta, Thiên Chúa không ngừng đi vào giao ước với chúng ta. Đó là lý do tại sao việc gia nhập vào cộng đoàn qua Phép rửa đã được cử hành và được làm mới lại trong ngày thứ bảy Tuần Thánh.
Mặc dù chúng ta sống mối tương quan với Thiên Chúa trong nghi thức tôn giáo. Nhưng lời kêu gọi đi vào trong giao ước có thể đến từ chính những biến cố của đời sống thường ngày. Chúng ta có thể nhìn lên bầu trời đêm hoặc nhìn vào ánh mắt của một người thân thương. Chúng ta có thể được lấp đầy bởi những kì công của Thiên Chúa hoặc lao đao với những lắng lo của cuộc đời. Điều quan trọng cần nhớ về giao ước này chính là Thiên Chúa đã đi vào trong cuộc sống của chúng ta và Ngài là Đấng đi bước trước. Không có cuộc sống nào là đơn điệu, cũng không có cuộc sống nào là quá bận rộn. Lịch sử loài người với tất cả sự thăng trầm của nó là sự hoạch định cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa.
Nơi cuộc khổ nạn của Đức Kitô
Việc Đức Giêsu biến hình là để mặc khải vinh quang của Thiên Chúa, Người đã đàm đạo với ông Môsê và ông Êlia về cuộc khổ nạn và cái chết của Người. Mặc dù, giống như ba môn đệ, chúng ta cũng có thể chia sẻ vinh quang với Người, nhưng chúng ta chỉ có thể làm điều đó bằng cách cùng chia sẻ những đau khổ với Người. Mùa Chay là thời điểm để chúng ta bước vào cuộc khổ nạn này, không chỉ đơn thuần là xét mình, cầu nguyện và sám hối, nhưng cụ thể, bằng cách thông phần đau khổ với thân mình Chúa Kitô. Chúng ta nhận ra những đau khổ này xung quanh chúng ta – nơi nỗi sợ của trẻ nhỏ khi bị tước đi sự ngây thơ hồn nhiên của tuổi thơ, nơi sự vu vơ của người trẻ không hiểu rõ được giá trị của bản thân, nơi sự tuyệt vọng của các bậc làm cha mẹ khi phải nâng đỡ các con giữa những bạo lực, nơi những đôi mắt trống rỗng của người già, những người thường hay quên và chính họ bị lãng quên. Vinh quang của Thiên Chúa ẩn chứa dưới bề mặt cuộc sống của họ.
Thật dễ dàng để nhận ra vinh quang của Thiên Chúa ngang qua những đau khổ của người khác hơn là những nỗi đớn đau của chính mình. Ta cũng rất dễ dàng loan báo Tin Mừng cho tha nhân, hay có những việc làm xoa dịu những đau khổ của họ, trong khi, ta không nhìn nhận đến những đau khổ mà chúng ta đang gánh chịu. Mùa Chay là thời gian để chúng ta nhìn lại những đau khổ để có một một sự thấu hiểu hơn về nó và để cố gắng phân định ra ý Chúa trong chính những đau khổ đó.
Nơi gương sống của tha nhân
Thiên Chúa tỏ mình ra nơi những người nam và người nữ dấn thân trong đời sống Kitô hữu. Nơi những con người này, sự ngay chính của họ giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn; những tâm tình đạo đức của họ truyền cảm hứng cho chúng ta; sự chịu đựng gian khó của họ giúp chúng ta vững tin. Thiên Chúa tỏ mình ra nơi những người sống liên đới hơn với tha nhân. Tình yêu của Thiên Chúa được nhận ra nơi những người có lòng thương xót. Sự thấu hiểu của Thiên Chúa được nhận thấy nơi những người biết kiên nhẫn. Lòng thương xót của Thiên Chúa được nhận thấy nơi những người biết thứ tha. Chúng ta có thể noi theo gương sống tốt lành của nhiều người ở giữa chúng ta. Họ có thể là một người thợ sửa ống nước hay một bác thợ mộc, những người mà tự hào khi làm tốt công việc của mình; họ là những người biết quan tâm đến người hàng xóm đang bị đau bệnh; là những người ông hay người bà luôn sẵn lòng chăm sóc con cháu của mình; là những người học sinh biết ơn trước sự tận tâm của những người thầy. Nếu chúng ta tỉnh thức thì chúng ta có thể nhận ra Thiên Chúa đang tỏ mình ra theo những cách thức thông thường.
Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ
Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary, Second Sunday of Lent, Year C, The Liturgical Press.