CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM C
Lc 4,1-13
Cám dỗ là một trong những điều con người hay phải đối diện nhất trong cuộc đời. Cám dỗ chưa được coi là tốt hay xấu. Nếu chúng ta ngả theo cám dỗ mới là xấu, còn ngược lại, nếu thắng vượt được cám dỗ thì đó lại là cơ hội để chúng ta lớn lên trong đời sống thiêng liêng. Có thể nói, ba cơn cám dỗ mà Đức Giêsu phải đương đầu trong Tin Mừng hôm nay dường như gồm tóm tất cả mọi thứ cám dỗ mà chúng ta thường gặp.
Cám dỗ thứ nhất mà Chúa Giêsu phải đối diện liên quan đến cơm bánh, tiền của, vật chất (Lc 4,2). Với tư cách là con người, Chúa Giêsu cũng có nhu cầu ăn uống, bồi bổ, dưỡng sức. Ma quỷ tìm đúng thời điểm là lúc Người đói để gài bẫy. Cũng thế, ngày nay, “cơm áo gạo tiền” có thể trở thành cơn cám dỗ triền miên cho chúng ta. Cám dỗ ấy đưa chúng ta đến chủ trương kiếm sống và làm giàu bằng mọi giá, bất chấp đạo đức và luân lý. Hậu quả của lối sống này là gây ra bao thảm họa cho gia đình và xã hội.
Cám dỗ thứ hai là danh vọng hay thờ ngẫu tượng (Lc 4,5-7). Đây là cám dỗ xuất hiện thường xuyên trong cuộc đời của Chúa Giêsu, cám dỗ về quyền lực theo kiểu trần thế, tức là “làm vua chính trị” để giải phóng dân tộc Israel ra khỏi ách đô hộ của ngoại bang lúc bấy giờ. Chúa Giêsu đã từ chối điều này, khi chấp nhận trở thành người nghèo (anawim) và người tôi tớ đau khổ để cứu độ nhân loại, điều này đã được ngôn sứ Isaia loan báo từ trước nơi những bài ca về “Người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa”. Ngày nay, chúng ta cũng có thể bị cám dỗ chạy theo nhiều ngẫu tượng như tiện nghi, danh vọng, quyền lực… và tôn thờ chúng như mục đích tối hậu của đời mình.
Cám dỗ thứ ba là thách thức Thiên Chúa, yêu cầu Ngài thực hiện những điềm thiêng dấu lạ nhằm thỏa mãn ước vọng cá nhân (Lc 4,9-10). Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng hay bị cám dỗ này, khi muốn Thiên Chúa hành động theo nhu cầu và sở thích của mình, làm những phép lạ và những điều ngoại thường theo ý chúng ta. Như vậy, vô hình chung, chúng ta “biến” Thiên Chúa trở thành “công cụ” phục vụ chúng ta mà thôi.
Sứ vụ của Chúa Giêsu được khai mở bằng việc chiến thắng những cám dỗ của ma quỷ: Ngài vượt lên trên nó. Ở đâu Chúa Giêsu ra tay hành động, ở đó ma quỷ bị bó buộc phải nhường bước, rút lui. Thật vậy, Đức Giêsu nói “không” với ma quỷ, nhưng cũng phải nói “không” với chính mình, bởi vì con đường Người theo hãm dẹp các khát vọng và những đòi hỏi của bản tính tự nhiên, khi những điều đó đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa. Các phản ứng của Người trước đau khổ, những tủi nhục, những thất bại, những đói khát, những đau thương thì cũng giống như mọi người. Người không thể phạm tội, nhưng Người có thể chọn con đường chung của mọi người, là sự thoải mái, dễ dãi, né tránh... Nhưng Người đã không muốn bước theo nẻo đường tiện nghi thoải mái, mà trái lại, tôn trọng con đường đã được chọn cho Người dù phải hy sinh, thiệt thòi, và ngay cả một cái chết tức tưởi trên thập giá đang chờ đợi Người ở phía trước.
Vậy nên, việc nhìn ngắm các cơn cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu và cách thế Người chiến thắng cám dỗ giúp chúng ta nhìn lại bản chất yếu đuối, dễ sa ngã, dễ phạm tội của con người. Những cám dỗ Chúa Giêsu chịu cũng chính là những gì đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ nơi mỗi người: tiền tài vật chất, danh vọng quyền lực, đời sống thụ hưởng xa hoa... Bản chất con người là dễ nghiêng ngả bởi cám dỗ, và nghiêng chiều về điều xấu, nhưng không vì thế mà chúng ta chịu thua, chịu đầu hàng trước những cơn cám dỗ. Chúa Giêsu đã đi bước trước, đã chiến thắng và mở ra cho chúng ta phương thế để chiến thắng cám dỗ. Đó là yêu mến thực thi thánh ý Chúa Cha trong mọi cảnh huống của cuộc sống, cậy dựa vào Lời Chúa và sức mạnh của Chúa. Ý thức thân phận yếu đuối mỏng manh của mình, chúng ta hãy xin ơn Chúa giúp và cộng tác với ơn Chúa qua việc nỗ lực cầu nguyện, hy sinh hãm mình và sống tinh thần bác ái mỗi ngày. Amen.