Thứ Sáu sau thứ Tư lễ Tro
Is 58,1-9a; Mt 14,15
Tin mừng hôm nay là mẩu đối thoại được đặt trong khung cảnh của một bầu khí chay tịnh nơi các môn đệ Gioan Tẩy giả cũng như các môn đệ của người Pharisêu. Một câu hỏi rất dễ đặt ra là: tại sao những người này lại ăn chay? Ăn chay nhằm mục đích gì?
Cách ăn chay của môn đệ Gioan Tẩy giả: Những trang đầu Tin mừng Nhất lãm cho thấy sự xuất hiện của Gioan Tẩy giả với lời kêu gọi mọi người ‘hãy chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối hầu được ơn tha tội.’ Bầu khí ấy có thể lý giải mấu chốt của việc ăn chay là một cách thức nhằm diễn tả lòng sám hối.
Còn môn đệ của những người Pharisêu thì sao? Thời Gioan Tẩy Giả xuất hiện trùng hợp với thời mà dân Do thái đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma. Do vậy, lòng khát khao mong đợi đấng Cứu thế xuất hiện đang thực sự cháy bỏng nơi những người ái quốc (nhóm Pharisêu). Như thế, sự chay tịnh của họ mang nặng tính chính trị, thậm chí đôi khi còn bị Chúa Giêsu lên án là giả hình vì chỉ nhằm để cho thiên hạ xem thấy (Mt 6,16). Vì thế, việc chay tịnh của nhóm môn đệ Pharisêu mang nặng tính hình thức như một thứ bổn phận phải làm.
Chúa Giê-su và các môn đệ? Vấn đề 2 nhóm trên đặt ra cho Chúa Giêsu là: khi mà cả xã hội Do thái đang sống trong bầu khí ‘nhà nhà ăn chay, người người ăn chay’ thì các môn đệ của Chúa Giêsu lại rất vô tư ‘cỗ bàn bình thường’, liệu có gì sai sai gai mắt không?
Thực ra, thầy trò Chúa Giê-su không dửng dưng đứng ngoài dòng chảy của xã hội thời ấy? Vì thế, đây là cơ hội để Ngài tỏ cho họ thấy các môn đệ của mình không sống bên ‘lề xã hội’, nhưng lại thêm một tầng ý nghĩa cao hơn nhiều. Đó là bối cảnh của những người bạn chàng rể đang trong bữa tiệc cưới với ‘thịt béo, rượu ngon’. ‘Bầu khí tân hôn’ ấy chắc chắn phải là bầu khí của nỗi hân hoan và niềm vui mừng; bầu khí của yến tiệc sẽ kéo dài mãi cho đến khi chàng rể được đem đi. Và kể từ đấy, các bạn của chàng rể mới chính thức bước vào thời gian ăn chay. Đó là cách thức xứng hợp của việc ăn chay với tư cách là môn đệ Chúa Ki-tô.