CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN – Năm C
Hc 27,5-8 (4-7); 1Cr 15,54-58; Lc 6,39-45
Mỗi ngày chúng ta thường có thói quen quét dọn, vệ sinh nhà cửa để tạo một không gian sạch sẽ, thoáng mát, giúp cho đời sống của mình được văn minh lành mạnh. Tuy nhiên, không dừng lại ở căn nhà hay không gian vật chất, bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người nhìn vào không gian nội tâm của mình, để nhận ra “cái xà- cái rác” là những điểm yếu, lầm lỗi hay tội lỗi mình; nhờ đó mỗi người có thể khiêm tốn hơn, khôn ngoan và bác ái hơn trong đời sống.
Thật vậy, cuộc sống của chúng ta giống như một người đeo hai cái giỏ. Cái giỏ phía trước mặt thì đựng những sai lỗi của người khác, còn cái giỏ phía sau lưng thì chất đầy những sai lỗi của bản thân. Vì thế, chúng ta thường nhìn thấy rất rõ những sai lỗi của người khác để rồi lên tiếng phê bình và chỉ trích. Trong khi đó, những sai lỗi của bản thân thì lại chẳng nhìn thấy. Và nếu có nhìn thấy chăng nữa, thì cũng sẽ đưa ra muôn vàn lý do để bênh vực và bào chữa. Đây là một trong những cám dỗ mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống, nhất là đời sống cộng đoàn “nghiêm khắc với người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình; muốn thay đổi người khác trong khi bản thân lại không chịu sửa đổi”. Vì vậy, Chúa Giêsu mới dạy rằng "Anh chị em đừng xét đoán, sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em”.
Những lời Chúa nói không đơn thuần chỉ là khuyên chúng ta không nên xét đoán người khác mà còn mời gọi chúng ta tự đặt mình vào mối tương quan với Thiên Chúa: Chỉ có Thiên Chúa, Đấng thấu suốt lòng con người mới có thể xét xử con người, và nếu chúng ta không muốn bị phán xét thì đừng phán xét người khác. Theo Chúa Giê su, xét xử người khác là cướp quyền của Thiên Chúa và là kẻ giả hình. Vì thế, khi chúng ta nhìn nhận quyền xét xử của Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhìn lại tấm gương đời mình. Nhìn vào gương không phải để trang điểm đậy đi những tật xấu của mình nhưng là để biết mình là ai, và nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước rồi mới xét đoán người khác. Đó là bài học mà Chúa muốn chúng ta cần phải tập luyện mỗi ngày.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta cần khôn ngoan phân định, đánh giá. Chúa đưa ra cho chúng ta nguyên tắc “lòng đầy miệng mới nói ra” và “xem quả thì biết cây” hoặc “cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,20). Đây là những nguyên tắc khá đơn giản để có thể nhận ra đâu là tốt xấu thực sự.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta bị bao quanh bởi cả điều tốt và điều xấu, nên cần phân định tốt xấu. Thật vậy, mọi hành vi hành động của con người đều xuất phát từ trong suy nghĩ, tư tưởng vì tâm trí là tâm điểm phát sinh những điều thiện hảo hay xấu xa. Theo ý nghĩa đó, bài đọc I đề cập đến tiêu chuẩn về sự khôn ngoan để đánh giá con người: đó là lời nói phát ra từ miệng lưỡi. Những gì chúng ta nói ra là những gì chúng ta đã suy nghĩ, ước muốn trong lòng. Chúa Giêsu nói về những gì bên trong con người được phát biể ra bên ngoài: Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Giống như cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái sâu; thì người tốt làm những việc tốt lành, còn người xấu thích làm điều gian ác. Có thể nói, các hành động bên ngoài phần nào tỏ lộ con người thật bên trong của chúng ta. Vì vậy, để tránh được những sai lầm và có một nhận định đúng đắn, chúng ta cần phải có thời gian tìm hiểu lời nói, thái độ và hành động; đặc biệt là cả những ý hướng và động lực thúc đẩy.
Chúng ta cần khôn ngoan trong việc sửa lỗi chính mình. Tuy nhiên, điều này không dễ vì con người thường phô trường, khoe khoang, hay tự cho mình là hoàn hảo hơn người khác trong khi đó mình còn nhiều sai sót, cần sửa đổi. Vì thế, chúng ta dễ thấy những lầm lỗi của người khác, cho dù lầm lỗi ấy rất nhỏ. Còn những lầm lỗi của chính mình thì lại không thấy, cho dù rất lớn. Nếu một tập thể hay một gia đình mà trong đó ai cũng đều có tính chỉ nhìn thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi của chính mình thì đời sống chung sẽ rất dễ bị chia rẽ, đổ vỡ. Vì thế, mỗi cần ý thức hơn về thân phận yếu hèn tội lỗi của mình trước khi xét đoán tha nhân. Hơn nữa, mỗi người cần đến sự tha thứ của Chúa bởi lẽ nếu chúng ta không xét đoán tha nhân, Thiên Chúa cũng không xét đoán chúng ta. Ngài thương xót và tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta để chúng ta biểu lộ lòng thương xót ấy cho tha nhân bằng cách kiên nhẫn, hiền hòa, cảm thông, khoan dung trước lỗi lầm của anh chị em mình. Amen.