Suy niệm Chúa Nhật VIII mùa thường niên C
Thứ bảy - 26/02/2022 03:16
865
Lc 6, 39-45
Các bài đọc trong Chúa Nhật tuần này tiếp tục nói về việc Chúa Giêsu huấn luyện các môn đệ để giúp họ trở nên những người môn đệ đích thực. Chủ đề xuyên suốt trong Chúa Nhật tuần này cũng được tìm thấy trong các bài đọc của Chúa Nhật tuần trước. Chủ đề đó chính là tính chất lừa dối của những hình thức bề ngoài. Các bài đọc hôm nay khẳng định cần phải có một sự chính trực nào đó giữa lời nói và hành động của một người. Cả bài trích sách Huấn Ca và Tin Mừng theo thánh Luca bằng việc sử dụng những chỉ dẫn Khôn ngoan (thành ngữ và tục ngữ) cho chúng ta thấy được những nét đặc sắc của văn chương khôn ngoan trong việc giảng dạy. Các tình huống được nêu ra rất phổ biến (nông nghiệp và tương tác xã hội) chứng tỏ rằng các bài học cuộc sống được rút ra từ những biến cố xảy ra trong đời sống thường ngày.
Tính chính trực của lời nói
Thật không may là không phải lúc nào chúng ta cũng coi trọng sự chính trực của lời nói như chúng ta có thể. Chúng ta thậm chí còn tán thưởng về khả năng lừa dối người khác, để dắt mũi họ vì lợi ích của chính chúng ta. Chúng ta không thể tin người khác qua lời nói, kể cả họ là những người ở vị thế đáng tin cậy, chẳng hạn như chính trị gia, phát thanh viên, luật sư, chức sắc hay ngay cả những bậc làm cha mẹ. Chúng ta có thể không tôn trọng những lời nói trung thực, một điều đáng lẽ chúng ta nên làm, nhưng chúng ta phải công nhận rằng sự thiếu trung thực đã tàn phá xã hội dưới mọi hình thức và cách thức khác nhau. Một số người trong chúng ta muốn vượt lên bằng mọi cách có thể, nhưng không ai trong chúng ta muốn trở thành nạn nhân của sự thiếu trung thực.
Bài trích sách Huấn ca trong Chúa Nhật hôm nay đã giải đáp cho chúng ta câu hỏi về tính chính trực. Chúng ta đã học được từ kinh nghiệm của cuộc sống rằng trung thực không chỉ đơn thuần là điều tốt nhất, mà nó là điều cần thiết nếu một xã hội muốn tồn tại và phát triển. Chúng ta nhận ra rằng phải có một chuẩn mực về tính chính trực giữa lời nói mà chúng ta giao tiếp với các giá trị và nguyện vọng thúc đẩy chúng ta. Phải có một chuẩn mực liêm chính cân bằng giữa lời nói và việc làm của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà từ tiếng Do Thái “dabar” có nghĩa là cả “lời nói” và “việc làm”. Lời nói xác định hành động của chúng ta, và việc làm của chúng ta là biểu hiện của những lời nói được hình thành trước tiên trong tâm trí và sau đó trên môi miệng chúng ta.
Sự biến đổi: Một kỳ công của Thiên Chúa
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng sự biến đổi trong cuộc sống, điều mà chúng ta đang tìm kiếm, là có thể xảy ra. Sự biến đổi này xảy ra không do nỗ lực riêng của chúng ta mà nhờ vào sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Chính nhờ sự chết của Người mà sự chết đã bị tiêu diệt. Cũng chính nhờ sự phục sinh của Người mà cuộc sống con người được biến đổi. Người là Lời đích thực đã được trao ban, là Lời nhập thể trong xác phàm. Những lời Người nói và những việc Người làm đồng nhất với nhau. Chúng ta chỉ là người hưởng dùng những kỳ công Người đã thực hiện. Chính nhờ Người mà chúng ta có thể tiếp tục thực hiện những công trình của Thiên Chúa, những gì mà chúng ta đang đảm nhận trong cuộc sống. Chúng ta phải nhớ rằng những công việc tốt đẹp mà chúng ta thực hiện là nhờ và trong Chúa chúng ta.
Tính chính thống
Chúng ta hiểu “tính chính thống” có nghĩa là “giáo huấn đích thực”. Tuy nhiên, từ “tính chính thống” bắt nguồn từ một từ Hy Lạp mang nghĩa là “đúng, đích thực” (orthós) và “vinh quang” (dóxa). Tính chính thống hay còn gọi là lời ngợi khen đích thực được thể hiện khi lời nói và hành động được thực hiện cách đồng thời. Tính chính thống cho thấy mức độ trung thực trong những gì chúng ta đang nói. Mức độ ấy được đo lường bằng sự tương hợp chính xác giữa lời nói và hành động của chúng ta. Về hình thức, bài Thánh vịnh – Đáp ca là một bài ca ngợi khen. Một cách nào đó, bài ca này cũng là một cách diễn tả tính chính thống. Thánh vịnh – Đáp ca mô tả cuộc đời của những người công chính, những người mà phẩm hạnh của họ là điều không phải bàn cãi. Thánh vịnh – Đáp ca cho thấy rằng chính bởi một cuộc đời công chính mà vinh quang của Thiên Chúa được chiếu tỏ chứ không chỉ bởi những lời cầu nguyện ngợi khen vinh quang Ngài. Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống (Irênê).
Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ
Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary – Year C, Eighth Sunday in Ordinary Time, The Liturgical Press.