Tuần IV Mùa Chay C
Gs 5,9a.10-12; 2 Cr 5,7-21; Lc 15,1-3.11-32
Để trả lời cho những thắc mắc, những xầm xì của các người Pharisêu và các kinh sư “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”, Chúa Giêsu đã kể ba dụ ngôn: dụ ngôn con chiên đi lạc, dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất, và dụ ngôn người cha nhân hậu. Cả ba dụ ngôn cùng nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với tội nhân, qua đó mời gọi mọi người ăn năn sám hối trở về cùng Thiên Chúa để được tha thứ và được sống dồi dào hạnh phúc. Trong ba dụ ngôn, dụ ngôn người cha nhân hậu nổi bật nhất, thể hiện rõ ràng và sâu sắc hơn cả lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho tội nhân qua lòng nhân hậu của người cha dành cho hai người con. Để hiểu lòng thương xót sâu xa ấy của Thiên Chúa, chúng ta cùng nhau phân tích từng nhân vật trong dụ ngôn.
1. Người con thứ là người con bất hiếu và vô cảm.
Anh ở với cha, được cha yêu thương chiều chuộng, nhưng không cảm được tình thương của cha. Vì không cảm được tình thương nên anh đã quyết định xin cha chia gia tài và thu gom tất cả bỏ nhà ra đi. Đối với người Do thái, khi cha mẹ còn sống thì con không được đòi chia gia tài và nếu có chia thì cũng không được phép sử dụng phần gia sản ấy. Vậy mà anh đã dám làm điều không được phép, làm điều ngược lại với tập quán và luật lệ. Anh không coi phong tục tập quán ra sao, luật lệ ra gì mà chỉ muốn được thỏa mãn những đam mê thấp hèn của thân. Giả như anh đòi chia gia tài để làm ăn và tạo lập cuộc sống riêng, để cha anh giảm bớt gánh nặng thì không nói làm gì. Đàng này, anh đòi chia gia sản và thu gom tài sản trẩy đi phương xa phung phí.
Anh là người con phóng đãng và hoang phí, sống hôm nay mà không biết đến ngày mai. Bằng chứng là anh đã không đem tài sản được cha chia cho vào làm ăn mà đem vào các cuộc ăn chơi phóng đãng, để rồi đến một lúc hết sạch tiền bạc và lâm cảnh túng thiếu. Lúc này anh mất tất cả: mất tiền bạc, mất tài sản, mất danh dự và mất luôn nhân phẩm. Theo luật của người Do thái, heo là một con vật ô uế nên không được phép chăn heo “đáng rủa xả kẻ nào chăn heo.” Người Do thái cũng không được phép ăn thịt heo vì ăn thịt con vật ô uế thì cũng bị ô uế. Vậy mà người con thứ này đã phải đi ở đợ, bị sai đi chăn heo, ước ao thứ đậu muồng heo ăn mà không được ai cho. Hóa ra cuộc sống của anh lúc này tầm thường kém cỏi hơn cả con heo. Rõ ràng là khi ra khỏi nhà anh chẳng còn được xem là người nữa, thậm chí không được bằng con heo, một loại súc vật ô uế.
Ngay cả việc anh trở về với cha cũng không có gì đáng trọng. Anh trở về với cha không vì lý do thực lòng sám hổi đổi mới đời sống. Anh trở về cũng không phải vì thương cha già do lỗi của mình mà phải héo hon già nua. Động cơ đưa anh trở về chỉ là muốn có cơm ăn áo mặc, muốn được coi như kẻ làm công ở nhà cha, không bị chết đói... Trước khi trở về, anh đã hồi tâm tự nhủ, “biết bao nhiều người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở lại đây lại phải chết đói! Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người, thưa cha con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin cha coi con như người làm công cho cha vậy.” Người làm công không được kể là thành viên của gia đình, vị thế còn kém cỏi hơn là người nô lệ vì người làm công có thể tiếp tục được chủ mướn hoặc đuổi khỏi nơi làm việc nếu chủ không còn thấy có ích.
2. Người con cả cũng không hơn người con thứ bao nhiêu.
Cho dù anh không đòi chia gia tài và thu gom bỏ nhà ra đi, nhưng anh ở với cha mà chẳng có một chút tình thương và sự chăm sóc nào đối với cha. Ngày ngày anh vẫn ở với cha, đi làm cho cha, song dường như anh chẳng liên hệ mặn mà tha thiết với cha. Những cử chỉ và lời trách cứ gay gắt của anh dành cho cha khi thấy người em trở về mạnh khỏe, thấy cha tổ chức ăn mừng đã cho thấy tất cả. Anh không vào nhà khi ngoài đồng về, gọi một người đầy tớ ra dò hỏi, nổi giận vì cách cư xử quá nhân hậu của cha. Mặc dù đã được người cha ra năn nỉ, anh cũng không chịu vào, anh còn cay cú với cha, “cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”
Rõ ràng người anh ở với cha mà không bao giờ cảm nghiệm được tình thương, tấm lòng cha dành cho. Anh chẳng bao giờ hiểu và chịu tìm hiểu tâm tư, tình cảm và lòng mong mỏi của cha. Anh hiện diện bên cha như cái xác không hồn nên anh chẳng biết cha nghĩ gì, muốn gì, và dành cho anh bao nhiêu tình yêu thương. Câu trả lời của cha anh đã cho thấy điều đó, “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì là của cha đều là của con.” Tất cả những gì của cha đều là của con, có gì đâu mà con phải phân bì, có gì đâu mà con phải suy nghĩ, tài sản của cha đó, con muốn dùng bao nhiêu tùy ý con, cha đâu có cấm cản con bao giờ. Con không làm những gì con muốn là vì con không hiểu cha đó thôi!
Anh là người hay ganh tị so bì đến nỗi chẳng bao giờ nghĩ đến em, thậm chí không nhận em, không vui mừng khi em đã hoán cải trở về bình an vô sự. Anh nói với cha điều đó, “còn thằng con cha đó”, thằng con cha đó là ai, chẳng phải là em của anh sao, không phải do cha mẹ anh sinh ra nó sao? Thật buồn và xấu hổ khi có một người anh như vậy!
3. Người cha thật nhân hậu và lòng thương xót của ông thật vô biên.
Ông không để bụng lời yêu cầu chia gia tài của người con thứ nên đã chia gia tài cho con. Nó thu gom tài sản ra đi ông cũng không ngăn cản vì biết rằng nếu nó không muốn ở lại thì việc cản trở cũng trở nên vô ích. Sau khi người con thứ bỏ nhà ra đi, mỗi ngày ông đều nóng lòng chờ mong nó trở về. Không chỉ chờ đợi và hy vọng nó sẽ trở về, ông còn chuẩn bị cho ngày nó trở về: quần áo đẹp, nhẫn đeo tay, giầy mới, vỗ bê béo để ăn mừng ngày nó trở về. Ông không quan tâm nó đã làm gì, có một quá khứ lỗi lầm ra sao.
Thật thế, những cử chỉ và lời nói của ông đã làm sáng tỏ điều đó, “Từ đàng xa, ông đã trông thấy, chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ, hôn nấy hôn để”, ông truyền cho các đầy tớ “mau đem áo đẹp nhẩt ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, bắt con bê đã vỗ béo làm thịt mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Mặc áo đẹp biểu trưng cho sự tôn trọng, đeo nhẫn tượng trưng cho việc trả lại quyền bính, mang giày là dấu hiệu trả lại quyền làm con. Những lời nói và hành động của người cha đã trao lại địa vị, uy thế, sự tôn trọng, phục hồi nhân phẩm và danh dự đã bị mất của người con. Lòng thương xót của người cha dành cho người con thứ thật tuyệt với, chẳng có lòng thương xót nào có thể so sánh.
Người cha đối xử với người anh cả cũng vậy. Ông sẵn sàng cho anh mọi thứ “mọi sự của cha là của con”. Ông chẳng những không chấp chiếm với những lời trì trích, phân bì của người anh, mà ông còn hạ mình xuống “ra năn nỉ anh vào nhà”, dùng lời ngọt nhạt mà an ủi và đưa ra lý do để làm tiệc ăn mừng, “con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ vì em con đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Với những lý do như thế chẳng lẽ con không chấp nhận được sao, con không hiểu lòng của cha sao? Người cha tuyệt vời là người cha luôn công bằng và nhân ái với con cái, đứa có công cũng như đứa có tội!
Người cha nhân hậu trong Tin Mừng hôm nay không là ai khác mà là chính Thiên Chúa. Ngài là Cha giàu lòng thương xót và tha thứ. Ngài mong từng tội nhân trở về như người cha chờ đợi đứa con đi hoang trở về. Ngài không muốn tội nhân phải chết nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Ngài luôn cho họ những cơ hội và thôi thúc họ bằng nhiều cách để họ có thể nhận ra. Chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn cảm nhận được lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa để sẵn lòng trở về mỗi khi lỗi lầm hầu tâm hồn chúng ta nhận lại được bình an, niềm vui và sự sống. Amen.