Sám hối và trở về

Thứ năm - 31/03/2022 04:23  666
Chúa Nhật IV Mùa Chay C
Gs 5,9a.10-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32

life of christ hu the prodigal sonCàng tới gần cao điểm của Mùa Chay với Tam Nhật Thánh, Phụng vụ như muốn nhấn mạnh và làm sáng cho dân Chúa thấy được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa giầu lòng nhân hậu và xót thương. Hôm nay chúng ta đã đi được hơn nửa con đường Mùa Chay thánh, đây là lúc chúng ta duyệt xét lại những dốc lòng từ đầu Mùa Chay, và tự hỏi cuộc sống chúng ta đã hân hoan đáp lại tiếng Chúa mời gọi để sám hối và trở về.

Dụ ngôn đứa con hoang đàng hay nói đúng hơn là câu chuyện về tấm lòng của một người cha nhân hậu, là câu trả lời trực tiếp cho những bàn tán của giới kinh sư và pharisêu trước việc Chúa Giêsu thường đi lại và ăn uống với phường thu thuế và người tội lỗi.

Chúng ta có thể thấy, câu chuyện này được chia làm hai phần. Phần thứ nhất nói đến lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa qua hình ảnh người cha mòn mỏi trông chờ đứa con trở về. Khi cậu trở về thì đã mở tiệc ăn mừng, và trao lại cho cậu đầy đủ quyền làm con như khi trước. Phần thứ hai, khi diễn tả sự phản đối của người anh với cách cư xử của người cha lúc đứa em tội lỗi trở về, chính là tình trạng cụ thể bị người ta khước từ mà Chúa Giêsu đang gặp phải trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài.

Câu chuyện được kể lại bằng những chi tiết rất sống động. Thực vậy, tội của đứa con hoang đàng quả là rất lớn. Nó đã phung phí của cải, lao cuộc ăn chơi trác táng, để rồi kết thúc trong nghèo đói và cùng cực. Đối với người Do Thái heo hay lợn là một con vật nhơ bẩn. Chăn heo hay chăn lợn là một việc làm ghê tởm đáng khinh bỉ. Tình cảnh khốn quẫn đã đưa đứa con đến tột cùng của sự thảm hại, nhục nhã, bị loại ra khỏi cộng đồng con người, bởi vì trong cơn đói khát, nó đã thầm ước được ăn chút cám bã dành cho heo ăn mà cũng chẳng được.

Tuy nhiên, điều làm cho chúng ta xúc động vẫn là thái độ đầy lòng nhân hậu của người cha. Câu chuyện kể lại rằng: Ông đã thấy đứa con từ đàng xa. Chi tiết này chứng tỏ ông hằng trông mong và đợi chờ con mình hàng ngày. Và khi đã nhận ra con, ông vội chạy đến ôm chầm lấy con, hôn lấy hôn để, phục hồi vị trí của một người con trong gia đình, rồi mở tiệc ăn mừng.

Thái độ của người con cả cũng thật đáng để chúng ta lưu tâm và suy nghĩ. Anh là người con chí thú làm ăn, nhưng xem ra quan hệ với người cha cũng chẳng có gì đằm thắm cho lắm. Tuy ở nhà với cha, nhưng lòng anh vẫn xa cách. Kết quả là anh đã không hiểu nổi cách xử sự của người cha đối với đứa em vừa trở về. Do đó, thay vì nhập tiệc chia vui với người cha và với đứa em, thì anh đã dừng lại ở cửa, bực tức và than phiền.

Tin Mừng hôm nay quả là một niềm vui cho những người sám hối trở lại, nhưng đồng thời cũng là một lời cảnh tỉnh đối với những người được kể là ở trong nhà, tức là những người bấy lâu nay vẫn cứ tưởng là mình tốt đẹp, gắn bó với nhà thờ hơn những người khác. Thực vậy, câu chuyện Tin Mừng cho thấy người cần phải trở lại hơn hết lại chính là người con cả, người con vẫn ở nhà với cha, nhưng cõi lòng thì xa cùng cha. Ở với cha, nhưng không có trái tim nhân hậu như cha. Ở cùng cha nhưng không hề có lòng thương xót như cha.

Thưa qúy cộng đoàn phụng vụ! Mùa Chay là cơ hội thuận lợi để sám hối và trở về. Chúng ta cần thay đổi tư duy não trạng, thay đổi lối suy nghĩ và cách thức sống đạo của mình. Đừng cố chấp bảo thủ, luôn cho mình là nhất, là đúng, là hay. Ở với cha phải có trái tim nhân hậu như cha. Ở với Chúa cần có tình yêu thương quảng đại như Chúa. Sống và làm mọi việc không mục đích gì khác là để làm sáng danh Chúa và mưu ích phần rỗi cho các linh hồn, trong đó có cả linh hồn của chúng ta, chứ không phải làm để kể nể hay khoe thành tích. Người tội lỗi nhận ra tội lỗi của mình thật là một ân sủng, sám hối, trở về và vào nhà. Đang khi người luôn cho mình tốt lành, vô tội, gắn bó với Chúa hằng ngày, biết đâu lại chẳng là người kiêu ngạo, từ chối, đi ra, không vào nhà. Đó có thể là người luôn cho mình thánh thiện và không muốn cho ai hơn mình. Đó là người cho mình tốt lành nhưng không đón nhận người khác, những người thựuc sự muốn thay đổi cuộc đời nên tốt hơn. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện với Chúa. Một người huênh hoang cho mình là tốt lành thánh thiện, lời cầu nguyện không được Chúa nhận lời. Còn người khiêm tốn nhìn mình tội lỗi, cầu nguyện và đã được Chúa nhận lời, thứ tha tội lỗi và làm cho nên công chính (x. Lc 18,9-14).

Thưa quý cộng đoàn! Chúng ta biết rằng, Đức Kitô là Đấng vô tội, thế nhưng đã để mình liên lụy với những tội nhân, để cứu đọ chúng ta, để làm chúng ta nên công chính. Thánh Phaolô khuyên chúng ta, thậm chí là nài xin chúng ta hãy “làm hòa với Thiên Chúa”. Hãy xưng thú tội lỗi, vì chính Chúa đã ban cho các tông đồ chức vụ hào giải. Qua Bí tích hòa giải, Chúa không chấp tội chúng ta nữa: “Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi” (Bài đọc II). Cái cũ là tội lỗi, cái mới là con người ân sủng và tự do. Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, và hiện tại thực là một quà tặng!

Chúa Nhật IV Mùa Chay hôm nay còn gọi là Chúa Nhật màu hồng, giúp chúng ta hướng tới niềm vui, vì có niềm tin và niềm hy vọng nơi tình yêu và lòng thương xót của Đức Giêsu. Niềm vui vì Thiên Chúa đã trao ban Con của Người là Đức Giêsu đến thế gian, không phải để lên án, nhưng là để cứu độ chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy mạnh dạn để sám hối và trở về với Chúa. Chúng ta hãy can đảm để dám từ bỏ quá khứ là bóng đen tội lỗi, sống theo sự thật để bước vào miền ánh sáng của ơn cứu độ. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Vũ Văn Đình

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập302
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm273
  • Hôm nay55,434
  • Tháng hiện tại916,969
  • Tổng lượt truy cập69,976,843
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây