Đừng làm nhục người khác!
Thứ sáu - 01/04/2022 22:28
909
Tuần V Mùa Chay C
Khổng Tử trong bộ Tam Tự kinh có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, có nghĩa là con người sinh ra vốn có bản tính thiện và tốt lành. Tuy nhiên, Tuân Tử về sau không đồng ý với tư tưởng này, nên nói: “Nhân chi sơ, tính bản ác” có nghĩa là con người sinh ra vốn có bản tính độc ác. Còn Giáo Hội dạy chúng ta rằng: bản tính con người là tốt lành, nhưng do ảnh hưởng của tội nguyên tổ, bản tính con người bị thương tổn. Chính vì vậy trong mọi suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta rất dễ nghiêng chiều về sự dữ. Một hiện thân cụ thể của những lệch lạc này là người ta rất thích làm nhục, hạ bệ người khác, ngay cả khi người ấy chẳng có liên quan gì đến mình.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có tới hơn 2 tỷ người dùng Facebook, số tài khoản của người Việt cũng tăng lên chóng mặt. Người ta mất nhiều thời gian để lang thang trên cái chốn ồn ào, lộn xộn đó để để hóng hớt những chuyện thị phi nhiều hơn là những chuyện tốt lành. Những tin tức về bạo hành, hiếp dâm, đánh ghen, những trò lố lăng... được chia sẻ với tốc độ kinh hoàng, và cứ hot mãi là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều ấy ấy. Rồi đâu chỉ có thế, người ta hay lao vào những chuyện như vậy để “ném gạch đá” tới tấp nữa. Mà những “gạch đá” này có mấy phần trăm mang tính chất xây dựng đâu, chỉ toàn những kết án vội vàng và thiển cận. Bao nhiêu cuộc đời đã bị hủy hoại dưới những trận gạch đá thị phi như thế. Thật là những cục đá oan nghiệt! Nhưng vấn đề là vì sao con người lại thích những tin xấu, thích like, chia sẻ, bình luận về những thông tin tiêu cực hơn là tin tốt? Phải chăng đó là việc ném đá giấu tay ấy sẽ cho người ta cảm thấy mình thanh cao hơn người khác, đặc biệt là được phán xét, chửi, được sỉ nhục người khác làm cho họ nhục nhã, khổ sở mà không phải ra mặt?
Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc sỉ nhục người khác một cách tập thể như vậy. Trích đoạn về người phụ nữ ngoại tình này được thánh Gioan trình bày như một vụ án: Bị cáo là một phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang, bên tố tụng là các kinh sư và biệt phái, và thẩm phán là Chúa Giêsu. Tuy nhiên, có một điều lạ ở đây là việc xét xử người phụ nữ này không phải là vấn đề chính mà những người Do Thái muốn nhắm đến. Người phụ nữ khốn khổ kia chỉ là một phương tiện để thỏa mãn dã tâm của họ mà thôi. Thánh Gioan hé lộ cho chúng ta thấy, đó là “để thử Người, hầu có bằng chứng tố cáo Người” bởi lẽ nếu Chúa nói đừng ném đá, họ sẽ kết án Chúa là kẻ bãi bỏ Lề Luật Môisen; còn nếu Chúa đồng ý cho họ ném đá, Ngài sẽ mâu thuẫn với lời rao giảng về lòng bác ái bao dung của chính mình. Thật là một sự độc ác đến man rợ. Chỉ vì để thỏa mãn sự ích kỷ của cơn dục vọng biến thái mà người ta sẵn sàng mang mạng sống của một con người ra để làm mồi nhử, hầu diệt trừ một người vô tội khác.
Tuy nhiên, nếu như loài người chúng ta cứ thích làm nhục nhau, trói buộc nhau trong những hận thù, ghen ghét, thì Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết, Ngài là Đấng giải thoát chúng ta khỏi những ngục tù vô hình ấy. Hành động giải thoát ấy được Ngài thực hiện bằng việc sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho mọi tội nhân, và mở ra trước mặt họ một con đường tương lai. Đó tựa như một dòng suối mát vọt lên giữa sa mac khô cằn, tẩy sạch mọi vết nhơ, mang lại sức sống và hồi sinh trái tim con người như điều ta đã được nghe trong bài đọc I.
Đứng trước đám người ô hợp đang độc ác la ó, với đôi tay nắm chặt những viên đá chết chóc vô tình, Chúa Giêsu chọn lựa im lặng, cúi xuống viết trên đất. Vì sao Người lại hành động như vậy? Ta không biết lý do, có thể vì Ngài muốn tỏ thái dộ không đồng tình với họ; có thể vì để người phụ nữ tội nghiệp khỏi bị xấu hổ; hay cũng có thể vì lòng Người đầy buồn phiền trước sự độc ác của lòng người. Tuy nhiên, vì họ cứ hỏi mãi nên Người đành ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Và rồi lại một lần nữa Ngài cúi xuống viết trên đất. Sự im lặng lần này nhằm mục đích cho họ thời gian tự vấn, và cũng để tránh cho họ phải xấu hổ khi rút lui như một kẻ bại trận? Quả thật, sự việc xảy ra nằm ngoài dự tính của họ, khiến họ chới với. Hòn đá mà họ mang theo để ném người phụ nữ, giờ đây bị buông rơi một cách tự do trên đất, để rồi chính họ phải nhận lại một hòn đá khác từ Đức Giêsu. Hòn đá ấy ném thẳng vào lương tâm chai đá của họ, khiến họ bừng tỉnh khỏi cơn mê sảng của dục vọng và nhận ra tình trạng tội lỗi của mình. Khi ép Chúa Giêsu làm quan toà xét xử, kết án người phụ nữ, chắc họ chẳng ngờ được Ngài lại trở thành quan toà xét xử và kết án chính họ. Có điều không bao giờ Ngài giống họ: kết án con người với ý định giết chết, loại trừ, nhưng để cứu sống.
Khi những lời tố cáo ồn ào đã lắng xuống, và những kẻ tố cáo đã rút lui, chỉ còn lại một bên là tội nhân đáng thương, còn bên kia là lòng thương xót của Thiên Chúa, lúc này, Chúa Giêsu mới ngẩng lên, và cuộc xét xử mới bắt đầu. Ta có thể thấy ánh nhìn mà Người đặt lên người đàn bà khốn khổ vẫn còn đầy kinh hãi lúc này, không phải là ánh mắt cuồng căm phán xét, nhưng là ánh mắt đầy dịu dàng tế nhị. Ngài nói với người phụ nữ: - Này chị, họ đâu rồi, không ai kết án chị sao? – Thưa ông, không có ai cả. – Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa. Thật là những lời phán xét lạ lùng. Đây không còn phải là những lời phán xét tàn nhẫn, độc đoán nữa, nhưng lại là lời vỗ về đầy ân cần, dịu dàng và bao dung. Không còn phải là sự sỉ nhục, cầm buộc con người vì tội lỗi trong quá khứ của họ như phần đông nhân loại vẫn làm nữa, nhưng là sự phục hồi cho họ nhân phẩm bị đánh mất, mở ra cho họ một tương lai và đẩy họ bước tới để một lần nữa thực sự làm chủ nó.
Cuộc sống của chúng ta vẫn còn đầy rẫy những thẩm phán tự phong, giống các kinh sư và biệt phái trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta không cần phải tìm đâu xa mới thấy họ, bởi có thể đó là chính chúng ta. Thử nghĩ xem, có phải đã rất nhiều lần chúng ta giữ cái vai phản diện này, hung hăng lao vào phê phán người khác một cách bất công, phiến diện, thiếu suy xét và bác ái. Chính vì vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta bắt chước Chúa Giêsu nhìn tha nhân bằng cái nhìn tha thứ, khoan dung và độ lượng. Hãy để bài học của những người Pharisêu và luật sĩ hôm nay trở thành bài học cho chính ta, giúp ta biết nhìn nhận con người thật của mình trước khi ném vào người khác.
Xin Chúa giúp chúng ta biết thực lòng tha thứ cho những người mắc nợ chúng ta bằng một trái tim bao dung, để đến lượt mình, ta cũng có cơ hội được lãnh nhận sự tha thứ và lòng thương xót vô bờ của Chúa, đúng như lời kinh mà hằng ngày chúng ta vẫn cùng nhau đọc: “Xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ với chúng con”. Amen.
Tác giả: Thầy phó tế Ninh