Chúa Nhật III Chay CC
(Lc 13,1-9)
Suy niệm về những bài đọc của ngày hôm nay, chúng ta thấy chủ đề chính được hiện lên: Thiên Chúa - Đấng không thể dò thấu. Đặc tính thần linh này trở nên rõ ràng trong Danh Thánh mầu nhiệm, điều phân biệt Thiên Chúa của Israel với những vị thần khác, nhưng đặc tính này lại khiến chúng ta khó hiểu ý nghĩa của nó. Trong các bài đọc, chúng ta cũng tìm thấy một Thiên Chúa đã hạ mình để nói với chúng ta qua những vật vô tri và những con người trong cuộc sống của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta nhìn thấy một Thiên Chúa vừa tha thứ những tội lỗi lại vừa quyết định cắt đứt những cành nào không sinh hoa trái. Chúng ta trở nên bối rối trước những điều xem ra có vẻ nghịch lý như thế. Trong tất cả những điều đó, chúng ta tự hỏi làm thế nào mà Đấng Tạo Hóa oai nghiêm của vũ trụ lại có thể hành động theo những đường lối khó hiểu như vậy.
Ta Là Đấng Hằng Hữu
Danh xưng của Thiên Chúa nói cho chúng ta biết rất nhiều những vẫn còn nhiều điều ẩn chứa trong Danh xưng ấy. Nếu những gì chúng ta đã biết về những danh xưng thì vén mở bản tính hoặc đặc tính của người mang danh ấy, nhưng bản tính của Thiên Chúa lại ẩn chứa trong mầu nhiệm, vì ý nghĩa xác thực của Danh Thiên Chúa vượt quá sự hiểu biết của chúng ta. Những cách thức khác nhau mà Thiên Chúa hành động trong cuộc sống cũng không cho chúng ta sự hiểu biết rõ hơn về ý nghĩa của nó. Đôi khi hành động của Thiên Chúa xem ra có vẻ trái ngược; lúc khác lại tỏ ra đối nghịch. Phải chăng Thiên Chúa hay thay đổi hoặc quá mầu nhiệm trong mối tương quan với chúng ta?
Trên thực tế, cách chúng ta đáp lại sáng kiến và ơn ban từ trước đến nay của Thiên Chúa dường như ảnh hưởng đến cách Thiên Chúa tiếp tục tương quan với chúng ta. Chính trong vấn đề cứu rỗi, mặc dù sáng kiến và quyền năng biến đổi là của Thiên Chúa và chính sự cứu rỗi là một món quà của Thiên Chúa, nhưng chúng ta không chỉ đơn thuần thụ động như những con rối trong vở kịch. Thiên Chúa đưa ra lời mời, nhưng lời mời đó cần được chấp nhận để trở thành một hoạt động đem lại ơn cứu độ. Điều này có nghĩa là những cách thế mà Thiên Chúa thực hiện tuỳ thuộc vào thái độ của chúng ta, mặc dù chính Ngài hoạch định rõ ràng và làm chủ những cách thế này. Khi chúng ta nghèo túng, Thiên Chúa đến với tư cách là người cung cấp; khi chúng ta sợ hãi, Thiên Chúa đến như người an ủi và sức mạnh; khi chúng ta ngoan cố, Thiên Chúa đến với tư cách là người phán xét và kỷ luật. Thiên Chúa là một bụi cây rực cháy thu hút sự chú ý của chúng ta và đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm; Thiên Chúa là người làm vườn không thể cho phép một cây vả không sinh trái lấy đi sự sống từ mảnh đất đang nuôi dưỡng những cây khác. Thiên Chúa đến với chúng ta bằng mọi khi chúng ta cần đến sự trợ giúp của Ngài.
Thiên Chúa đã sai tôi đến với anh em
Người ta nghĩ rằng một Thiên Chúa quyền năng và vĩ đại như Thiên Chúa của chúng ta sẽ không cần đến những trung gian. Hoặc nếu Thiên Chúa dùng những trung gian thì những trung gian ấy sẽ phải có giá trị hơn những bụi cây ở vùng hoang mạc miền núi hay những con người làm thuê tại các vườn cây ăn trái. Nhưng dường như đó lại chính là cách thức Thiên Chúa hành động. Thiên Chúa dùng bất cứ cái gì hoặc bất cứ ai có sẵn trong tay. Điều này là sự thật đang xảy ra nơi một yếu tố của thế giới tự nhiên mà con người không chú ý đến, hoặc nơi một con người sống giản đơn chỉ quan tâm làm sao để hoàn thành tốt công việc của mình, hoặc nơi những người được mọi người chú ý đến. Trong mỗi cuộc đời, luôn có những người nói hoặc hành động nhân danh Thiên Chúa. Mùa Chay là thời gian được ban tặng cho chúng ta để chúng ta phân định ai hay cái gì nói và hành động cho Thiên Chúa. Ai là người thông truyền Thiên Chúa cho chúng ta? Ai chuyển cầu cho chúng ta trước Đấng Thánh? Mặt khác, chúng ta có hành động như những người được sai đến trong cuộc đời của họ hay không? Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ cho tha nhân sứ điệp của Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận lãnh? Làm sao chúng ta có thể chuyển cầu thay cho họ? Thách đố ở đây là lắng nghe các sứ giả, những người rao truyền Danh Thiên Chúa cho chúng ta dù là điều đó không luôn luôn dễ dàng nhận ra.
Đá tảng là Đức Kitô
Ngay trong giữa sự mơ hồ này, chúng ta có một nền tảng chắc là Đức Kitô. Ngài là Đấng mạc khải bản chất và ý nghĩa của Danh Thánh Thiên Chúa và là Đấng chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Đức Kitô là Đấng đã lên Giêrusalem để chịu đau khổ và chịu chết; và Ngài là sứ giả vĩ đại mà qua đó Thiên Chúa được mạc khải. Ngài là Đấng biểu lộ sự cao cả từ chính sự giản đơn của một bụi cây và cư xử như một người làm vườn đầy kiên nhẫn. Tuy nhiên, những giới hạn về kinh nghiệm và lòng thương xót của Thiên Chúa được minh định qua chính sự mở lòng của chúng ta. Dẫu rằng những phúc lành mà chúng ta nhận được trong những lúc khô khan nguội lạnh, thì điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa hài lòng với chúng ta. Chúng ta không được coi sự tốt lành của Thiên Chúa là điều hiển nhiên.
Các bài đọc hôm nay khép lại với một lời cảnh tỉnh: “Hãy thận trọng!” Chúng ta không biết liệu cây vả có kết trái hay không. Chúng ta có thể đặt niềm trông cậy vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng các bài đọc hôm nay nhắc nhở chúng ta không được đặt niềm cậy trông nơi Thiên Chúa cách thụ động và tự mãn.
Tác giả: Nhóm dịch Ra Khơi, ĐCV. Bùi Chu chuyển ngữ
Nguồn tin: Dianne Bergant, Preaching the New Lectionary, Third Sunday of Lent, Year C, The Liturgical Press