Bức tranh này là một bức tranh được vẽ theo đề tài Truyền Tin của họa sĩ người Mỹ gốc Châu phi có tên là Henry Ossawa Tanner vào năm 1898.
Nếu không được giới thiệu, có lẽ sẽ rất khó để chúng ta có thể nhận ra ngay lập tức, bức tranh này vẽ về cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Gáp-ri-en và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Khó là bởi vì người họa sĩ không sử dụng những họa tiết thông thường. Ví dụ như sứ thần Gáp-ri-en thường được vẽ dưới hình dạng một thiên thần mang dáng vóc con người với đôi cánh rộng lớn phía sau lưng. Hay như chúng ta cũng không thấy Đức Ma-ri-a trong trang phục truyền thống.
Khác với mô-típ quen thuộc, trong bức tranh này, sứ thần Gáp-ri-en được diễn tả qua hình ảnh một cột ánh sáng rực lửa, có hình dạng giống như ngọn lửa nến. Và Đức Ma-ri-a được khắc họa theo hình ảnh một cô thôn nữ miền quê.
Điểm nhấn thực sự của bức tranh này, điều thu hút sự chú ý của người xem, chính là khuôn mặt biểu cảm của Ma-ri-a. Người họa sĩ đã diễn tả được rất nhiều điều về sự giằng co trong nội tâm của Ma-ri-a qua những nét biểu cảm trên khuôn mặt của cô thôn nữ này. Ta có thể nhận ra chút lo âu pha lẫn sự kinh ngạc trong ánh mắt của Ma-ri-a khi được thông báo rằng: Cô sẽ cưu mang Đấng Cứu Thế của nhân loại. Đôi môi Ma-ri-a mím chặt lại, bàn tay đan xen vào nhau, đôi mắt ngước nhìn lên trên, biểu lộ sự suy nghĩ, cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra một quyết định sẽ làm thay đổi không những cuộc đời của Ma-ri-a mà còn cả tương lai của nhân loại nữa. Lựa chọn mà Ma-ri-a đang đối diện là một sự lựa chọn đầy khó khăn, chông gai.
Bức tranh này có thể nói là thành công khi khắc họa lại được cái khoảnh khắc căng thẳng trước khi Đức Ma-ri-a thốt lên lời Xin Vâng, “Tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.”
Chúng ta đã nghe rất nhiều lần đoạn Kinh Thánh sứ thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a. Bởi vì quá quen thuộc, nên chúng ta có cái cảm giác lời xin vâng của Mẹ là một câu trả lời mau mắn, nhanh chóng, dễ dàng và nhẹ tựa lông hồng.
Không, đã là lựa chọn thì luôn luôn là khó khăn, luôn luôn là thử thách, luôn luôn là giằng co.
Trong cuộc đời của mỗi người, đã có không ít lần chúng ta cũng phải đứng trước những lựa chọn đầy cam go như thế. Chúng ta hiểu rất rõ thế nào là cái giá phải trả để có thể sống đúng theo Lời của Chúa. Chúng ta có kinh nghiệm về sự khổ sở, dằn vặt linh hồn khi phải đứng trước những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời: ra đi hay ở lại, trung thực hay gian dối, xây dựng hay phá đổ, trung thành hay phản bội, kiên nhẫn hay nổi xung, yêu thương hay thù hận. Khó lắm. Phải hết sức can đảm, người ta mới dám chấp nhận nói lời xin vâng, sống theo Lời Chúa thay vì buông lơi theo lối sống, lối hành xử của thế gian. Tuy vậy, tôi tin rằng, lòng quảng đại của Thiên Chúa thì chẳng hề thua kém con người. Hãy cứ tin tưởng, tín thác đường đời vào bàn tay yêu thương của Thiên Chúa!
Chúng ta cũng thấy toát lên từ bức tranh là một cái vẻ bình dị của cuộc sống thường nhật. Ở bức tranh này, người họa sĩ tái hiện cuộc truyền tin trong một không gian kín. Chúng ta không thấy có cửa ra vào, cũng như không thấy có cửa sổ hướng ra bên ngoài. Dường như, không gian, thời gian cô đọng lại để làm nền cho một biến cố trọng đại, hồi hộp, gay cấn đang diễn ra nơi căn phòng nội tâm của Ma-ri-a.
Một cách tương tự, Thiên Chúa cũng đến với chính chúng ta hằng giây hằng phút trong cái sự bình dị của cuộc sống thường nhật. Biến cố truyền tin xảy ra trong chính cuộc đời của mỗi người, nhất là khi chúng ta lắng nghe được tiếng Chúa nói trong căn phòng nội tâm của lương tâm mình.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có được đôi mắt đức tin để nhìn thấy Ngài hiện diện nơi những con người, những lo toan và những biến cố đang diễn ra xung quanh chúng con. Xin cho chúng con có được đôi tai của đức tin để lắng nghe tiếng Chúa qua lời Kinh thánh và trong tiếng kêu rên xiết của người nghèo. Xin cho chúng con có được có trái tim của đức tin để loan truyền tin vui cứu độ của Chúa đến với mọi người. Amen.