CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C
( Kn 11,22–12,2; 2Tx 1,11–2,2; Lc 19,1-10)
Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8), có lẽ là một định nghĩa hay nhất về Thiên Chúa được thánh Gioan đưa ra. Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể qua sự tha thứ, qua lòng thương xót của Ngài dành cho nhân loại. Thật vậy, cho dù ông bà nguyên tổ loài người sa ngã phạm tội, nhưng Ngài vẫn không hề bỏ rơi con người. Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu độ con người, Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô. Qua Đức Giêsu, dung mạo về một Thiên Chúa tình yêu và hay thương xót được biểu lộ một cách rõ nét. Cho nên, có thể nói lịch sử cứu độ là lịch sử của sự tha thứ không biết mệt mỏi của Thiên Chúa trước tội lỗi của con người. Tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa cũng là chủ đề chính của phụng vụ lời Chúa Chúa Nhật XXXI thường niên hôm nay.
Với bài đọc một, tác giả sách Khôn Ngoan cho ta thấy Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi loài, cho dù trước nhan Thiên Chúa, toàn thể vũ trụ chỉ như hạt cát dính bàn cân, như giọt sương mai rơi trên đất (Kn 11,22). Giống như cha mẹ yêu thương con cái vì con cái do cha mẹ sinh ra, Thiên Chúa cũng vậy, Ngài yêu thương tất cả mọi loài vì tất cả mọi loài đều được Ngài tạo dựng. Chính vì yêu thương, mà Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài và trong đó có con người, có mỗi người chúng ta. Nếu không yêu thương, Ngài đâu tạo dựng chúng ta. Vì thế, được hiện hữu trên đời quả là một hồng ân vô cùng lớn lao, mà chỉ những người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa mới nhận ra điều đó. Không những thế, Thiên Chúa còn yêu thương cả những người tội lỗi. Ngài yêu thương qua việc Ngài kiên nhẫn và không trừng phạt tội nhân ngay khi họ phạm tội: “Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11,23). Thiên Chúa không muốn cho bất cứ ai phải hư mất; nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống.
Tiếp đến, bài đọc hai là những lời nhắn nhủ của thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi cho cộng đoàn tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Trong thư thánh nhân đã tha thiết cầu nguyện và kêu gọi các tín hữu hãy sống xứng đáng với ơn gọi của mình; để danh Thiên Chúa và danh của Đức Kitô được tôn vinh và các tín hữu cũng được tôn vinh nơi Người (2Tx 1,11-12). Thánh nhân còn khuyên các tín hữu đừng tin vào những tin đồn và cũng đừng hoảng sợ về ngày Đức Kitô quang lâm, bởi Thiên Chúa vì yêu thương đã ban Đức Kitô, Người Con Một của Ngài cho nhân loại và Đức Kitô đã sẵn sàng chết để chúng ta được cứu độ. Nhờ Đức Kitô, chúng ta còn được dồi dào ân sủng qua các bí tích, sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và sự chỉ dạy của Giáo Hội. Cho nên, các tín hữu cần giữ một thái độ tỉnh thức sẵn sàng, để ngày Chúa quang lâm, cũng là ngày vui mừng cho mỗi người, vì sẽ được gặp Thiên Chúa và Đức Kitô.
Đặc biệt, tình yêu thương tha thứ, sự thương xót của Thiên Chúa được thể hiện cách độc đáo trong cuộc gặp gỡ giữa ông Da-kêu và Chúa Giêsu mà thánh sử Luca ghi lại qua bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Da-kêu là một người giàu có nổi tiếng trong thành Giê-ri-khô, ông làm nghề thu thuế và còn là trưởng nhóm người thu thuế. Cũng cần phải nói thêm rằng, thu thuế là một nghề bị người Do thái khinh chê, ghét bỏ, và những ai làm nghề này thì được xếp chung với quân tội lỗi. Kẻ làm nghề thu thuế bị coi là người phản bội lại dân tộc, chạy theo đế quốc Rôma. Họ bóc lột tiền bạc của dân chúng càng nhiều càng tốt, để thu vén cho riêng mình.
Tuy nhiên, dù trong mắt người Do Thái, ông là kẻ tội lỗi, nhưng ông lại có một tâm hồn rất đẹp và thiện chí. Ông đã được nghe về những việc Đức Giêsu đã làm, cũng như tình thương và sự cảm thông của Ngài đối với những kẻ tội lỗi, nên ông khao khát được gặp Ngài. Vì thế, khi nghe tin Chúa Giêsu sắp đi ngang qua, ông không quan tâm đến công việc, địa vị của mình, ông đã trèo lên một cây sung, vì ông quá lùn, để nhìn xem Chúa Giêsu. Mong ước của Da-kêu là chỉ một lần được nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng khi ông chưa kịp thấy Ngài, Chúa đã nhìn thấy ông. Chúa đã dành cho ông một sự bất ngờ khi Ngài gọi chính tên ông: “ Này ông Da-kêu xuống mau đi”. Chúa còn dành cho ông một sự ưu ái vượt quá sự mong đợi của ông khi Ngài nói: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,5). Và Tin Mừng đã miêu tả chi tiết thái độ của ông Da-kêu khi đó: “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người” (Lc 19,6).
Chúa Giêsu không chỉ vào thăm và ở lại nhà của Da-kêu, mà Ngài còn bước vào tâm hồn, vào cuộc đời của Da-kêu, mở toang cánh cửa tâm hồn để biến đổi ông trở nên một con người hoàn toàn mới. Ông đã có những quyết định rất tạo bạo và khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, ông thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu đã mở ra một trang sách mới trong cuộc đời của Da-kêu, xoá đi tất cả những gì của quá khứ tội lỗi, mặc cảm, ích kỷ, để từ nay bắt đầu một cuộc sống mới. Chứng kiến một tâm hồn thành tâm thiện chí như Da-kêu, Đức Giêsu đã không chịu thua sự quảng đại của ông, Chúa đã khuyến khích cho sự hối cải của ông và đã tuyên bố: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19,9-10).
Thiên Chúa vẫn đang bước đến với mỗi người để tìm kiếm, gặp gỡ và muốn được mỗi người mời Ngài vào nhà tâm hồn của mình. Cho dù quá khứ của chúng ta có thế nào đi nữa, điều đó cũng không ngăn cản được tình thương và sự tha thứ của Chúa. Chỉ cần mỗi người thiện chí tìm cách gặp Chúa, Chúa sẽ cho người ấy được gặp, như Chúa đã thấy sự thiện chí của Da-kêu và đến gặp ông. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta đều là những tội nhân, chúng ta hãy siêng năng tìm đến với Chúa qua Lời của Ngài; siêng năng gặp gỡ Chúa trong bí tích Thánh Thể và làm mới tâm hồn trong bí tích Hòa Giải. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta sẽ được đổi mới, hầu trở nên xứng đáng là con của Cha trên trời. Amen.