Nếu như chúng ta là người được vị thần sai đi, có lẽ chúng ta cùng một suy nghĩ như vị sứ thần. Đó là những con người rất đáng trân quý. Các thánh anh hùng tử đạo đã sẵn sàng hy sinh chính mạng sống của mình để bảo vệ và tuyên xưng niềm tin. Đây là những con người xứng đáng được các thế hệ con cháu tưởng nhớ và noi theo. Một người luôn biết yêu thương, chia sẻ những gì mình có cho người khác đó là người có tấm lòng nhân ái, xót thương. Đẹp biết bao với những việc làm dũng cảm, độ lượng và yêu thương của những con người ấy. Vị thần cũng chân nhận giá trị cao quý của những việc làm này. Tuy nhiên, ngài đang tìm kiếm một hành động khác cao quý hơn và có giá trị tuyệt đối. Cuối cùng mọi sự như vỡ òa khi vị thần nhìn thấy những giọt nước mắt sám hối ăn năn bởi đây là điều đẹp nhất và cần thiết nhất đối với con người.
Quả thật, Thiên Chúa đã dựng nên con người là loài thụ tạo cao quý nhất. Con người được diễm phúc mang hình ảnh của Thiên Chúa: có lý trí, ý chí và tự do. Tuy nhiên, thân xác con người lại được nặn lên từ bùn đất. Nghĩa là con người luôn mang trong mình thân phận yếu đuối, mỏng giòn. Chính vì Thiên Chúa ban cho con người sự tự do trong thân phận yếu đuối nên tổ tông loài người đã dùng tự do để khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Từ đây, con người trượt dài trên đường tội lỗi. Thiên Chúa chỉ có thể cứu khi con người nhìn ra những sai lỗi của mình. Cũng giống như một bệnh nhân, bệnh của họ chỉ được cứu chữa khi chính bản thân họ biết mình đang mang bệnh và đến với thầy thuốc. Nếu người mang bệnh nhưng lại luôn cho mình là khỏe mạnh, không cần bác sĩ thì chắc chắn căn bệnh vẫn còn đó. Bệnh tật có thể cướp đi sinh mạng hoặc họ phải chịu đựng sự đau đớn dày vò suốt đời. Chữa khỏi bệnh chính là cứu lấy mạng sống. Đối với đời sống tâm linh cũng vậy. Để được Thiên Chúa cứu chữa, chính chúng ta phải nhận ra thân phận yếu đuối sai lỗi của mình, thực tâm sám hối ăn năn. Hành động sám hối không đơn thuần là nhìn nhận lỗi lầm của mình nhưng là một sự xác tín Thiên Chúa là ai và chúng ta là ai. Thật vậy, sám hối là một lời tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng toàn năng, vua trên các vua, chúa trên các chúa, là Đấng làm chủ mọi loài, Đấng ban cho chúng ta sự sống và là Đấng có quyền tha tội. Sám hối cũng là thái độ nhìn nhận thân phận yếu đuối, thấp hèn và hay sai phạm của mình. Sám hối là khấn xin lòng thương xót khoan hồng của Đấng quyền năng đoái thương và tha lỗi cho chúng ta. Chính sự ăn năn thống hối sẽ làm cho cuộc đời chúng ta được hồi sinh, được canh tân đổi mới và được ơn cứu độ. Quả thật, một khi đã nhìn ra những yếu đuối bất toàn của mình, con người mới biết bám víu vào ơn trợ giúp của Chúa. Một khi đã nhìn ra những sai lỗi của mình, con người mới biết sửa đổi và cố gắng hoàn thiện bản thân từng ngày. Chính tầm quan trọng của sự sám hối mà Đức Giêsu cũng đã khẳng định: “một người tội lỗi ăn năn thống hối hơn là chín mươi chín người công chính không cần thống hối ăn năn”. Chúa cần dâng lên Ngài những lỗi lầm yếu đuối của chúng ta với tâm tình sám hối ăn năn hơn là những công việc tốt lành mà chúng ta làm được. Cho nên thật chí lý khi trong bài tin mừng hôm nay, Đức Giê su không dành lời khen đối với người biệt phái luôn tuân giữ đúng các lề luật mà lời khen ấy được dành cho người thu thuế. Người thu thuế đã cầu nguyện với một thái độ sám hối chân thành. Anh ta đã thành tâm nhìn nhận mình là một tội nhân. Anh ta cũng thành khẩn kêu cầu lòng thương xót của Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Một thái độ khiêm hạ chân thành tuyệt đẹp trước tôn nhan Chúa.
Lạy Chúa, bản chất con người yếu đuối mỏng giòn nhưng bản tính con người lại muốn khoe khoan. Xin cho chúng con đủ can đảm nhìn nhận thật sự về con người của mình trước tôn nhan Chúa để chúng con cũng biết cúi đầu đấm ngực ăn năn về những lỗi lầm hầu được Thiên Chúa thứ tha. Amen.
Tác giả: Bích Liễu