Chia ly để gần nhau mãi mãi

Thứ sáu - 27/05/2022 21:44  613
Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Lc 24,46-53

images 7Trong cuộc sống, chúng ta đã từng chứng kiến hoặc trải qua những cuộc chia ly, như chia ly giữa người ở lại và người đi xa, hay chia ly giữa người sống và người chết. Cuộc chia ly nào cũng khiến con người đau buồn và để lại một khoảng trống nơi tâm hồn kẻ ở, người đi. Tuy nhiên, có một cuộc chia ly rất đặc biệt của một người có tên là Giêsu với các môn đệ của Ngài: Đức Giêsu lìa bỏ các môn đệ để về trời cao, hay chúng ta vẫn quen gọi là Chúa Thăng Thiên. Cuộc chia ly này đặc biệt, vì đây không phải là một cuộc chia ly đượm buồn, cũng không phải là một cuộc chia ly trong nước mắt, nhưng là một cuộc chia ly để được ở gần nhau hơn và ở bên cạnh nhau mãi mãi. Tại sao như vậy? Giờ đây, chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu bài Tin Mừng hôm nay để thấy được điều đó.

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe là đoạn kết của Tin Mừng theo thánh Luca. Bài Tin Mừng được mở đầu với những lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu với các môn đệ để củng cố niềm tin cho các ông về sự kiện Ngài đã phục sinh. Bài đọc một, sách Công Vụ Tông Đồ cũng đã nhắc đến việc Chúa củng cố đức tin cho các môn đệ bằng những lần hiện ra: “trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3). Tuy nhiên, để tin vào Chúa Giêsu Phục sinh, mà chỉ dựa vào sự hiện ra của Ngài thôi thì chưa đủ, cần phải được thuyết phục bằng lời Kinh Thánh nữa. Vì thế, Chúa đã chứng minh cho các môn đệ thấy: tất cả những điều được nói đến trong Thánh Kinh, trong sách luật Môsê, các sách ngôn sứ và thánh vịnh nay đã được ứng nghiệm nơi Ngài; Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại (Lc 24,46). Đây cũng là cách mà Chúa đã dùng khi giải thích cho hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,25-27).

Hơn thế nữa, Chúa còn trao cho các tông đồ một nhiệm vụ, nhiệm vụ làm chứng nhân cho Ngài. Điều đó, cũng được nhắc lại trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Không chỉ có vậy, khi trao nhiệm vụ cho các môn đệ thì chính Chúa cũng nhắc lại lời hứa của Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần, để giúp các ông trung kiên làm chứng cho Chúa. Thật vậy, trước đây với những lời từ biệt của Chúa Giêsu trước Cuộc Thương Khó, Ngài đã nhiều lần hứa sẽ xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến ở cùng và hoạt động trong các ông. Thánh Thần sẽ dạy các ông mọi điều và làm cho các ông nhớ lại mọi điều Chúa đã nói với các ông (Ga 14,26). Thánh Thần sẽ dẫn các ông tới sự thật toàn vẹn (Ga 16,13). Và ngay cả khi chuẩn bị về cùng Chúa Cha, Ngài cũng bảo các Tông đồ phải ở lại Giêrusalem chờ đợi quà tặng là Chúa Thánh Thần Ngài sẽ ban (Ga 24,49). Qủa thực, thì chẳng bao lâu sau đó, vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã được ban tràn đầy xuống trên các Tông đồ (Cv 2,1-4). Từ đó, các ông can đảm, hăng say ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người, các ông sẵn sàng dùng cả mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh.

Bài Tin Mừng khép lại với việc miêu tả biến cố Chúa lên trời: “Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” ( Lc 24,51). Chúa “lên trời”, không phải là việc Ngài đi đến một nơi nào ở trên cao, nhưng đúng hơn Ngài được nâng lên một tình trạng cao hơn; Ngài trở về tình trạng vinh quang trước khi nhập thể; Ngài từ Chúa Cha mà đến và bây giờ Ngài trở về cùng Chúa Cha. Khi tận mắt chứng kiến Chúa về trời, thay vì buồn sầu như bao cuộc chia ly khác, các môn đệ lại có một phản ứng khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên: “Các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,52-53). Niềm vui các môn đệ có được bởi các ông đã hoàn toàn tin tưởng vào Chúa Giêsu Phục Sinh, các ông đã đón nhận được sự bình an và sức sống của Chúa. Với đức tin kiên vững, các ông biết rằng dù không còn thấy Thầy mình bằng cặp mắt xác thịt nhưng Chúa vẫn mãi ở cùng các ông.

Như thế, Chúa về trời không phải là Ngài rời xa chúng ta, rời xa trần gian và không hề có liên đới gì nữa. Nhưng đúng hơn, Chúa về trời để Ngài hiện diện một cách sâu thẳm hơn, một cách sống động hơn trong trái tim của mọi người. Chúa về trời, để Ngài hiện diện một cách tràn đầy, không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Ngài hiện diện tràn đầy trong nhân gian, trong cuộc sống mỗi người. Nhờ vậy, ta có thể gặp Chúa nơi anh chị em, gặp Chúa trong mọi biến cố của đời sống. Cho nên, cuộc chia tay này giữa Chúa và các môn đệ, (trong đó có cả chúng ta), không phải là cuộc chia tay trong ngậm ngùi nước mắt, nhưng trong niềm vui hân hoan. Chúa về trời, mang lại cho chúng ta một niềm hy vọng lớn lao, hy vọng hạnh phúc Nước Trời. Chúa là Đầu, là Thủ Lãnh, Ngài đã về trời, thì đến lượt chúng ta là chi thể cũng được theo bước chân Ngài, như Chúa đã từng nói: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3).

Như ngắm thứ hai mùa mừng chúng ta vẫn đọc: “thứ hai thì ngắm Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời”. Chúng ta nhìn nhận rằng quê hương của chúng ta ở trên trời. Sự nhìn nhận ấy, không phải để ta xa lánh trần gian, nhưng để ta nỗ lực xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này. Chúng ta yêu mến những sự trên trời là những giá trị của Tin Mừng và hãy làm cho những giá trị ấy thấm nhuần vào cuộc sống, vào từng công việc, vào mọi lời nói, hành động của ta.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn hướng lên “trời cao” là đích điểm của mình để can đảm từ bỏ những đam mê tội lỗi của xác thịt, của trần gian và ma quỷ. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập226
  • Máy chủ tìm kiếm59
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay34,640
  • Tháng hiện tại882,262
  • Tổng lượt truy cập70,910,019
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây