Lễ Chúa Ba Ngôi năm C
(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)
Đời sống của người Kitô hữu được khởi đầu bằng Bí tích Rửa Tội, “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Bên cạnh đó, một ngày sống của chúng ta cũng được bắt đầu và kết thúc bằng việc làm dấu; chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta một ngày mới; chúng ta cầu xin Chúa cho ta qua một đêm bình an! Không chỉ có thế, ngay trong những bữa cơm hằng ngày, chúng ta cũng bắt đầu và kết thúc bằng Dấu Thánh Giá “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Vì vậy, có thể nói đời sống của chúng ta luôn gắn liền với mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi. Thế nhưng, đôi khi chúng ta vẫn làm dấu một cách hời hợt và máy móc, dường như chúng ta chưa ý thức về sự hiện diện của mầu nhiệm ấy trong đời sống. Trong ngày mừng kính Chúa Ba Ngôi hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đôi nét về mầu nhiệm cao cả này, đồng thời xét xem mầu nhiệm đó có liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta hay không?
Dựa vào giáo lý của Hội Thánh, chúng ta xác tín rằng: mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu (GLHTCG số 234). Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin, và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy; các mầu nhiệm khác chỉ hiểu được nhờ vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi. Dù rằng, Thiên Chúa Ba Ngôi đã để lại những dấu vết nào đó về sự hiện diện của Ngài trong công trình tạo dựng và trong việc Ngài mặc khải suốt dòng lịch sử Cựu Ước. Nhưng đời sống nội tại của Ba Ngôi Chí Thánh, vẫn là một mầu nhiệm mà lý trí con người không thể nào hiểu thấu được, và ngay cả đức tin của dân Israel cũng không thể biết mầu nhiệm đó. Chúng ta chỉ biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ Chúa Giêsu đã mặc khải.
Thật vậy, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian. Vì thế, khi mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu mặc khải trong tư cách là Con nói về Cha Người ở trên trời: “Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30). Không những vậy, Ngài còn cầu xin Cha ban cho chúng ta Thánh Thần là Tình yêu giữa Cha và Con, như Chúa Giêsu đã nói: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Thánh Thần không làm gì ngoài ý muốn của Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu khẳng định trong bài Tin Mừng hôm nay: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13-14).
Như thế, nhờ Chúa Giêsu mặc khải ta tin vào một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Ba Ngôi tuy khác biệt, nhưng không tách biệt, Ba Ngôi cùng một bản thể và một quyền năng nên Ba Ngôi vẫn là một Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu, tình yêu ấy khiến cho Ba Ngôi trở nên một, đến độ mỗi Ngôi chính là biểu hiện của Ba Ngôi, như chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện: Xin cho chúng nên một như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Ga 17,21). Hay có lần Chúa Giêsu đã nói với Phi-líp-phê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Cho nên, Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một Ngôi Vị đơn độc, nhưng là Ba Ngôi hiệp thông chặt chẽ với nhau. Ba Ngôi cùng hoạt động trong mọi công trình, nhưng mỗi Ngôi biểu lộ nét riêng biệt: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu.
Quả thực, Chúa Cha vì yêu thương đã trao ban sự sống cho nhân loại, qua công trình tạo dựng và đỉnh cao là tạo dựng con người giống hình ảnh của Ngài. Chúa Con, vì yêu thương đã nhập thể làm người, đã tự nguyện nộp mình chịu chết để đền thay tội lỗi cho nhân loại. Chúa Thánh Thần là Tình yêu của Thiên Chúa, Đấng thánh hoá con người trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa và luôn tác động để con người hoàn thiện chính mình mỗi ngày. Tình yêu nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn đổ xuống muôn loài, làm cho muôn loài được hiện hữu, được sống, được tham dự vào nguồn tình yêu vô biên để được hạnh phúc vĩnh cữu.
Qua ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm nền tảng của đức tin. Tuy nhiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề để con người có thể nghiên cứu, đo đếm và xác định bằng trí tuệ vốn bất toàn, giới hạn, mà là để chúng ta sống mầu nhiệm đó. Bao lâu chúng ta chỉ học biết về Thiên Chúa như một mớ lý thuyết để làm giàu kiến thức; hay chúng ta chỉ tìm Chúa trong những kinh nguyện như một thói quen máy móc và hình thức; hoặc chúng ta chỉ giữ đạo trong nhà thờ thì bấy lâu mầu nhiệm Thiên Chúa vẫn còn xa lạ và không liên quan gì đến đời sống chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta biến niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi trở thành cung cách sống của chúng ta, thì lúc ấy niềm tin của chúng ta mới thực sự ý nghĩa và mang lại ơn cứu độ cho chúng ta.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu, hay như thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) và con người được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Vì thế, mừng lễ Chúa Ba Ngôi là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa luôn dành cho chúng ta. Nhờ tình yêu ấy mà ta được làm người và làm con Thiên Chúa. Nhờ tình yêu ấy mà ta luôn có cơ hội trở về làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã vì yếu đuối lỡ lầm. Hơn thế nữa, chúng ta còn có bổn phận sống đáp đền tình yêu của Thiên Chúa, gìn giữ và làm cho hình ảnh của Thiên Chúa ngày càng thêm rõ nét nơi gương mặt và cuộc sống của chúng ta. Noi theo đời sống hiệp nhất yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta hãy xây dựng gia đình và cộng đoàn của mình, thành gia đình yêu thương, thành cộng đoàn đức tin sống động, hiệp nhất.
Xin Chúa giúp chúng ta ý thức hơn khi làm dấu thánh giá trên mình, để biết làm một cách nghiêm trang sốt sắng, vì mỗi khi làm dấu là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi đang hiện diện và làm chủ cuộc đời chúng ta. Amen.