Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi năm C
Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15
Khi nói tới tình yêu, người ta thường nghĩ đến tình yêu đôi lứa mà quên những khía cạnh khác của tình yêu như: tình yêu của cha mẹ dành cho con cái, tình yêu của con cái dành cho cha mẹ, tình yêu bạn bè dành cho nhau, tình yêu quê hương đất nước… Nhiều người còn hiểu sai về tình yêu hoặc giới hạn tình yêu vào một phạm vi nào đó, hoặc ngày nay khi yêu, người ta cân nhắc tính toán thiệt hơn, trong khi đó, bản chất của tình yêu là không giới hạn, không tính toán thiệt hơn. Một khi yêu mà còn tính toán, thì tình yêu ấy còn giả dối, vụ lợi, tình yêu đích thật luôn đòi sự chân thật và quảng đại.
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Lễ Chúa Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm chính yếu trong niềm tin của người Công giáo, và chúng ta được mời gọi sống theo mẫu gương yêu thương của Thiên Chúa, một Thiên Chúa yêu thương nhân loại bằng một tình yêu vô biên không giới hạn.
Chúng ta phải thừa nhận rằng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mãi mãi là một mầu nhiệm vượt xa khả năng suy luận của con người. Ba Ngôi trong một Thiên Chúa, dù chỉ có một Thiên Chúa nhưng nơi Người có Ba Ngôi, thật là điều khiến chúng ta không khỏi rối trí. Tuy nhiên, dù là một mầu nhiệm khó hiểu bằng lý luận, nhưng lại trở nên dễ đón nhận đối với những người tiếp cận mầu nhiệm này bằng trái tim, bằng tình yêu, vì mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu. Chỉ có thể dùng tình yêu, chúng ta mới có thể đón nhận và tiến sâu vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trước hết, Chúa Cha được tuyên xưng là Thiên Chúa Tình Yêu trong việc tạo dựng. Thiên Chúa đã muốn cho con người hiện hữu trên thế gian này, song lại không muốn cho con người sống bơ vơ một mình. Do đó,Ngài đã tạo dựng trái đất, vũ trụ như ngôi nhà cho con người cư ngụ, và còn cho muôn loài muôn vật trở nên bạn hữu với con người. Tất cả là để cho con người hạnh phúc. Giống như một người cha khi bồng ẵm đứa con, ông hạnh phúc vì nó là con của ông, là máu thịt của ông, và ông sẽ càng hạnh phúc hơn nữa khi thấy nét mặt của mình nơi khuôn mặt của đứa con, và ông sẽ sẵn sành hy sinh tất cả để con mình được sống hạnh phúc, thì Thiên Chúa cũng vậy. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã không ngần ngại đặt hình ảnh của mình trên gương mặt của con người, và cho con người được nên giống như Ngài. Mang nơi mình hình ảnh của Thiên Chúa, không có nghĩa là con người chỉ giống Thiên Chúa ở hình hài bên ngoài, nhưng còn giống Thiên Chúa ở khả năng yêu thương và có một trái tim biết yêu thương. Bài đọc I trích Sách Châm Ngôn cho thấy Thiên Chúa như người Cha hạnh phúc vui đùa với con cái, và Đức Khôn Ngoan giống như một đứa con của Thiên Chúa, giúp đỡ Thiên Chúa như một người con giúp đỡ cha mẹ, và còn tung tăng chạy nhảy trước mặt Thiên Chúa với con cái loài người (x. Cn 8,30-31).
Tiếp đến, nếu Chúa Cha được tôn vinh là Tình Yêu Sáng Tạo, thì Chúa Con được tôn vinh là tình Yêu Cứu Chuộc. Trong cuộc sống, có những cuộc tình không khỏi khiến cho người ta mủi lòng, đó là cuộc tình của những người dám liều sống liều chết để đến với nhau. Thế nhưng có một chuyện tình còn tuyệt vời hơn tất cả mọi chuyện tình được lưu truyền trong nhân gian, cuộc tình của một Thiên Chúa, của vị Vua Trời đã rời bỏ ngai vàng, sẵn sàng khước từ địa vị quyền thế, để theo đuổi một cuộc tình với con người, thì người ta lại ít nhắc đến. Đó chính là chuyện tình mang tên Giêsu. Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, xuống thế làm người chỉ vì yêu con người, yêu đến độ trút bỏ mọi vinh quang danh dự, mang lấy thân phận con người, sống giữa con người. Hơn nữa, để cứu con người khỏi cảnh chết chóc, Ngài đã chấp nhận chịu chết cho hết những người Ngài yêu thương được sống. Ngài đã sống lại lên trời để khai đường mở lối cho con người bước vào vinh quang mà Thiên Chúa Cha đã tặng ban.
Sau cùng, Chúa Thánh Thần được gọi là Tình Yêu Thánh Hóa, tình yêu luôn có sức mạnh biến đổi con người, là động lục giúp con người vượt qua thăng trầm và vui hưởng cuộc sống. Chúa Thánh Thần đã thực hiện tất cả những điều đó trong cuộc đời của từng người và của cả Giáo Hội, dẫn Giáo Hội đi trên con đường sư thật vì Ngài là Thần Chân Lý: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tời sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Chúng ta có thể thấy sự hoạt động liên lỉ của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, giúp Giáo Hội trở thành nhân chứng cho sự thật và bênh vực cho sự thật. Cũng vì dám nói lên sự thật và bênh vực sự thật mà Giáo Hội đã bị người đời và các thế lực sự dữ ghét bỏ và tìm cách chống phá Giáo Hội. Nhưng vì có Chúa Thánh Thần hằng hiện diện để bênh vực và gìn giữ, nên Giáo Hội vẫn đứng vững và hăng say thi hành sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao phó.
Bài đọc II trích thư Roma còn cho thấy Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban chúng ta. Thánh Thần Tình Yêu sẽ canh tân và ban cho chúng ta sức sống mới, giúp chúng ta thực thi những gì Đức Giêsu truyền dạy và hăng say loan báo tin mừng cứu độ cho muôn dân.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta được mời gọi tôn thờ Một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, Đấng đang hiện diện trong tâm hồn chúng ta, đồng thời nhận ra sự hoạt động của cả Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời và tuyên xưng mầu nhiệm cao trọng này trong đời sống thường ngày.
Tôn vinh Chúa Cha, chúng ta tạ ơn về hồng ân sự sống mà Chúa đã ban cho chúng ta. Chúa đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh của Ngài, cho chúng ta có cha mẹ, có anh chị em, có một mái ấm gia đình. Ngài còn ban cả vũ trụ này cùng muôn vật muôn loài cho chúng ta. Các bậc cha mẹ hãy tạ ơn Chúa vì vinh dự được chia sẻ chức vị làm cha của Chúa, được cộng tác với Ngài trong việc sinh sản và giáo dục con cái, được ban tặng một trái tim độ lượng để có thể yêu thương và chăm sóc con cái.
Tôn vinh Chúa Con, chúng ta tạ ơn về hồng ân cứu độ mà Con Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta qua cái chết của Ngài. Đức Giêsu đã yêu chúng ta đến nỗi trao ban cho chúng ta sư sống của Ngài, đã chỉ cho chúng ta con đường hạnh phúc, và vẫn tiếp tục hiện diện để nâng đỡ an ủi chúng ta trên hành trành trần thế. Ngài còn dạy chúng ta bài bài học yêu thương và phục vụ, để từ đây chúng ta noi gương Ngài phục vụ trong yêu thương, trong tha thứ để có thể đón nhận lẫn nhau như người anh em trong cùng một gia đình của Thiên Chúa.
Tôn vinh Chúa Thánh Thần là Tình Yêu là Thần Chân lý, xin Ngài dạy chúng ta biết sống tình yêu thương trong thế giới vẫn còn đầy hận thù chia rẽ, xin Ngài dẫn chúng ta trên con đường của sự thật, dám sống và bênh vực sự thật, sự thật về Thiên Chúa yêu thương nhân loại, sự thật về con người đã được Thiên Chúa tạo dựng, cứu độ và thánh hóa. Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa, xin Ngài biến đổi và thánh hóa chúng ta để chúng ta nên thánh mỗi ngày ngay trong gia đình, trong xóm ngõ và trong môi trường làm việc, để qua đời sống tốt lành, qua việc sống ngay thẳng và sống sự thật, chúng ta trở thành nhân chứng về Thiên Chúa Tình yêu, Ngài tốt lành và chân thật vô cùng.
Sau hết, hàng ngày khi làm dấu thánh giá, chúng ta tuyên xưng niềm tin của mình vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi đang hiện diện và làm chủ cuộc đời chúng ta. Xin Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn của tất cả chúng ta. Amen!