Tự do đích thật bởi đâu mà có?

Thứ bảy - 02/07/2022 04:24  490
Chúa Nhật XIV thường niên C
Is 66,10-13; Gl 6,14-18; Lc 10,1-12.17-20

rv17196 articoloAnh chị em thân mến,
Một trong những khát vọng lớn nhất của con người là tự do: tự do buôn bán làm ăn, tự do chọn lựa chỗ ở, tự do chọn trường học cho con, tự do đi lại, tự do ngôn luận, báo chí…. Giả như một người có cơm ăn áo mặc, có nhà cao cửa rộng, có đầy đủ tiện nghi, nhưng lại thiếu tự do, hỏi rằng người ấy có thực sự thoải mái? Tôi nghĩ là không, vì để thật sự thoải mái, con người không chỉ cần những nhu cầu vật chất mà còn cần đến các nhu cầu tinh thần mà tự do là một trong những nhu cầu tinh thần tối quan trọng ấy. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng vì tự do và độc lập có giá trị vô cùng lớn lao nên bao nhiêu người đã đấu tranh và thậm chí hy sinh cả mạng sống mình vì tự do. Là kitô hữu, chúng ta không chỉ khao khát tự do như bao nhiêu người khác mà còn khao khát tự do nội tâm, một sự tự do đích thật. Thế nào là tự do đích thật và ai sẽ đem lại cho chúng ta tự do ấy?

Tự do đích thật không chỉ là chuyện được buôn bán làm ăn, được chọn lựa chỗ ở và trường học, được dễ dàng đi lại, hoặc không bị cản trở ngôn luận báo chí mà còn là tự do sống theo lương tâm, tự do tuân phục thánh ý của Thiên Chúa, tự do nội tâm để có những quyết định sáng suốt. Một người được tự do buôn bán nhưng lệ thuộc vào nó đến quên đi những thứ khác sẽ trở thành nô lệ cho việc buôn bán. Một người vì nơi ăn chốn ở mà bất chấp tất cả sẽ trở thành nô lệ cho nơi ăn chốn ở. Một người đặt tiền của lên trên mọi quan hệ và giá trị thì trở thành người nô lệ cho tiền của. Một người say mê làm việc để kiếm tiền và hưởng lạc sẽ trở thành người nô lệ cho các đam mê. Một người bị tình cảm chi phối đến không còn đủ khả năng có những quyết định minh mẫn sẽ trở thành người nô lệ tình cảm…. Do đó, chỉ có những người biết sống theo lương tâm ngay thẳng, biết tìm kiếm và thực thi ý Chúa mới thực sự là người tự do vì lương tâm ngay thẳng và thánh ý Thiên Chúa bao giờ cũng đem lại sự thanh thản và bình an sâu thẳm cho con người.

Người Do Thái năm xưa đã có trải nghiệm này qua biến cố Thiên Chúa giải phóng ra khỏi Ai Cập. Việc Thiên Chúa giải phóng họ khỏi Ai Cập không chỉ cho họ sự tự do về mặt chính trị bên ngoài nhưng còn là một sự tự do nội tâm. Chính Thiên Chúa đã đưa họ ra khỏi những lầm lạc sai trái, đưa họ vào trong Giao Ước và chính nhờ Giao Ước mà họ được tự do làm dân riêng của Thiên Chúa, được hưởng tràn đầy phúc lành của Ngài. Vì thế mà khi bỏ Thiên Chúa và đường lối của Ngài, họ trở thành kẻ mất tự do. Họ mất tự do vì trở thành kẻ nô lệ cho người khác, mất tự do vì tâm hồn bị nô lệ cho tội và lầm lạc. Do đó, hơn bao giờ hết họ luôn khao khát được Thiên Chúa ra tay can thiệp để đưa họ trở về hưởng tự do đích thật. Tiên tri Isaia đã thổi bùng lên khao khát sự tự do đích thật này khi nói với họ rằng “Đức Chúa phán: này Ta tuôn đổ xuống thành đô ơn thái bình tứ dòng sông Cả, và Ta khiến của cải chư dân chảy về tràn lan như thác vỡ bờ.” Vậy với người Do Thái, Thiên Chúa mới là tác giả của tự do và hạnh phúc thật. Ngài chỉ đến khi con người thuộc về Thiên Chúa.

Đức Giêsu đã cho thấy rất rõ chân lý này qua đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Đoạn Tin Mừng kể rằng Ngài gọi 72 môn đệ đến và sai các ông từng hai người một đi trước vào trong các thành và các làng mạc mà Ngài sẽ đến. Chúa sai họ đi để họ dọn đường cho Chúa đến. Họ dọn đường bằng việc “cầu nguyện để chủ sai thợ đến gặt lúa về, trao ban bình an, chữa lành bệnh tật, trừ quỉ và loan báo triều đại Thiên Chúa đã đến gần”. Thật ra, công việc các môn đệ làm cũng là công việc của Chúa Giêsu. Đó là việc giải phóng nhân loại cách trọn vẹn: giải phóng con người khỏi nỗi đau thân xác “chữa lành bệnh tật”, giải phóng con người khỏi ác thần “trừ quỉ”, giải phóng con người khỏi tình trạng âu lo bất an “bình an cho nhà này”, giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết “triều đại Thiên Chúa đã đến gần”. Khi con người được giải phóng khỏi đau khổ thể xác, được ban bình an trong tâm hồn, được biết triều đại Thiên Chúa và đi vào triều đại ấy thì họ thực sự được tự do. Vì thế mà việc rao giảng, chữa lành, trao ban bình an, trừ quỉ, loan báo triều đại Thiên Chúa đến trở thành sứ mạng chính yếu của Chúa Giêsu và Giáo hội. Sứ mạng ấy luôn cấp bách vì lúc nào “lúa cũng chín đầy đồng và thợ gặt thì ít”.

Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang sống trong một thế giới khao khát tự do hơn bao giờ hết. Bề ngoài xem ra chúng ta tự do, nhưng thử hỏi chúng ta có thật sự tự do? Có thể chúng ta được tự do buôn bán làm ăn, tự do chọn lựa chỗ ở, chọn trường học cho con, tự do ngôn luận, tự do đi lại…, nhưng lại đang bị nô lệ cho một thói quen, cho một đam mê: đam mê của cải, đam mê tình cảm, đam mê cái tôi, hay một kết quả nào đó mà tôi phải đạt được bằng mọi giá…. Thật ra, khi chúng ta bị chi phối nặng nề bởi bất kỳ đối tượng nào đó thì cũng trở thành người mất tự do. Nói theo ngôn ngữ của Phật giáo, có thể chúng ta bị rơi vào tình trạng chấp của, chấp tình, chấp ngã, chấp kết quả hay chấp…. Nếu chúng ta còn bị nô lệ bởi một đối tượng nào đó, chúng ta phải để cho lương tâm lên tiếng, thánh ý Chúa đòi hỏi, tự do nội tâm hướng dẫn. Xin Chúa đến giải phóng chúng ta khỏi mọi lo âu, ràng buộc và sợ hãi, nhất là cho chúng ta có được tự do lương tâm, tự do làm con cái Chúa và sẵn sàng thực thi ý Chúa vì chỉ như thế chúng ta mới thực sự tự do. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập194
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm166
  • Hôm nay33,758
  • Tháng hiện tại868,759
  • Tổng lượt truy cập69,928,633
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây