Chúa Nhật XV Thường niên C
Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10, 25-37
Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thông luật. Câu hỏi được người thông luật đặt ra với Chúa Giêsu là: " Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Lc 10,25). Thế nhưng, ông hỏi Chúa, không phải vì ông muốn truy tìm sự thật hay chân lý cho bằng ông muốn thử Chúa, thậm chí là muốn bắt bẻ Chúa và làm cho Chúa phải mất mặt với dân chúng.
Chúa thấu hiểu tâm ý của ông ta và Ngài đã trả lời bằng cách đặt lại câu hỏi cho ông ta: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” (Lc 10,26-27). Câu hỏi của Chúa, chắc chắn không quá khó với một người như ông. Vì là nhà thông luật dĩ nhiên ông ta biết đâu là điều luật quan trọng nhất. Cho nên, một cách rất nhanh nhẹn, ông đã trả lời cách xác tín điều luật mà Thiên Chúa đã truyền dạy trong Cựu ước, đó là: Phải yêu mến Đức Chúa, là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu mến người thân cận như chính mình (Lc 10,27). Với câu trả lời của người thông luật, Chúa Giêsu đã khen: “Ông trả lời đúng lắm”, và Ngài còn đưa ra một lời mời gọi hay đúng hơn là một mệnh lệnh dành cho ông “ Cứ làm như vậy là sẽ được sống” ( Lc 10,28). Tuy nhiên, người thông luật muốn chứng tỏ mình là người có lý nên đã hỏi thêm Chúa Giêsu: “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” (Lc 10,29).
Để trả lời cho câu hỏi của ông, Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp mà Ngài kể cho ông nghe câu chuyện về " người Samari nhân hậu”. Dưới con mắt của người Do Thái thì dân Samari thật đáng khinh miệt. Họ bị xem là người lai căng vì đã kết hôn với ngoại kiều, làm vẩn đục dòng máu tinh tuyền của tổ tiên Do Thái. Họ bị khinh miệt vì đã tôn thờ các tà thần ngoại lai. Thế nhưng, hình ảnh của người Samari trong Tin Mừng hôm nay lại đẹp tuyệt vời.
Tình huống câu chuyện mà Chúa đưa ra thật hấp dẫn: “Có một người kia đi từ Giêrusalem đến Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” (Lc 10,30-31). Giữa đoạn đường hoang vắng thế này? Liệu rằng có ai bắt gặp và nhìn thấy người bị nạn để giúp đỡ anh ta hay không? Nhưng rồi, một tia hy vọng đã loé lên khi có một vài người khách bộ hành cũng đang di chuyển trên quãng đường ấy. Người đầu tiên đi qua là một thầy tư tế, nhưng vị tư tế cố tình rảo bước cho nhanh, lánh qua một bên rồi đi thẳng, để mặc anh nằm thoi thóp giữa đường. Một lát sau, có một thầy Lê-vi cũng đi qua, ông chỉ đảo mắt nhìn nạn nhân rên siết, rồi cũng vội vàng tránh qua một bên.
Thầy tư tế và thầy Lê-vi là những người có chức vị trong Do Thái giáo thời bấy giờ. Họ là những người “cầm cân nẩy mực” để đánh giá và duy trì những chuẩn mực luân lý và mức độ đạo đức của người dân. Vậy mà, khi thấy người bị nạn, hai người này đã dửng dưng bỏ đi. Họ được giáo dục về lòng yêu mến tha nhân, nhưng lòng yêu mến đó chỉ dừng lại ở sách vở và lý thuyết, còn những con người đau khổ cụ thể thì họ lại bỏ qua. Họ đã không thực thi bác ái đối với nạn nhân xấu số kia. Họ không giúp nạn nhân có lẽ một phần vì sợ liên lụy và một phần họ mang trong mình óc vị luật, bởi theo quan niệm của người Do thái, người bị nạn như vậy là người xấu nên không được đụng chạm đến kẻo cũng bị xấu lây. Trong khi đó, người Samari, một người “dân ngoại” và vô danh, lại mang một trái tim nhân hậu. Khi vừa nhìn thấy nạn nhân, người Samari đã “động lòng thương” (Lc 10,33).
Một thái độ trắc ẩn thực sự với anh em đồng loại của mình. Không chỉ có thế, những chi tiết được kể ngay sau đó cho ta thấy người Samari này còn là một người chu đáo tận tâm : “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,34). Ông chấp nhận những hệ luỵ và mọi tốn kém để cứu giúp người bị nạn, ông không tính toán, so đo mặc cả người mình đang giúp là ai: Thù hay bạn, đồng hương hay xa lạ, nhưng chỉ miễn sao giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Không những vậy, ông còn chu đáo dặn người chủ quán: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Lc 10,35). Anh đã coi người bị nạn như người thân cận của mình, và hơn nữa, như chính bản thân mình vậy.
Sau khi kể xong câu chuyện, Chúa Giêsu lại bất ngờ đặt cho người thông luật thêm một câu hỏi: “Vậy theo ông nghĩ: trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” (Lc 10,36). Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hay làm như vậy” (Lc 10,37). Như thế, Chúa Giêsu muốn mở rộng cái nhìn, cái quan niệm hạn hẹp cho người thông luật, để ông nhìn nhận rằng: người thân cận của ta không phải chỉ là những người cùng màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, hoặc đất nước hay tôn giáo, như xưa nay ông ta đã từng nghĩ, mà là tất cả mọi người; bởi lẽ, tất cả mọi người đều được Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa và đều được Chúa yêu thương cứu độ.
Như trong kinh mười điều răn, câu kết chúng ta vẫn thường đọc: “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy”. Chúng ta cần phải sống hai điều này chứ không phải chỉ tin như thế là đủ. Vì cốt lõi của Kitô giáo dạy chúng ta là yêu mến Thiên Chúa và từ đó hướng tới tha nhân, hướng tới xây dựng một xã hội bình đẳng, công bình và bác ái. Do vậy, việc đến nhà thờ là để giúp chúng ta sống tốt hơn trong gia đình, nơi công sở, trong công việc chúng ta. Việc đọc kinh, dâng lễ không phải là để ẩn náu, trốn đời một cách ích kỷ, nhưng là để tìm kiếm sự bình an cho tâm hồn mình, từ đó chúng ta mang bình an về trong gia đình và lan tỏa bình an đó ngoài xã hội.
“Hãy đi và làm như vậy!” (Lc 10,37). Lời Chúa nói với người thông luật năm xưa và hôm nay Ngài cũng đang nói với mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy yêu thương mọi người không phải trên môi miệng, nhưng qua những việc làm cụ thể. Hãy nhìn mọi người chung quanh như người thân của chúng ta và biến chúng ta thành người thân của họ. Amen.