Chúa Nhật XVIII Thường Niên C
Gv 1,2 ; 2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21
Nhiều người thường quan niệm: "Có tiền mua tiên cũng được". Do đó, họ ra sức kiếm tiền, càng nhiều càng tốt. Có những người chăm chỉ làm việc, dựa vào mồ hôi công sức của mình để làm giàu, nhưng có những người làm giàu qua việc làm ăn phi pháp, kiếm tiền một cách bất chính. Bên cạnh đó, khi sống trong một xã hội thực dụng, người ta đánh giá nhau và đánh giá mọi việc dựa trên tiêu chuẩn vật chất, địa vị và những vẻ sang trọng bên ngoài; cho nên, nhiều người đã bị cám dỗ chạy theo vật chất, dùng vật chất làm thang giá trị cho chính bản thân mình mà quên rằng vật chất, của cải không thể là vĩnh cửu, cũng không thể là bảo đảm cho hạnh phúc đích thực được. Vậy chúng ta cần có thái độ nào đối với của cải, vật chất? Chúng ta cần phải sử dụng tiền bạc ra sao? Câu trả lời chúng ta sẽ tìm thấy trong phụng vụ lời Chúa Chúa Nhật XVIII Thường Niên hôm nay.
Ngay trong bài đọc một, sách Giảng Viên đã nói lên sự giới hạn, chóng qua của vật chất và thế gian, bằng một nhận định hết sức sâu sắc: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2). Nhận định ấy, cho ta thấy cuộc sống của con người và của cải vật chất đều chóng qua như một đám mây trôi. Cuộc sống con người chỉ như làn gió thoảng, cuộc đời thấm thoắt thoi đưa, như bóng câu qua cửa; một trăm năm trước chưa ai trong chúng ta có mặt trên trần gian này và một trăm năm sau cũng chẳng ai còn tồn tại và không ai biết chúng ta đã từng có mặt trên trần gian này. Cuộc sống, sức lực, thời giờ của con người đều có hạn khi đối diện với cái chết, dù “có đem hết khôn ngoan hiểu biết mà làm việc, vất vả mới thành công, nhưng rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho người không vất vả” hưởng dùng. Giống như vậy, có những bậc cha mẹ một đời vất vả, chỉ lo kiếm tiền cho con cái, con cái không phải vất vả nhưng được hưởng dùng và chẳng hề biết ơn hay nhớ gì đến cha mẹ. Hoặc có những người vất vả đau khổ cả cuộc đời để tìm kiếm của cải vật chất, cuối cùng khi chết đi người đó còn lại được gì? Từ cái nhìn này, sách Giảng Viên muốn hướng chúng ta đến việc cần chọn lựa cho mình một cách sống khôn ngoan hơn, đừng chỉ tìm kiếm của cải ở đời này mà quên tìm ý nghĩa cuộc sống, và nhất là luôn ưu tiên tìm kiếm hạnh phúc đời đời cho mình.
Cần có một thái độ đúng đắn, không lệ thuộc vào của cải vật chất, đó cũng là lời nhắc nhở của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta qua bài Tin Mừng. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca thuật lại câu chuyện có một người đến xin Chúa Giêsu phân xử cho anh vấn đề tranh chấp tài sản thừa kế. Anh ta thưa với Chúa: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12,13). Chúa Giêsu đã không giải quyết vấn đề tranh chấp này của anh, nhưng nhân cơ hội ấy, Ngài cảnh báo cho mọi người: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15).
Thật vậy, khi tham lam, con người ta dễ đánh mất lương tri; đồng tiền sẽ làm mờ đôi mắt và che khuất lương tâm; giàu rồi thì muốn giàu thêm, lòng tham của con người vô đáy, để rồi dẫn đến con người loại trừ nhau. Thực tế, cho ta thấy chuyện anh em và thậm chí cha mẹ, con cái kiện cáo nhau, đôi khi còn giết nhau là điều không hiếm gặp trong cuộc sống. Những chuyện đó xảy ra, đôi khi cũng chỉ vì tranh chấp một miếng đất, một thửa vườn, hay vài gian nhà, hoặc chút của hồi môn, hoặc có thể vì cha mẹ phân chia không công bằng. Những sự kiện đó cho thấy tiền bạc của cải nó có thể làm đổ vỡ tình nghĩa gia đình, anh em. Những của cải, đồng tiền đó sẽ là tai hoạ chứ không đem lại điều tốt đẹp.
Hơn thế nữa, để cho thấy sự nguy hiểm của lòng tham lam của cải, Chúa Giêsu đã kể cho mọi người nghe dụ ngôn nhà phú hộ. Một người phú hộ có nhiều ruộng nương sinh nhiều hoa lợi. Ông ta nghĩ bụng rằng: Mình sẽ phá các kho cũ, xây những kho mới lớn hơn để tích trữ tất cả hoa màu vào đó. Lúc đó ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình có nhiều của cải dư thừa cho nhiều năm, thôi cứ nghỉ ngơi ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? (Lc 12,16-20). Người phú hộ đáng trách không phải vì ông giàu, mà vì ông sống ích kỷ, khép kín và không quan tâm đến người khác. Ông nghĩ rằng tiền bạc sẽ đem lại cho ông tất cả, và nhất là cho ông được hạnh phúc. Nhưng thực tế không phải như vậy. Trong khi ông tự cho mình là giàu có và những người khác trầm trồ khen ngợi ông là khôn ngoan, thì Thiên Chúa lại bảo ông ta là “đồ ngốc”. Ông mải mê tính toán và quá tự tin vào kho tàng của mình, nhưng điều quan trọng là sự sống con người thì ông lại chẳng giữ được.
Chúa Giêsu đã kết thúc câu chuyện bằng lời cảnh báo: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21). Với lời kết luận này, Chúa Giêsu không chê trách việc làm giàu cho cuộc sống tự nhiên, nhưng Ngài nhắn bảo ta đừng vì lo làm giàu của cải vật chất mà bỏ qua việc làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là làm trổ sinh hoa trái công phúc trong đời sống thường ngày. Công phúc đó chính là hoa trái từ lòng mến Chúa và những điều tốt đẹp ta làm cho anh chị em. Trước mặt Thiên Chúa, người giàu có không phải là người có nhiều của cải tiền bạc đất đai, mà là người có trái tim nhân hậu và rộng mở, biết cho đi hơn là tích góp, biết cảm thông chia sẻ hơn là khép kín tâm hồn.
Cái chết sẽ là dấu chấm hết cho mọi cuộc sống giàu nghèo, sang hèn. Quan trọng là khi nhắm mắt, số phận đời đời của chúng ta sẽ ra sao ? Của cải trần gian có giúp ta tìm được hạnh phúc bất diệt hay đưa ta vào chỗ trầm luân? Người khôn ngoan chính là người sống trong hiện tại nhưng biết hướng về tương lai, ở trong thế giới hữu hình nhưng luôn chuẩn bị cho mình những giá trị và tài sản vô hình thiêng liêng. Chúng ta đang sống như những người khôn ngoan hay như những “kẻ ngốc” Chúa đã cảnh báo, câu hỏi xin được dành cho mỗi người để tự vấn chính mình.