Cầu nguyện, hơi thở của đời sống tâm linh

Thứ bảy - 23/07/2022 04:32  1378
Chúa Nhật XVII Thường Niên C
(St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13)

christ prays at night headerCầu nguyện là một thực hành không thể thiếu đối với đời sống của các tôn giáo. Cách riêng, đối với người Công giáo, cầu nguyện được ví như hơi thở của linh hồn, nhưng một câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải mang tâm tình gì khi cầu nguyện? Chúng ta phải cầu nguyện như thế nào cho phù hợp với ý muốn của Chúa? Câu trả lời chúng ta sẽ tìm thấy qua phụng vụ lời Chúa Chúa Nhật XVII thường niên hôm nay.

Cầu nguyện là nói chuyện với Chúa một cách thân tình như con cái nói chuyện với cha mẹ, như bạn bè nói chuyện với nhau. Cầu nguyện là bày tỏ với Chúa những suy nghĩ, những ước muốn của mình. Câu chuyện của ông Apbraham trong bài đọc một là một minh họa cho tâm tình cầu nguyện thân mật như thế. Tác giả sách Sáng thế đã diễn tả cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với ông Abraham như một cuộc “mặc cả” giữa hai người mua bán. Khi tội lỗi của dân thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra đã lan tràn, Thiên Chúa muốn hủy diệt cả dân đó. Trước khi thực hiện việc này, Chúa đã kể cho Apbraham nghe về ý định của mình, như hai người bạn kể chuyện cho nhau. Apbraham đã lên tiếng cầu xin Chúa tha cho dân thành Xơ-đôm. Apbraham đã mặc cả với Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao?” (St 18,23-24). Chúa trả lời: “Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó” (St 18,26).

 Tuy nhiên, ông Abraham đã tiếp tục “năn nỉ” với Chúa và dần dần từng bước hạ thấp điều kiện. Từ con số 50 người công chính là điều kiện để Chúa không trừng phạt cho thành Xơ-đôm, Thiên Chúa đã nhận lời giảm xuống còn 10 người. Và nếu đọc tiếp sách Sáng thế, chúng ta sẽ thấy con số 10 người công chính trong thành Xơ-đôm cũng không thể tìm thấy. Vì vậy, thành này đã bị tiêu diệt. Như thế, với lời khẩn cầu của Abraham, Thiên Chúa như người cha chiều chuộng con mình, không nỡ từ chối lời đề nghị của con cái. Đây cũng chính là thái độ mà Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng muốn các môn đệ của Ngài, cũng như mỗi người chúng ta cần có khi cầu nguyện. Chúng ta hãy đến với Thiên Chúa trong thái độ của con cái đến với cha mẹ và cầu xin với thái độ tin tưởng, phó thác hoàn toàn nơi Chúa.

Theo như Tin Mừng kể lại thì chính các môn đệ đã chủ động đến xin Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11,1). Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng một lời kinh tuyệt vời, mà chúng ta quen gọi là Kinh Lạy Cha. Lời kinh này được mở đầu bằng câu: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. “Lạy Cha” là cách xưng hô mà Chúa Giêsu vẫn hay dùng để thân thưa với Chúa Cha trong những giờ cầu nguyện, nay Ngài lại dạy cho các môn đệ. Lời đó không chỉ mạc khải mối liên hệ chiều sâu giữa Chúa Giêsu với Chúa Cha, mà còn diễn tả đời sống thân mật giữa các môn đệ, giữa người Kitô hữu với Thiên Chúa, như Chúa Con liên kết với Chúa Cha. Từ đây, lời mở đầu thân thương này luôn vang vọng mãi nơi môi miệng của người Kitô hữu, gắn kết họ với Thiên Chúa, giúp họ khám phá ra mối quan hệ Cha con không gì có thể thay đổi trong cuộc sống của mình.

Bên cạnh đó, qua lời Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu còn dạy cho chúng ta biết phải xin những gì, và biết đặt thứ tự ưu tiên trong việc cầu xin. Nếu như cầu nguyện là hướng tâm hồn lên tới Chúa, thì lời Kinh Lạy Cha dạy cho chúng ta biết hướng tất cả cuộc đời và niềm khao khát của chúng ta về Chúa, để xin cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, và ý Cha được thể hiện”, tức là cầu xin cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa; vương quyền của Thiên Chúa được lan tỏa khắp nơi và để cho chương trình ý định của Thiên Chúa được mau chóng thực hiện. Kế đến, là những lời cầu xin cho những nhu cầu của cuộc sống như cơm bánh hằng ngày, cầu xin cho mình biết xây dựng các mối tương quan bằng việc biết sống quảng đại tha thứ, và xin Chúa gìn giữ ta khỏi những gian lao, thử thách do ma quỷ gây ra.

Hơn thế nữa, Chúa còn dạy chúng ta cần phải kiên trì trong cầu nguyện qua hai hình ảnh người bạn và người cha. Người bạn cho vay bánh vì bất đắc dĩ và không muốn bị quấy rầy. Người cha cho con những điều tốt đẹp xuất phát từ tình thương. Từ hai hình ảnh đó, Chúa Giêsu đã kết luận: Nếu con người với nhau mà còn đối xử như thế, huống chi Cha trên trời lại không đối xử tốt hơn sao? “Hãy xin thì sẽ được; hãy tìm thì sẽ thấy; hãy gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Lời khẳng định này của Đức Giêsu đem lại cho chúng ta niềm vững tin và hy vọng nơi Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại.

Như hơi thở cần cho sự sống thể lý thế nào, thì cầu nguyện cũng cần thiết như vậy cho đời sống tâm linh của chúng ta. Không thể có một đời sống đạo tốt mà lại không cầu nguyện, đời sống đạo không cầu nguyện, là một đời sống khô cằn, là một tâm hồn đã chết, và người tín hữu mà không cầu nguyện thì không còn là người tín hữu thực sự nữa. Vì thế, dẫu cuộc sống còn bao lắng lo, vất vả, gian khó, chúng ta hãy dành thời gian để ở bên Chúa, qua những phút cầu nguyện riêng tư, qua những giờ chầu Thánh Thể, qua những lần tham dự Thánh lễ. Chúng ta hãy cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc, khi vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như khi thất bại. Chúa là người Cha nhân hậu, Ngài sẽ không bao giờ làm ngơ trước lời kêu xin của ta, như lời Chúa Giêsu đã mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Đến với Ngài, có thể Ngài không ban trực tiếp cho chúng ta những điều ta muốn, nhưng chắc chắn Ngài biết chúng ta cần gì, những gì tốt nhất cho phần rỗi của ta và Ngài sẽ ra tay ban ơn, vì Chúa là nguồn mạch của mọi ân phúc. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập206
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm172
  • Hôm nay47,890
  • Tháng hiện tại908,251
  • Tổng lượt truy cập78,911,702
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây