Chúa Nhật XVII Thường Niên C
St 18,20-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13
Trong xã hội hôm nay, nhu cầu của con người ngày càng cao. Chính vì thế, có biết bao nhiêu nhà cung ứng sẵn sàng chăm sóc các “thượng đế” ở bất cứ lãnh vực nào với bất cứ yêu cầu nào. Điều đó ảnh hưởng tới cả đời sống đức tin qua việc người ta đến với Chúa như một nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa. Khi cần, họ gọi điện đặt hàng và muốn Thiên Chúa phải đáp ứng ngay. Do đó, nhiều người tín hữu theo đạo nhưng không cầu nguyện hoặc không kiên nhẫn khi cầu xin cùng Thiên Chúa, họ chỉ đến với Thiên Chúa giống như một khách hàng khi có nhu cầu, chứ không có tâm tình của một người con đến với Cha, một thụ tạo đến với Thiên Chúa của mình. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta siêng năng cầu nguyện, cách thức và thái độ phải có khi cầu nguyện.
Bài đọc I cho thấy Apbraham đã cầu xin với Chúa như nói chuyện, trao đổi với một người bạn và Chúa cũng coi ông như một người bạn thân. Khi tội lỗi của dân thành Sô-đô-ma và Gô-mô-ra đã lan tràn, Thiên Chúa muốn hủy diệt cả thành đó. Trước khi thực hiện việc này, Chúa đã kể cho Apbraham nghe về ý định của mình. Lợi dụng tình bạn này, Apbraham đã lên tiếng cầu xin sự tha thứ cho dân thành Sô-đô-ma. Apbraham như mặc cả với Chúa: Chẳng lẽ Chúa muốn tiêu diệt kẻ lành chung với kẻ dữ sao? Cầu xin lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba… đến mãi lần thứ sáu, Chúa đều trả lời: Vì số công chính đó, Ta không phá hủy thành. Câu chuyện cho thấy giữa Thiên Chúa và Apbraham vừa có sự thân tình, vừa có sự kính sợ. Vì thân tình, ông năn nỉ như trả giá với Chúa. Vì kính sợ, ông xin Chúa đừng nổi giận với ông. Về phía Thiên Chúa, Ngài coi Apbraham như một người con nhõng nhẽo và như một người bạn để tâm sự trò chuyện. Hơn nữa, Apbraham đã không xin điều gì cho mình, nhưng ông cầu xin điều có ích cho người khác.
Cầu xin Thiên Chúa với thái độ con cái đến với cha mẹ là điều Thiên Chúa mong đợi. Thiên Chúa không muốn biến mình thành một vị thần oai phong hung dữ, nhưng luôn muốn cho con người thấy Ngài là người Cha nhân hậu, hết lòng thương yêu con người. Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu đã sống tâm tình con thảo với Thiên Chúa Cha, gặp gỡ Chúa Cha mỗi ngày trong cầu nguyện. Ngài khởi đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện và kết thúc một ngày cũng bằng việc cầu nguyện.
Từ kinh nghiệm bản thân, khi các tông đồ đề nghị: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy các ông kinh Lạy Cha. Trong lời kinh này, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta đi vào tương quan đặc biệt với Thiên Chúa, tương quan Cha-Con. Chúa Giêsu dạy các môn đệ xưng hô với Thiên Chúa một cách thân tình như chính Ngài đã sống thân tình với Thiên Chúa: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Với lời thân thưa này, chúng ta được bước vào cung lòng của Thiên Chúa như người con gieo mình vào lòng cha mẹ để thủ thỉ, thân thưa. Lời thưa này còn nâng chúng ta lên một phẩm giá cao trọng, một tư cách đặc biệt vượt trên tất cả mọi vật mọi loài, đó là được trở nên con Thiên Chúa, gọi Chúa là “Cha ơi, Bố ơi!”. Và dĩ nhiên, giống như không một cha mẹ trần gian nào có thể từ chối những lời kêu xin của con cái, Thiên Chúa không những không thể từ chối lời cầu xin của những đứa con nhỏ bé, mà còn làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con của Ngài.
Kế đến, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết phải đặt thứ tự ưu tiên trong việc cầu xin. Ý xin trước hết phải là xin cho Danh Cha được rạng sáng, Nước Cha hiển trị, Ý Cha được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Trước hết, chúng ta xin cho Danh Cha được rạng sáng, tức là xin cho mọi người, mọi dân tộc được biết Thiên Chúa là Cha, được đón nhận tình yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa. Cũng vậy, lời cầu xin cho Nước Chúa hiển trị, Ý Chúa được thực hiện có nghĩa là tình yêu của Chúa sẽ phủ kín vũ trụ này, ma quỷ và sự dữ, kẻ gây ra đau khổ, chết chóc, sẽ không còn làm gì được con người và vũ trụ nữa.
Tiếp đến là những lời cầu xin cho các nhu cầu chung và riêng, của linh hồn và thể xác mỗi người và cộng đoàn. Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày, xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Ở bốn lời cầu xin này, trước hết là xin cơm bánh no đủ hàng ngày. Với nhu cầu hàng ngày này, Chúa Giêsu không dạy chúng ta xin nhiều đến dư thừa để thỏa mãn sự tham lam, nhưng chỉ xin để chúng ta biết sử dụng vừa đủ cho mình và cho anh chị em. Xin no đủ hằng ngày giúp cho mỗi người có thể sống thanh thoát với vật chất, sống phù hợp với phẩm giá con người và còn biết sống sẻ chia khi gặp những anh chị em thiếu thốn.
Kế đến là xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta như chúng ta cũng tha kẻ có lỗi với chúng ta. Lời cầu xin này thể hiện thái độ khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của thân phận con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa và làm tổn thương lẫn nhau. Hơn thế nữa, lời cầu xin tha thứ này còn là quyết tâm của mỗi người sẽ tha thứ khi bị anh em xúc phạm và lấy sự tha thứ ấy là vạch mực là điều kiện để cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa. Như thế, lời cầu xin này giúp chúng ta ý thức, chúng ta sẽ chỉ nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa khi chúng ta biết tha thứ cho nhau. Chúng ta được Thiên Chúa tha thứ nhiều hay ít tùy thuộc việc chúng ta đã tha thứ cho anh chị em thế nào.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc làu làu kinh lạy Cha, nhưng cầu nguyện theo tâm tình của Kinh Lạy Cha, lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu dạy, thì không phải ai cũng có được. Có những người sống thái độ cao ngạo, coi mình có thể làm được mọi sự mà không cần đến Thiên Chúa. Nhiều người tin Chúa, nhưng lại không có tâm tình của người con thảo như Thiên Chúa mong đợi, cũng không có thái độ khiêm tốn cầu xin và không đủ kiên nhẫn để tin tưởng, phó thác cho Chúa các khó khăn và cuộc sống của mình.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết rằng chúng ta có một người cha rất tuyệt vời là chính Thiên Chúa. Ngài là một người cha đầy quyền năng nhưng hết lòng yêu thương con cái. Chúng ta được mời gọi sống tâm tình con thảo với Chúa như con với cha và thân tình như bạn hữu với nhau, để trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài không bao giờ có thể từ chối lời cầu xin của ta. Xin cho chúng ta luôn sống xứng đáng là con của Chúa và luôn tự hào thể hiện mình là những người con thảo hiếu với Thiên Chúa là Cha. Amen.