Kinh nguyện của Chúa Giêsu

Thứ bảy - 23/07/2022 04:41  756
Chúa Nhật XVII Thường Niên C
(St 18,20-32; Cl 2,12-l4; Lc 11,1- l3)

 
gettyimages 182463051 612x612Cầu nguyện với Thiên Chúa là hơi thở của đời sống đức tin người Kitô hữu. Tâm tình đó được khởi đi từ chính mẫu gương của Đức Giêsu khi Ngài thường cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Trong bài Tin mừng Chúa Nhật XVII thường niên năm C hôm nay, khi một người trong số các môn đệ lên tiếng xin Đức Giêsu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông”. Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Trước hết, qua kinh nguyện này Đức Giêsu đã giúp cho các môn đệ đi vào mối liên hệ thân tình Cha - con với Thiên Chúa Cha khi thưa: “Lạy Cha”. Chính Đức Giêsu đã thường xuyên thưa lên với Cha Ngài, Ngài cũng muốn cho các môn đệ có được tâm tình ấy như chính Ngài với Thiên Chúa. Sau khi đã đi vào mối tương quan Cha - con với Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn dẫn các môn đệ đến thái độ tôn vinh Thiên Chúa: “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” và “triều đại Cha mau đến”. Thật ra, Danh Thiên Chúa mãi mãi rạng ngời và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận. Vì thế, không cần đến lời tôn vinh của chúng ta nhưng khi chúng ta tôn vinh Thiên Chúa như thế, một lần nữa nói lên sự kết hiệp sâu xa giữa chúng ta với Thiên Chúa và từ đó nảy sinh ơn cứu chuộc nhờ được thánh hóa trong Danh Cha.

Tiếp theo, Đức Giêsu hướng các môn đệ đến những nhu cầu của chính mình. “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”. Đây là nhu cầu thiết thực, gắn liền với đời sống thường nhật của con người. Lời nguyện này muốn bày tỏ tâm tình phó thác nơi Thiên Chúa là Đấng an bài và quan phòng cho chúng ta là con của Người. Kế đến là lời nguyện xin tha thứ: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Lời nguyện này nhắc cho người môn đệ biết rằng mang trong mình thân phận yếu đuối của kiếp người, nên không ai là người không có những sai phạm với Chúa và với nhau. Chúng ta cầu xin và chỉ được Thiên Chúa thương xót thứ tha khi chính ta cũng phải rộng lòng xót thương và tha thứ cho anh chị em đã xúc phạm đến mình. Và biết con người thường hướng chiều về tội lỗi hơn là điều thiện nên trước dịp tội và cám dỗ: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. Chúa Giêsu muốn người môn đệ cần phải ý thức sự giới hạn của bản thân, cần cậy dựa vào ơn Chúa trợ giúp thì mới có thể chiến đấu và chiến thắng được.

Sau hết, khi dạy các môn đệ xong, Đức Giêsu đảm bảo cho những lời nguyện xin ấy nếu phát xuất từ sự chân thành, tin tưởng, phó thác thì chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời, vì: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho”. Tiếp đến, trong khi cầu nguyện cần phải kiên trì. Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn:“Người bạn bị quấy rầy” và đưa ra hình ảnh trai lì của người làm phiền trong đêm. Ông chủ khó tính cỡ nào cũng phải mềm lòng và thi ân cho người bạn rắc rối này. Thế nên, nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được Chúa nhậm lời.

Thánh Augustinô khi nói về đời sống cầu nguyện: “Phải kiên trì khi cầu xin là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Chúa sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy lòng nhân ái”.

Trong đời sống đạo của chúng ta ngày nay, nhiều người đã bỏ cầu nguyện, hay cầu nguyện chỉ là hình thức mà thiếu đi tâm tình bên trong. Hay nhiều khi chúng ta lại quá tập trung vào nhu cầu của bản thân, mong sao Chúa phải là người đáp ứng theo lời nguyện xin càng nhanh càng tốt. Chúng ta biến Thiên Chúa trở thành đối tượng chỉ để phục vụ cho nhu cầu của mình, mà không hề nghĩ đến chuyện kết hợp nên một với Chúa để trở nên giống Người. Do vậy, chúng ta cần ý thức lại việc cầu nguyện của mình để làm đẹp lòng Chúa. Khi cầu nguyện, không có nghĩa chỉ nghĩ là xin ơn, những ước muốn, những kỳ vọng, những điều mà mình muốn xin. Nhưng cầu nguyện trước hết là tâm tình tôn thờ, thống hối, tạ ơn rồi mới đến xin ơn.

Xin cho mỗi người chúng ta biết sống tâm tình cầu nguyện mỗi ngày để chúng ta có thể liên kết nên một với Đức Giêsu và với nhau cùng dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin trong tâm tình Cha - con. Cũng chính trong mối liên hệ thân thương này mà Thiên Chúa không ngừng thi ân giáng phúc cho những ai thành tâm, tin tưởng, phó thác và chạy đến với Người khi cầu nguyện sốt sắng với Kinh Lạy Cha. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập277
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm205
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,017,487
  • Tổng lượt truy cập79,020,938
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây