Tỉnh thức và sẵn sàng

Thứ bảy - 06/08/2022 06:28  833
Chúa Nhật XIX Thường Niên C
(Kn 18, 6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48)

b19f1c0f3e3874b361806473b220f1a4Nếu như Chúa Nhật tuần trước, Tin Mừng với dụ ngôn người phú hộ giàu có nhưng “khờ dại”, Chúa đã cảnh báo chúng ta phải tránh xa mọi thứ tham lam của cải và biết sử dụng tiền bạc của cải để mua lấy Nước Trời. Thì Chúa Nhật XIX Thường Niên này, Tin Mừng dạy chúng ta cần có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng để chờ đợi Chúa đến. Sẵn sàng như người đầy tớ đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa thì mở ngay cho chủ. Sẵn sàng như chủ nhà canh chừng trộm cướp, không để kẻ trộm vào nhà mình. Sẵn sàng như người quản lý khôn ngoan biết làm theo ý chủ. Bài Tin Mừng với ba dụ ngôn tuy riêng rẽ, nhưng cùng làm nổi bật lên một chủ đề duy nhất đó là: "Tỉnh thức và sẵn sàng". Giờ đây, chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu bài Tin Mừng để thấy rõ hơn điều đó.

Đức Giêsu đã tự ví mình như một ông chủ đi ăn cưới, không biết sẽ về vào giờ nào. Vì thế, người đầy tớ cần tỉnh thức để chờ đợi: phải “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” (Lc 12,35), nghĩa là luôn trong tư thế sẵn sàng để mở cửa cho chủ vào và “khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ” (Lc 12,37). Chẳng những hạnh phúc cho người đầy tớ mà còn cho cả ông chủ. Ông vui sướng khi thấy đầy tớ còn chờ mình. Không những vậy, một điều sau đó sẽ khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ vì hành động của ông chủ. Từ địa vị ông chủ, ông đã hạ mình làm người tôi tớ. Ông thắt lưng, mời các đầy tớ vào bàn ăn và phục vụ. Thật ra, ông chủ Giêsu không cố ý về vào lúc đầy tớ đang ngủ hay về bất ngờ để bắt quả tang ai, nhưng Ngài muốn thấy tình yêu của người đầy tớ dành cho mình. Bởi thế, Đức Giêsu mời gọi con người kiên trì chờ đợi. Chờ đợi là một thách đố của tình yêu. Người biết chờ cũng là người biết yêu.

Chúa Giêsu còn ví ngày Ngài đến với mỗi người trong giờ chết thật bất ngờ như kẻ trộm, sẽ không báo trước. Cho nên, chúng ta cần canh chừng đề phòng. Bên cạnh đó, Đức Giêsu còn tự ví mình như một ông chủ vắng nhà. Ông chủ này không độc đoán, nắm hết mọi quyền hành. Ông tin vào người đầy tớ và giao trách nhiệm cho họ. Người quản gia được cử làm đại diện cho ông để cắt đặt công việc và phân phát lương thực cho đầy tớ. Dụ ngôn này nhắm vào những người có trách nhiệm trong cộng đoàn: Các tông đồ, các vị lãnh đạo. Nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng: mỗi người chúng ta đều là người quản lý, có trách nhiệm với tha nhân.

Thật vậy, các thủ lãnh của cộng đoàn được mời gọi suy nghĩ về cách mình đang thực thi trách nhiệm. Bởi mọi quyền bính trong Hội Thánh đều bắt nguồn từ Ðức Kitô, và phải được sử dụng như phương tiện để phục vụ dân Chúa, nhưng quyền bính luôn có nguy cơ bị lạm dụng để phục vụ cho bản thân. Vì thế, Đức Giêsu đòi các vị mục tử phải “trung tín và khôn ngoan” (Lc 12,42) trong khi thi hành bổn phận, không chỉ tránh việc đánh đập “tôi trai tớ gái và chè chén say sưa” (Lc 12,45), mà còn phải tạo nên sự bình an và hiệp nhất yêu thương trong cộng đoàn dân thánh Chúa. Vì các ngài đã “được giao phó nhiều nên sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48).

Ngoài ra, hình ảnh người đầy tớ chuyên cần tỉnh thức và trung tín với bổn phận được trao, là mẫu mực cho các tín hữu. Đó cũng là một mẫu mực về đời sống Đức tin và lòng trung thành. Sống trên đời, chúng ta cũng giống như những người quản lý. Chúa trao cho chúng ta thời giờ, con cái, sức khỏe, kiến thức, nghề nghiệp và biết bao điều kiện tốt lành. Nhờ những vốn liếng Chúa trao, mà chúng ta có thể sống xứng với phẩm giá con người và thành đạt vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta đã và đang sử dụng những gì Chúa ban thế nào? Đến giờ phán xét, chúng ta phải trả lời trước mặt Chúa về những gì chúng ta đã nhận từ nơi Ngài.

Sống trong một xã hội thực dụng, chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi lối sống “mì ăn liền”, chỉ muốn kiếm lời ngay trước mắt mà làm hỏng cả kế hoạch lâu dài, chỉ tìm kiếm lợi lộc vật chất ở đời này mà quên mất việc tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Do đó, nhiều người đã để mình rơi vào tình trạnh mê ngủ muốn biến thế gian này thành chỗ ở vĩnh viễn. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho tất cả mỗi người chúng ta cần phải ưu tiên đầu tư tiền của công sức cho cuộc sống mai sau của mỗi người. Để rồi ngay từ hôm nay, chúng ta biết hướng tâm hồn mình về Nước Trời, là tài sản, là quê hương đích thực của chúng ta. Trong khi chờ đợi ngày Thiên Chúa đến “tính toán sổ sách” cuộc đời của chúng ta, chúng ta hãy sống trong tư thế tỉnh thức sẵn sàng.

Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, cũng không phải là cứ ngồi ì ra đó và chờ đợi, đôi khi cũng không hẳn là đọc nhiều kinh, xem nhiều sách, hoặc chỉ giữ đạo vì luật. Nhưng tỉnh thức ở đây chính là biết lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng những việc bác ái, yêu thương; là sám hối, canh tân; là sống đạo và đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng cách trung thành. Khi chúng ta luôn sống trong thái độ tỉnh thức và sẵn sàng như thế, thì dù cái chết đến với ta bất cứ lúc nào, hay ở đâu, ta đều thấy an vui, thanh thản để theo Chúa vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Amen.

Tác giả: Nhóm suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập432
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm401
  • Hôm nay48,412
  • Tháng hiện tại908,773
  • Tổng lượt truy cập78,912,224
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây