Chúa Nhật XX Thường niên C
Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53
Có một câu nói mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng được nghe là: “Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt. Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương”. Câu nói cho thấy một thực tế ta sẽ gặp phải và đối diện trong cuộc sống, khi chọn lựa giữa sự thật và sự dối trá. Thế gian đầy dẫy sự gian trá và để diệt trừ sự gian trá cần có những con người biết sự thật, nói sự thật, sống sự thật, và làm chứng cho sự thật. Những con người như thế thường gặp phải sự chống đối, vì họ dám phơi bày sự gian trá của người khác; nhưng cũng chính nhờ sự can đảm của họ, nhiều người lầm đường lạc lối đã quay trở về với chính lộ để được giải thoát. Dù sống theo sự thật, khiến người ta phải trả giá, nhưng chắc chắn sự thật sẽ luôn chiến thắng. Đây cũng là nội dung mà phụng vụ lời Chúa Chúa Nhật XX Thường Niên muốn đề cập, đó là: tầm quan trọng của sự thật và giá phải trả của những con người dám hiên ngang làm chứng cho sự thật.
Câu chuyện tiên tri Giêrêmia trong bài đọc một cho thấy ông chính là nạn nhân của nhà cầm quyền vì ông đã dám nói lên sự thật. Lúc bấy giờ quân Babylon đang gây sức ép trên đất nước Giuđa, nhà cầm quyền lúc ấy đã nghiêng theo giải pháp chính trị là liên minh với người Aicập để chống lại quân Babylon. Nhưng Girêmia không tán thành, ông kêu gọi mọi người hãy quay về với Thiên Chúa, Chúa sẽ ra tay bênh vực họ. Tuy nhiên, nhà vua và triều đình đã không nghe theo lời góp ý của Giêrêmia, họ tìm cách giết ông, vì họ cho rằng ông nói những điều xúi quẩy, những lời gây chia rẽ, những lời làm nản lòng chiến sĩ, và để bịt miệng ông nhà cầm quyền đã bắt ông và thả ông xuống một giếng cạn để thủ tiêu ông (Gr 38,5-6). Dẫu vậy, họ đã không giết chết được ông, vì vẫn có người muốn nghe sự thật và giải thoát cho ông. Thật ngạc nhiên, người đó lại là một viên quan thái giám người Ê-thi-óp, một người dân ngoại (Gr 38,8-10). Nhà vua, dù là người nhu nhược, nhưng khi thấy niềm tin và sự can đảm của viên quan thái giám, nhà vua đã thức tỉnh và nhận ra tội lỗi của mình.
Với bài đọc hai, tác giả thư Do thái mời gọi mọi người hãy kiên trì chạy đua trong trận chiến đức tin để làm chứng cho sự thật. Hãy noi gương các chứng nhân đi trước, và nhất là noi gương Đức Kitô, tuy Người đã bị chết treo trên Thập Giá, nhưng giờ đây đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong vinh quang để chuyển bầu cho chúng ta. Qua đó, Đức Giêsu dạy chúng ta biết hướng đến đích điểm, không để mình bị xao xuyến bởi những ý nghĩ của người đời, nhưng bền lòng tin tưởng vào Thiên Chúa Cha.
Đặc biệt, với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chia sẻ với các tông đồ những thao thức trong sứ mạng của Chúa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Ngọn “Lửa” mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây là Chúa Thánh Thần. Ngài đến để thanh luyện những tâm hồn sỏi đá, để phân biệt sự thật và giả dối. Ngài đến để xét xử trần gian. Ngọn “Lửa” ấy cũng chính là ngọn “Lửa” của Tình yêu, Sự Thật và Công Bình. Đức Giêsu ao ước cho “Lửa” ấy bùng cháy lên để biến đổi trái đất này thành Trời mới, Đất mới. Để biến đổi những tâm hồn chai cứng thành mềm dẻo, biết yêu thương nhau, nâng đỡ và đồng hành với nhau, cùng nhau làm chứng cho Chúa trong sự thật.
Thế nhưng, ngọn lửa tình yêu và sự thật của Chúa Giêsu khi đưa vào trần gian đã gặp ngay sự chống đối của thế gian và của bóng tối là ma quỷ, cho nên Đức Giêsu đã báo trước với các môn đệ: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Sự chia rẽ và chống đối mà Chúa Giêsu nói ở đây không phải là sự chia rẽ chống đối xảy ra do hận thù hay bạo lực, chiến tranh, nhưng là sự chia rẽ trong chọn lựa. Thật vậy, Chúa Giêsu không đem đến sự hận thù chia rẽ, Ngài đem đến tình yêu và sự hiệp nhất, tuy nhiên vì có người đón nhận và có người từ chối ánh sáng chân lý của Ngài, nên đã dẫn đến sự thù nghịch, chia rẽ giữa người đón nhận và từ chối, giữa người tin và không tin. Sự chia rẽ ấy có thể xảy ra ngay trong một gia đình: con trai chống lại cha, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu (Lc 12,53), vì có người đứng về phía ánh sáng còn người kia lại đứng về phía bóng tối. Vì có những người chọn thuộc về Đức Kitô và sống theo Tin Mừng của Ngài, và cũng có những người chọn từ chối quay lưng làm ngơ trước Tin Mừng của Chúa. Vì có những người chọn để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa thiêu đốt trong tâm hồn, chọn sống và chết vì tình yêu. Trái lại, cũng có những người chọn để cho sự thù oán bạo lực thống trị trong tâm hồn.
Dưới ánh sáng của lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại chính mình, để xét xem chúng ta thuộc về sự thật hay thuộc về sự dối trá, thuộc về ánh sáng hay bóng tối? Chúng ta sẽ là người thuộc về ánh sáng, thuộc về sự thật khi chúng ta dám đón nhận sự thật và dám sống trong ánh sáng. Chúng ta thuộc về sự thật, khi chúng ta để cho Lời của Chúa tác động vào tâm hồn ta, hướng dẫn và biến đổi ta. Chúng ta thuộc về ánh sánh, khi chúng ta gạt bỏ khỏi mình những hành động, lời nói mờ ám, sự tối tăm của gian dối, của bất công, ghen ghét, hận thù.
Dẫu biết rằng Tin Mừng mà Chúa Giêsu đem đến trong trần gian sẽ được đón nhận với nhiều cách khác nhau, nhưng chúng ta không vì thế mà nản chí ngã lòng. Hãy thắp lên ngọn lửa có tên Giêsu, để chiếu rọi mọi nơi tăm tối và mọi góc khuất của cuộc sống. Hãy là một đốm lửa, dù nhỏ nhoi và mong manh yếu ớt, giữa những tăm tối bủa vây xung quanh, hầu sưởi ấm và thắp sáng cho những người lân cận.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta can đảm chọn sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, dám chấp nhận thua thiệt trước mặt người đời vì Tin Mừng và Nước Trời. Xin cho mỗi người cũng biết mang trong mình thao thức của Chúa Giêsu, để cùng với Chúa làm cho ngọn lửa Tình Yêu và Tin Mừng được bùng cháy trong gia đình, lối xóm và lan toả ra toàn xã hội hôm nay. Amen.