Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân

Thứ bảy - 10/09/2022 05:46  599
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C
Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32

img 2373 1 jpgChúa Giêsu đã đến trong trần gian với thân phận một con người để chia sẻ kiếp người với chúng ta và để cứu độ chúng ta. Ngài yêu thương tất cả mọi người, không loại trừ ai. Đi đến đâu là Ngài thi ân giáng phúc đến đó, Ngài chữa lành những đớn đau bệnh tật nơi thể xác con người. Ngài kêu gọi người ta ăn năn sám hối, Ngài tha thứ cho các tội nhân. Cả cuộc đời Đức Giêsu chỉ nhằm bày tỏ cho nhân loại biết về một Thiên Chúa tình yêu và giàu lòng thương xót. Tình yêu thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại và cho mỗi người chúng ta, được Chúa Giêsu diễn tả một cách độc đáo qua những dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay.

Khi thấy Chúa Giêsu đón tiếp những người thu thuế và các người tội lỗi, thậm chí Chúa còn ngồi ăn uống và đồng bàn với họ, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư tỏ ra bất bình, khó chịu và kêu trách Chúa. Trước thái độ xầm xì của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, Chúa đã trả lời bằng cách kể cho họ nghe ba dụ ngôn: dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn đồng bạc bị mất và dụ ngôn người cha nhân hậu. Hai dụ ngôn đầu thật ngắn gọn, dụ ngôn thứ nhất kể về việc một người mục tử đã sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên nơi đồng hoang, để đi tìm cho bằng được một con chiên đi lạc. Dụ ngôn thứ hai, nói về việc một phụ nữ bị mất một đồng quan và bà đã đốt đèn, quét nhà để tìm cho kì được. Cả hai người trong hai dụ ngôn đều vui mừng hạnh phúc khi tìm thấy được điều mình đã đánh mất. Dụ ngôn thứ ba dài hơn cả, gồm hai mươi hai câu, dụ ngôn được gọi với tên “người cha nhân hậu”. Chúng ta cùng nhau đi vào tìm hiểu chi tiết dụ ngôn này, để thấy rõ nét hơn tình yêu thương xót của Thiên Chúa.

Dụ ngôn xoay quanh ba nhân vật, với người cha là nhân vật trung tâm, cùng với hai người con trai của ông. Dụ ngôn không nói rõ tại sao người con thứ muốn bỏ nhà ra đi, thế nhưng, dù với bất cứ lý do gì thì việc anh đòi chia gia tài khi cha mình vẫn còn sống, đó là một điều xúc phạm không thể tha thứ, vì có khác nào anh muốn cha mình chết sớm? Dẫu vậy, người cha vẫn tôn trọng tự do của anh, ông đã chia gia tài cho anh và để anh ra đi.

Có tiền bạc trong tay, anh ta bắt đầu ăn tiêu phung phí. Khi hết tiền, anh ta lâm vào cảnh túng thiếu khốn cùng. Thói đời đúng là “còn bạc, còn tiền còn đệ tử, hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”, lúc này chẳng còn ai ở bên để giúp anh. Anh ta phải đi ở đợ cho một người, người này sai anh ra đồng chăn heo, anh ao ước có đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng cũng chẳng có (Lc 15,14-17). Lúc này, phẩm giá con người của anh còn thua cả loài heo, một con vật được coi là nhơ bẩn theo truyền thống Do-thái. Giờ đây, anh mới hối hận và quyết tâm đứng dậy trở về với cha mình.

Ở quê nhà, từ ngày người con thứ ra đi, người cha luôn ra ngóng vào trông, ngày nào ông cũng ra ngõ đứng chờ, hy vọng anh sẽ quay về. Thật tội nghiệp cho ông, người con ra đi chẳng nhớ nhung gì đến ông mà ông thì không phút giây nào ngừng thương nhớ con. Người con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi cha anh thì mỏi mòn trông đợi. Bởi thế, bao nhiêu thương nhớ dồn nén trong ông, như vỡ òa trong phút giây gặp lại người con: “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy” (Lc 15,20). Không phải người con trẻ tuổi mắt sáng đã thấy cha trước, nhưng là chính người cha già, vì ông không chỉ nhìn bằng ánh mắt mà nhìn cả bằng trái tim.

Trái tim dạt dào yêu thương của ông quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Cảm xúc đầu tiên xuất hiện trong ông khi nhìn thấy người con, không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng là “chạnh lòng thương”. Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới. Tình yêu thương thúc đẩy, khiến ông không chần chừ được nữa. Bất chấp thân phận cao quý của mình, bất chấp tuổi tác của mình, ông chạy lại ôm con và hôn lấy, hôn để. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên yêu thương ông dành cho người con. Ông ôm anh thật chặt, như để giữ không cho anh ra đi nữa. Sự trở về của anh là niềm vui lớn nhất của ông, đến nỗi ông sai đầy tớ mở tiệc ăn mừng, vì “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,23-24). Niềm vui hội ngộ này thật hạnh phúc xiết bao!

Có lẽ trên trần gian này, chúng ta hiếm thấy người cha nào tốt bụng, đầy tình yêu thương và quảng đại tha thứ như người cha trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Chỉ có Thiên Chúa là tình yêu, mới đối xử với con người như thế. Ngài không muốn ai bị hư mất, vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn (Lc 5,32).

Mỗi khi chúng ta lầm lỗi, phạm tội, chúng ta cũng là những người con hoang đàng, xa cách Chúa. Điều căn bản là chúng ta phải biết nhận ra tội lỗi của mình, để hồi tâm sám hối quay trở về với Chúa qua bí tích Hoà Giải. Thiên Chúa là Cha nhân từ, Ngài luôn yêu thương và vui mừng dang tay chờ đón tội nhân trở về với Chúa, và khi đó: “Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10).  

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa, biết sám hối ăn năn, đổi mới cuộc sống để chúng con trở thành sứ giả tình yêu của Chúa trong cuộc sống hôm nay. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập248
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm220
  • Hôm nay70,557
  • Tháng hiện tại1,099,399
  • Tổng lượt truy cập71,127,156
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây