Chúa Nhật XXVI TN C
Am 6,1.4-7; 1Tm 6,11-16; Lc 16,19-31
Tin Mừng Chúa Nhật XXVI Thường niên năm C hôm nay thuật lại câu chuyện một ông nhà giàu và người hành khất Ladarô nghèo khó. Ông nhà giàu thì ăn sung mặc sướng và không quan tâm đến Ladarô đang đau ốm và đói khát nằm bên cổng nhà ông. Sau khi cả hai cùng chết, số phận của họ lại đổi ngược nhau, anh Ladarô hành khất thì được vinh dự ngồi dự tiệc trong lòng của tổ phụ Apraham, còn ông nhà giàu thì phải chịu cực hình trong hỏa ngục.
Có thể chúng ta hơi ngạc nhiên, bởi lẽ ông nhà giàu này đã không hề phạm một tội nào như trộm cắp, tham nhũng, bóc lột, hay hành hạ, chiếm đoạt tài sản của Ladarô hay của người khác. Thế nhưng, sau khi chết ông đã phải quằn quại trong ngọn lửa không hề tắt. Vậy thì đâu là lý do khiến ông phải chịu phạt? Phải chăng, giàu có cũng là cái tội? Thật ra điều khiến ông nhà giàu này bị phạt không phải vì ông làm hại người khác, nhưng là do thái độ dửng dưng, lạnh lùng của ông trước đau khổ của người khác, mà cụ thể ở đây là anh Ladarô. Quả thật, thái độ của ông nhà giàu là một sự dửng dưng, vô cảm đến lạnh lùng. Ông nhà giàu thì “ngày ngày yến tiệc linh đình”, còn Ladarô thì chỉ mong “được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho”, có chăng là những “con chó đến liếm ghẻ chốc” của anh. Nỗi đau của anh Ladarô không chỉ do những vết thương lở loét trên người, cũng không phải bởi vì cái đói đang làm cho ruột gan anh cồn cào, nhưng đúng hơn, nỗi đau lớn nhất của anh là sự buồn tủi cho thân phận làm người của anh vì thái độ dửng dưng của người khác.
Sau khi cả hai cùng chết, Ladarô được các thiên thần đem lên nơi lòng Apraham, còn ông nhà giàu kia phải xuống hỏa ngục. Và chính từ nơi hoả ngục, phải chịu cực hình, ông nhà giàu đã nài xin Ladarô “nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi” của ông ta. Hay nói cách khác, ông muốn Ladarô quan tâm, chia sẻ với nỗi thống khổ của ông ta. Thật là mỉa mai, khi còn sống, ông đã không hề quan tâm đến Ladarô, chẳng muốn biết Ladarô là ai, giờ đây, ông lại muốn Ladarô quan tâm đến ông. Thậm chí ông nhà giàu còn nài van Apraham cho Ladarô đến cảnh báo cho anh em ông. Thế nhưng đó chưa phải là lòng thống hối chân thật mà là một hình thức của tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Nước Trời không có chỗ cho những người ích kỷ, vì đã không biết yêu thương, do thái độ vô cảm, dửng dưng trước nỗi khốn cùng của anh chị em. Như thế, kết quả đời sau không chỉ là do những việc xấu chúng ta làm, nhưng còn do bởi những việc chúng ta có thể làm mà đã không làm, đó là thực thi giới răn yêu thương. Không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng bỏ qua không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa cách Thiên Chúa và tha nhân. Ông nhà giàu kia đã khép kín lòng mình với Thiên Chúa khi vui hưởng lạc thú trần gian mà quên đi đời sống vĩnh cửu và khép kín lòng mình với tha nhân khi không còn nhìn thấy người nghèo khổ là anh Ladarô nằm ngay bên cổng nhà mình.
Bài đọc 1 (Am 6,1a.4-7), qua miệng ngôn sứ A-mốt, Thiên Chúa kết án những kẻ giàu có sống trong sự tiện nghi và thừa thãi: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri ”. Những lời của ngôn sứ mô tả đúng thực trạng và đời sống phung phí của những kẻ giàu có: “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngã ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ. Lỗi phạm lớn nhất của người giàu có ở đây là họ dửng dưng trước những khó khăn, đói rách, đau khổ của người nghèo. Thiên Chúa kết án những kẻ giàu có và ích kỷ này: “Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn”.
Với nền kinh tế thị trường, hố sâu phân cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Và cùng với việc phát triển kinh tế, một tâm lý hưởng thụ cũng đang dần hình thành trong con người ngày hôm nay. Con người ngày nay, không chỉ muốn “ăn no, mặc ấm”, nhưng còn muốn “ăn ngon, mặc đẹp”. Đồng thời, đi đôi với sự hưởng thụ này, có nhiều người đã ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình mà quên mất tha nhân, những người nghèo khổ bên cạnh cần sự giúp đỡ, chia sẻ. Sự ích kỷ đã khóa chặt cánh cửa của tâm hồn và làm cho con người không còn khả năng để lắng nghe tiếng thổn thức của người khác và chia sẻ với họ.
Sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay là lời nhắc nhở cho những ai chỉ biết tôn thờ vật chất, vui thú hưởng thụ mà quên đi tình Chúa tình người, đồng thời cũng là lời kêu gọi ý thức trách nhiệm xây dựng tình liên đới với tha nhân, nhất là những người nghèo khổ. Xin Chúa giúp chúng ta biết sử dụng của cải vật chất như một ân huệ Chúa ban, sử dụng trong tâm tình tạ ơn Chúa, trong tinh thần liên đới với người nghèo để mai sau cũng được vui hưởng Nước Trời. Amen.