Chúa Nhật XXVIII Thường Niên C
(2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19)
Lòng biết ơn là điều căn bản, là nền tảng của đời sống con người, nếu muốn sống cho ra người. Thật thế, ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được ông bà, cha mẹ, thày cô dạy cho biết nói lời “cảm ơn” mỗi khi chúng ta nhận được một ân huệ nơi người khác, bên cạnh đó là lời “xin lỗi”, khi chúng ta xúc phạm, làm mất lòng hay gây thiệt hại cho người khác. Cổ nhân có câu: “tri ân bất báo uổng vi nhân” – mang ơn mà không biết trả ơn, thật uổng công làm người. Đối với mỗi Kitô hữu thì lòng biết ơn lại càng cần thiết. Chúng ta phải biết ơn Chúa, biết ơn cha mẹ và tất cả những ai đã góp phần làm nên cuộc sống tốt đẹp cho chúng ta. Vì thế, Lời Chúa hôm nay đã mời gọi chúng ta phải có lòng biết ơn.
Bài đọc thứ nhất trích sách Các Vua quyển hai, kể về trường hợp của một vị tướng có tên là Naaman bị mắc bệnh phong hủi. Nghe lời khuyên của một người Do Thái, ông đã đến gặp ngôn sứ Elisa. Vị ngôn sứ chỉ cho ông đến dìm mình bảy lần trong dòng sông Giođan. Ông đã làm như vậy và ông được khỏi bệnh. Để tỏ lòng biết ơn, ông cùng với đoàn tùy tùng đem theo lễ vật đến gặp ngôn sứ Elisa để tạ lễ. Chúng ta thấy ông Naaman là một chứng nhân tiêu biểu về lòng biết ơn trong Cựu Ước. Đỉnh cao của lòng biết ơn này, là việc tôn nhận Thiên Chúa là Đấng phải tôn thờ và lấy việc tế tự làm phương tiện để tỏ lòng tôn kính, biết ơn Thiên Chúa. Thật vậy, chỉ khi nào con người có lòng biết ơn, khi ấy họ mới khiêm hạ và thiết lập được mối tương giao với Thiên Chúa. Biết ơn cũng chính là một trong những thái độ của việc thờ phượng Thiên Chúa.
Chính vì thế, Bài Tin Mừng hôm nay, đã kể lại câu chuyện mười người bị phong hủi ra đón Đức Giêsu để xin Ngài chữa cho khỏi bệnh phong hủi. Đức Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế” và đang khi đi thì họ được sạch. Nhưng trong số mười người, chỉ một người quay trở lại để cảm ơn Chúa, mà người đó lại là người dân ngoại. Đức Giêsu có đặt câu hỏi: “Thế thì chín người kia đâu, sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” Câu hỏi này cho thấy một thực tế, những người sống tâm tình biết ơn rất ít so với phần lớn những người sống vô ơn. Những người nhận ra sự hiện diện của Chúa thì nhiều, còn những người thực sự đi vào mối tương giao với Ngài thì chỉ là một phần nhỏ. Những người được gọi là “con cái trong nhà”, mà không nhận ra tình cha yêu thương che chở hằng ngày, trong khi đó người ngoài lại nhận ra tình thương và ân ban mình được hưởng từ bàn tay uy quyền của Thiên Chúa. Điều này làm chúng nhớ lại lời Đức Giêsu nói với những người Do Thái năm xưa: “Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ábraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8,11-12).
Quả thật, khi tự vấn chính mình, một vấn đề được đặt ra là: chúng ta phải tôn vinh Thiên Chúa như thế nào? Có phải như người Samaria, là sấp mình xuống chân Đức Giêsu để nói lên lời tạ ơn chăng? Theo Thánh Phaolô: lòng biết ơn Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc “tin nhận Đức Giêsu Kitô, Đấng từ cõi chết sống lại, Đấng xuất thân từ dòng dõi Đavít”, mà còn phải gắn bó với Ngài bằng việc “cùng sống, cùng chết với Ngài”. Lòng biết ơn Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc tôn thờ Ngài qua tế tự hay qua phụng vụ, mà còn phải dấn thân vào công cuộc loan báo Tin mừng và làm chứng cho Thiên Chúa, đến nỗi sẵn sàng đón nhận cả việc phải chịu đau khổ, chịu bị xiềng xích, miễn là để tất cả mọi người đều được đón nhận ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô và được hưởng vinh quang muôn đời.
Như thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta vừa phải gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với những người anh em trong cuộc sống của chúng ta. Đức Giêsu chính là gương mẫu cho chúng ta về đời sống hiệp hành. Ngài đã đi vào trần gian sống giữa nhân loại, Ngài chữa lành cho tất cả, không phân biệt một ai. Ngài đã cho chúng ta biết, chính thái độ của con người, đức tin của con người và lòng biết ơn của con người đối với Thiên Chúa có sức mạnh thiết lập tương giao với thần linh. Theo gương Đức Giêsu chúng ta thực hành Lời Chúa dạy qua việc canh tân đời sống và dấn thân phục vụ, mà cụ thể là việc sám hối và đổi mới bản thân, sống bác ái, yêu thương và xây dựng một xã hội công bằng: biết chia sẻ của cải vật chất cho những người nghèo, những người đang cần đến tình thương, sự chăm sóc của người khác. Đặc biệt luôn sống trong tâm tình tạ ơn. Tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn những ai đã góp phần làm cho cuộc sống chung tốt đẹp.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì biết bao ơn lành Chúa đã ban cho chúng con: Hồng ân sự sống, ơn làm người, ơn được làm con Thiên Chúa. Xin cho mỗi người chúng con luôn biết sống yêu thương trong tâm tình cảm tạ và tri ân để sau này được cùng Đức Mẹ và Các Thánh tán tụng cảm tạ Thiên Chúa Ba ngôi muôn đời trên Thiên Đàng. Amen.