Chúa Nhật XXX thường niên C
Hc 35,12-14.16-18; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14
Nếu như Chúa Nhật XXIX thường niên tuần trước, sứ điệp lời Chúa mời gọi chúng ta kiên trì trong việc cầu nguyện: qua hình ảnh ông Mô-sê đứng giang tay trên núi cầu khẩn khi dân Ít-ra-en giao chiến với quân A-ma-lếch (Xh 17,8-13), hoặc qua thái độ kiên nhẫn của một bà góa đến kiện cáo nơi cửa công. Thì Chúa Nhật hôm nay, phụng vụ lời Chúa vẫn tiếp tục với chủ đề cầu nguyện cùng Thiên Chúa bằng niềm tin và sự khiêm nhường.
Thật vậy, với bài đọc một, tác giả sách Huấn Ca mô tả Thiên Chúa như một quan tòa chí công vô tư. Ngài là Đấng công bình, Ngài không thiên tư tây vị, không đứng về phía người giàu hoặc người có thế lực; nhưng bênh vực quyền lợi của kẻ bị áp bức, người nghèo nàn. Ngài nghe tiếng van nài của người nghèo, của kẻ cô thế cô thân: “Ngài không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa” (Hc 35,14). Sách Huấn Ca còn dùng hình ảnh “lời cầu nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm” (Hc 35,17), để diễn tả mối quan tâm của Thiên Chúa. Ngài luôn nhận lời kẻ nghèo hèn hay người khiêm nhường kêu xin.
Tiếp đến, bài đọc hai là những lời nhắn gửi của thánh Phaolô dành cho Ti-mô-thê, trong hoàn cảnh thánh nhân đang bị giam trong tù tại Rôma, để khích lệ tinh thần cho Ti-mô-thê sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2Tm 4,6-8). Những lời trên đây không phải thánh nhân tự nhận mình xứng đáng nhờ những việc đã làm; nhưng thánh Phaolô muốn nhấn mạnh đến niềm tin trung thành nơi Đức Kitô. Ngài là Thẩm Phán Chí Công, là Đấng sẽ tuyên bố thánh nhân là người công chính, và sẽ trao phần thưởng là triều thiên công chính cho mình. Quả thực, thánh Phaolô đã chứng minh niềm tin của mình vào Thiên Chúa bằng việc hoàn tất sứ vụ mà Đức Kitô đã trao phó, đến nỗi thánh nhân sẵn sàng chết để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa.
Đặc biệt, với bài Tin Mừng, Chúa đã dùng hình ảnh khiêm hạ của một người thu thuế, đối nghịch với thái độ cao ngạo của ông Pha-ri-sêu, để dạy chúng ta phải có thái độ khiêm tốn mỗi khi cầu nguyện với Chúa. Tại sao Chúa lại đề cao người thu thuế và phê phán người Pha-ri-sêu như vậy? Giờ đây, chúng ta cùng chú ý quan sát hành động của từng người để tìm ra câu trả lời. Với người Pha-ri-sêu, ông đứng thẳng để cầu nguyện, ông tự phụ, vênh vang phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo đức và tự đặt mình lên trên những người khác: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18,11). Rồi ông bắt đầu kể lể về những thành tích của mình cho Chúa nghe: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,12). Đúng là ông Pha-ri-sêu này đã làm nhiều điều tốt lành mà ít có ai sánh bằng, thế nhưng điều đáng chê trách ở đây là thái độ cao ngạo của ông, khiến ông không nhận ra rằng những việc tốt mà ông đã làm, tất cả là do ơn của Chúa chứ không phải do công lao của riêng mình. Tính tự mãn làm cho tâm hồn ông trở nên như ly nước đã đầy tràn, nên chẳng còn chỗ cho Chúa rót ân sủng vào nữa.
Trái ngược với thái độ của người Pha-ri-sêu, người thu thuế lại rất đỗi khiêm nhường. Bởi trước mặt mọi người, với cái nghề thu thuế, anh chỉ là một kẻ tội lỗi, liên hệ với ngoại bang để bóc lột đồng bào. Chính vì nhận biết thân phận tội lỗi của mình mà anh chỉ dám đứng ở đằng xa, gục đầu xuống và đấm ngực ăn năn. Với tâm tình khiêm nhu anh đã kêu cầu Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Anh nhìn nhận mình chẳng có công trạng gì trước mặt Chúa, anh cũng chẳng làm được việc gì nổi bật trước mặt người đời, nhưng anh chỉ có một tâm hồn thống hối sâu xa, để xin sự thương xót của Chúa. Anh ý thức tội lỗi anh nặng nề mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể thứ tha. Anh tin vào uy quyền của Thiên Chúa, sẽ giúp anh đổi mới cuộc đời. Anh là người đáng khen hơn đáng khinh, như lời Chúa Giêsu đã kết luận: “người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).
Câu kết luận cuối bài Tin Mừng đáng để chúng ta suy nghĩ và tự vấn chính mình. Chúng ta giống hình ảnh của ai trong số hai nhân vật Chúa vừa kể, ông Pha-ri-sêu hay người thu thuế? Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ mình như anh thu thuế, nhưng trong thực tế, có khi chúng ta lại đang sống như người Pha-ri-sêu bởi chúng ta rất dễ rơi vào lối sống đạo kể lể công đức với Chúa và với mọi người khi cho rằng: tôi vẫn đi lễ Chúa Nhật mỗi tuần, tôi chẳng trộm cắp giết người hay làm thiệt hại của ai, tôi vẫn dâng cúng đóng góp cho nhà thờ, tôi còn làm ông này bà nọ trong xứ, tôi bỏ bao nhiêu công sức, gia đình tôi đóng góp cái này, ủng hộ cái kia, từ đó chúng ta coi thường và chê bai người khác, chúng ta đòi Chúa phải thưởng công cho mình, thay vì tạ ơn Chúa và biết nâng đỡ sẻ chia cho tha nhân. Chúng ta cần có tâm tình như người thu thuế, đó mới là điều Chúa muốn và chờ đợi nơi chúng ta: một thái độ khiêm nhường, nhận ra sự yếu hèn thấp kém và tội lỗi của mình, để cầu xin sự thương xót và tha thứ của Chúa.
“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Ước gì lời cầu nguyện này trở thành lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta không những hôm nay mà trong mọi ngày của đời sống, nhờ vậy chúng ta sẽ được nhận lãnh ơn tha thứ của Chúa và được biển đổi nhờ tình thương của Ngài. Amen.