Chúa Nhật XXXI thường niên C
Kn 11,22-12, 2; 2 T 1,11-2,2; Lc 19,1-10
Tin Mừng Đức Giêsu theo Thánh Luca là Tin mừng của lòng thương xót, của thứ tha và của chữa lành. Trong chiều hướng ấy, đoạn Tin mừng hôm nay giới thiệu với chúng ta một Thiên Chúa đầy lòng xót thương: “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã mất” (Lc 19,10). Chúa Giêsu đã chủ động đến với con người để yêu thương và chữa lành cho con người. Nhờ đó, tất cả những ai tin và làm theo lời Ngài đều được biến đổi.
Thật vậy, ai tin Chúa Giêsu cũng hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng và Thánh Thiện. Ngài sẽ tiêu diệt tội lỗi từ lòng người và làm cho sự dữ không còn lan tràn trong xã hội nữa. Nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta cảm thấy nhiều điều ngược lại niềm tin trên. Do đó, trong bài đọc thứ nhất, sách Khôn ngoan lên tiếng giải thích: Chúa xót thương mọi người, vì Người toàn năng phép tắc. Người làm lơ đi trước tội lỗi người phàm, chờ chúng hối cải, vì Ngài yêu quý những gì Ngài đã dựng nên, chứ không ghét bỏ nó, vì chúng hết thảy là của Chúa, do đó Ngài muốn sự gì đã có tồn tại mãi (x.Kn 11,23-24). Như thế, sự dữ còn xảy ra hầu diễn tả tình thương và sự kiên nhẫn của Chúa. Ngài là Đấng giàu lòng xót thương: “Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (Kn 12,2).
Nhưng sự ác sẽ không tồn tại muôn đời, và đến ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm, sự ác sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Do đó, Thánh Phaolô nhắc: Chúng ta đừng giao động, vì Chúa sẻ trở lại, Ngài sẽ cho ta được hội ngộ với Ngài. Điều quan trọng phải lo lắng là: chúng ta phải luôn sống xứng đáng với ơn gọi của mình, và xin Thiên Chúa dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của chúng ta và mọi công việc chúng ta làm vì lòng tin. (x.2Tx 1,11). Nếu chúng ta có thiện chí trong việc tìm kiếm, gặp gỡ Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ được Thiên Chúa nhìn đến. Cụ thể, ông Dakêu trong Tin Mừng hôm nay là minh chứng sống động cho Lòng Thương Xót của Chúa thực thi trên ông qua sự chân thành và thiện chí muốn biết Đức Giêsu là ai của ông. Vậy để được biến đổi và được cứu độ, chúng ta cần:
1. Khiêm hạ nhìn nhận sự yếu đuối bất toàn của phận người và phải tìm mọi cách để gặp Chúa
Lần dở lại lịch sử Ađam và Eva phạm tội, Chúa đến tìm họ, nhưng họ lại lủi vào lùm cây để lánh mặt Chúa (x.St 3,8-9). Còn ông Dakêu thì khác hẳn: Ông chủ động chạy đi tìm Chúa và leo lên cây cao để nhìn Chúa, vì ông thấp bé nhất tong đám vây quanh Chúa, cuối cùng người tội lỗi “lùn” này lại là người “cao”nhất trong đám đông ấy! Chúng ta hãy bắt chước Ông Dakêu vượt qua con người tội lỗi, vượt qua cái nghề mà dân chẳng ưa gì, thậm chí vượt qua cả khiếm khuyết bản thân để tìm cách đến với Chúa. Chính những thiện chí này, Ông Dakêu đã được Chúa ghé nhìn và ở lại với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc19,5).
2. Thực thi Lời Chúa, sống bác ái với tha nhân
Khi ông Dakêu được Chúa đoái nhìn, được gọi tên, được Chúa đến nhà, nhất là được Ngài ở cùng, tức khắc một phép lạ xảy ra là ông Dakêu được biến đổi. Ông đã từ bỏ những gì là thâm-sân-si, bỏ ngoài tai dư luận đám đông, trút bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới và cất lời thưa cùng Đức Giêsu: “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Làm thế ông đã quảng đại hơn luật đòi hỏi: trong khi những người biệt phái: giữ luật vì Chúa, dâng cho Chúa 1/10 tài sản mình có (x.Lc 18,11t). Còn ông Dakêu thì sẵn sàng dâng ½ tài sản của mình cho người nghèo và đền gấp 4 nếu chiếm đoạt của ai cái gì, trong khi luật Lêvi chỉ bắt đền 1,5 những của cải gian lận. Hơn nữa, ông Dakêu cũng hơn ông thu thuế trong bài Tin Mừng mà chúng ta nghe tuần trước, đến nhà thờ chỉ thấy mình có tội, nên không dám ngước mắt nhìn Chúa (x.Lc 18-13). Còn ông Dakêu cũng là người thu thuế, nhưng lại chủ động tìm mọi cách để biết Đức Giêsu. Do đó, hành động của ông Dakêu là hạnh động vì tình yêu chân chính, được tình yêu, chân lý đích thực thúc bách. Chính nhờ lòng bác ái mà ông Dakêu được Chúa chúc phúc: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ábraham” (Lc 19,9).
Hôm nay, chúng ta có điều kiện được hơn ông Dakêu khi xưa, vì ngoài lòng sám hối và Đức ái của ta, ta còn được Chúa thanh tẩy và ban cho ta nên một dòng giống trong Con Thiên Chúa hơn dòng giống Abraham. Nhưng thực tế giữa một xã hội đông nghẹt người, liệu có người nào được Chúa chúc phúc như ông Dakêu năm xưa không? Hay ít ra ta đã sám hối và cậy dựa vào Lòng thương xót của Chúa như tên trộm lành (x.Lc 23, 35-43), hay như ông thu thuế đến nhà thờ sấp mặt sám hối trước nhan Chúa ! (x.Lc 18, 13).
Lạy Chúa, xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, một tình yêu không chỉ đến với con khi con tội lỗi, cũng không chỉ đến với con lúc con gặp khó khăn, mà bất cứ lúc nào trong đời chúng con tình Ngài vẫn bao bọc chúng con cả sau lẫn trước. Từ đó, con được chìm sâu trong Ngài, chìm sâu trong Ngài - Amen.