Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A
Is 2,1-5; Rm 13,11-14; Mt 24,37-44
Trong cuộc đời, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự chờ đợi. Có những sự chờ đợi làm cho người ta lo lắng, như thí sinh chuẩn bị bước vào phòng thi. Có những sự chờ đợi làm cho người ta khiếp sợ, như người tử tù chờ đến lượt mình bị đem đi hành quyết. Nhưng cũng có những chờ đợi mang lại cho con người niềm hân hoan vui mừng, như sự chờ đợi của hai người yêu nhau, ước mong đến ngày được sống chung dưới một mái nhà, hay như người làm công mong chờ đến ngày được nhận lương, nhận thưởng. Theo lẽ thường, chờ đợi là một hạnh phúc, là hy vọng, nhưng chờ đợi cũng là một sự sợ hãi tùy theo thái độ chờ đợi của từng người.
Hôm nay, chúng ta chính thức bước vào mùa vọng. Mùa vọng là mùa của hy vọng, ngóng trông, và đợi chờ. Vì thế trong Mùa này, những câu hát: “trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa đấng Chuộc tội” được vang lên trong các thánh đường thể hiện niềm mong đợi Đấng Cứu Thế. Trong Mùa vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng kỷ niệm biến cố trọng đại Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người để cứu độ chúng ta qua đại lễ Giáng sinh. Vì thế, đại lễ Giáng sinh là lễ của niềm vui, của ánh sáng. Chúng ta cùng cảm tạ, ngợi khen và tôn vinh Chúa, vì tình thương Chúa dành cho chúng ta thật lớn lao cao vời. Sâu xa hơn nữa, Giáo Hội muốn chúng ta hướng về tương lai mong đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống tỉnh thức và sẵn sàng, vì giờ Chúa đến rất bất ngờ.
Để cảnh giác các môn đệ và mỗi người chúng ta về ngày Chúa đến thật bất ngờ, Chúa mời gọi mỗi Kitô hữu cần tỉnh thức. Ngài cho biết: “Thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”. Nghĩa là Chúa sẽ đến bất thình lình, vào ngày ta không ngờ, vào giờ ta không biết. Gia đình ông Nôê đã nghe Lời Chúa, đã chuẩn bị sẵn sàng cho trận đại hồng thủy, nên đã được cứu thoát. Đang khi đó, những người khác chẳng quan tâm gì, họ cứ “ăn uống, cưới vợ lấy chồng”. Những bận tâm đó đã chiếm hết tâm trí họ. Dù ông Nôê có kể lại cho họ nghe lời cảnh báo của Chúa, thì họ cũng cho là chuyện viển vông, nên cuối cùng đã tiêu vong.
Đức Giêsu còn đưa ra hai ví dụ: hai người cùng đang làm việc, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. Như vậy, trong ngày Chúa tái lâm sẽ có sự phân rẽ, số phận loài người được phân thành hai hạng khác nhau: có người “được đem đi”, nghĩa là được tiếp nhận vào nơi hằng sống, và người “bị bỏ lại” nghĩa là bị phạt muôn đời. Thật éo le! Một hoàn cảnh, những hai số phận, vì một người có sự chuẩn bị, còn một người thì sống lơ là; một người tin, còn một người không tin; một người làm chỉ nhằm để kiếm tiền và sống cho sở thích riêng; một người làm với tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ và cho đi; tiền của không làm hoa mắt họ; lạc thú không làm xao động tâm hồn họ.
Đức Giêsu kết thúc bằng việc cho biết Ngài sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm đột nhập vào nhà. Vì thế, Ngài mời gọi chúng ta hãy luôn sẵn sàng luôn trong từng phút giây của cuộc sống. Thái độ sẵn sàng là “Hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa” như ngôn sứ Isaia đã khuyên nhủ trong bài đọc 1. Hay như thánh Phaolô trong bài đọc 2 cũng mời gọi chúng ta hãy sống tỉnh thức vì “đêm sắp tàn, ngày gần đến, chúng ta hãy từ bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu… chúng ta hãy ăn ở cho đứng dắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè ché say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn dục vọng…”.
Thái độ trông chờ Chúa đến trong vinh quang không phải là thái độ chờ đợi cách thụ động, nhưng việc chờ đợi Chúa thôi thúc chúng ta sống cuộc sống hiện tại cách tích cực hơn, sốt mến hơn. Bởi vì, chúng ta được Chúa thưởng công, hay luận tội trong ngày Chúa trở lại phụ thuộc vào cuộc sống hiện tại của chúng ta, đã sống ra sao và đã sống thế nào?
Chúng ta biết rằng cuộc sống ở trần gian này không phải là mãi mãi, vũ trụ vạn vật này rồi sẽ qua đi, Chúa sẽ trở lại và Ngài sẽ phán xét. Vì thế, mà sự chuẩn bị đón chúa đến xa xăm nhất là đón Chúa đến vào ngày Tận Thế, nhưng cụ thể hơn, đối với mỗi người, Chúa sẽ đến với chúng ta vào lúc chúng ta kết thúc cuộc đời, bởi vì con người ai rồi cũng phải chết, nhưng chẳng biết chết lúc nào. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta sống tỉnh thức. Tỉnh thức không phải là không ngủ, nhưng là luôn chu toàn các bổn phận, là tỉnh táo trước những cơn cám dỗ của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Nhờ tỉnh thức, chúng ta biết sống theo thánh ý Chúa, sống đẹp lòng Chúa. Dẫu biết rằng, Cuộc sống cần phải ăn phải uống, nhưng đừng sao lãng bổn phận của mình trong cuộc sống hiện tại. Như thánh Phaolô nhắn nhủ: “Hãy cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu”. Nghĩa là phải chủ động làm cho mình và gia đình tràn ngập ánh sáng của sự thật, của Tin Mừng. Can đảm nói không với sự gian dối, lấy Tin Mừng làm tiêu chuẩn và là vũ khí chống lại tội lỗi và bất công; lấy đời sống đạo đức chuyên chăm thay thế cho sự lười biếng, lấy tình thương, sự quan tâm tha thứ thay thế cho bất hoà bất đồng trong gia đình.
Hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Vọng, Mùa mong đợi Chúa đến. Ước mong trong mùa Vọng này, mỗi người chúng ta biết nhìn lại con người của mình, sửa soạn tâm hồn, đổi mới đời sống, luôn tỉnh thức và cầu nguyện, sống theo thánh ý Chúa, để hân hoan mừng đại Lễ Chúa Giáng Sinh sắp tới. Và nhất là luôn biết sống tâm tình mùa vọng trong suốt cả cuộc đời luôn sẵn sàng tỉnh thức chu toàn bổn phận của mình để khi Chúa đến, Chúng ta hân hoan ra đón Ngài. Amen.