Ông không phải là Đấng Kitô sao?

Chủ nhật - 20/11/2022 09:10  350
1Trình thuật Tin Mừng năm C, Lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, Giáo Hội cho con cái mình diện kiến một Vua Giêsu hiển trị từ trên thập giá. Vương quyền của Người là do việc Người tuyệt đối vâng phục Chúa Cha để đem lại ơn tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Nhìn một cách tổng quát hơn, trong mỗi năm Phụng vụ, Giáo hội trình bày một khía cạnh đặc biệt để diễn tả quyền bính cai trị của Chúa Giêsu Kitô. Năm A đề cập đến khía cạnh xét xử trong vai trò thẩm phán (x.Mt 25, 31-46), Năm B nhấn mạnh đến uy quyền trong việc làm chứng cho sự thật (x. Ga 18, 33-37).

Thiết nghĩ, nên đề cập một chút nguồn gốc của ngày lễ này. Lễ Chúa Kitô Vua chỉ mới được thiết lập vào năm 1925, dưới thời Đức Giáo Hoàng Pio XI. Ngày lễ này được lập ra vào ngày 11.12.1925 để kỷ niệm 1600 năm Công Đồng Nicaea năm 325. Lễ Chúa Kitô vua được mừng vào Chúa Nhật kết thúc năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc lại giây phút chấm dứt, giây phút vũ trụ đạt đến cùng đích tột cùng là Thiên Chúa, giây phút Chúa Giêsu Kitô trở lại trong vinh quang.[2]

Khi nghe bản văn Tin Mừng của năm C (Lc 23, 35-43), với lý trí tự nhiên, nhiều người có thể có thắc mắc: Có cái gì đó “sai sai” không? Chúa Thánh Thần liệu có “đi vắng” khi để Giáo Hội chọn trình thuật cái chết tủi nhục của Chúa trong ngày lễ Chúa làm vua?

Logic của Thiên Chúa và logic của phàm nhân

Có thể nói, nếu chỉ dùng lý trí thuần tuý, việc ta đặt vấn đề trong cách chọn bản văn của ngày lễ này là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng, chúng ta “không biết việc Thiên Chúa, chỉ biết việc loài người” (Mc 8, 33). Chúng ta thắc mắc vì chúng ta đang vẽ ra trong tâm trí một Vua Giêsu theo kiểu thế gian với đủ mọi vinh hoa phú quý. Nhưng đây, Tin Mừng lại cho ta thấy một vị Vua chết trần trụi trên Thập giá trong sự nhạo báng của người thế. Để quảng diễn hoạch định của Thiên Chúa không giống với ý định con người; Kinh Thánh, đặc biệt là trong Tin Mừng, ta bắt gặp những cách lý luận, lập luận, logic không giống nhau, và trong một số trường hợp, có cả sự trái ngược nhau: Logic giữa tình yêu và lẽ công bằng, logic giữa lề luật cũ và tự do của con cái Nước Trời, logic giữa quan điểm chính trị thời bấy giờ và quan điểm của Tin Mừng…

Khi đứng về một lập trường lý luận nào đó trong cách cư xử của mình, một khi tiếp cận tới bầu trời bao la của luận lý, con người có thể có nhiều ngôn từ, lời chứng, lý luận để bảo vệ lập trường của mình mà không ai có thể phản biện. Lịch sử hình thành và phát triển của thế giới loài người không thiếu những giai đoạn mà lý luận lý trí lên ngôi. Đó là chưa kể đến sự đa dạng của chủng tộc, văn hoá, chính trị, tôn giáo… Phần chúng ta, những người “không thuộc về thế gian này”, Đức tin đặt ra cho chúng ta điều trên hết và trước hết: Tôi đã tính đến logic của Chúa, của Tin Mừng chưa? Những logic kia có đi đôi được với Tin Mừng không? Nói cách đơn sơ, tinh thần nào, tư tưởng thâm sâu nào đang thực sự chi phối tôi? Thật rất khó để nhìn mọi việc theo cái nhìn của Chúa Kitô. Đối với cá nhân Kitô hữu đã thế mà đối với những tập thể Kitô hữu và ngay cả đối với Giáo Hội nữa.

Dọc dài lịch sử Giáo Hội cho thấy không hề dễ để thuận theo những lựa chọn mang tính Tin Mừng, ngay cả đó là những người thánh thiện. Chúng ta hướng mắt về quê hương vĩnh cửu, nhưng chân vẫn đạp đất. Cái khôn thế gian, cái thói toan tính nhỏ nhen, đôi khi là một chọn lựa mang tính “ý thức hệ” được nguỵ trang vẫn đêm ngày rình rập len lỏi vào tâm trí như một thách thức trong việc sống các giá trị Nước Trời. Thế mới thấy sống logic của Tin Mừng là điều không dễ dàng chút nào. Không dễ là vì ta phải chiến đấu giữa thuận lý của Tin Mừng và thuận lý của ta; nhiều khi hai khuynh hướng này xung khắc với nhau. Việc nói các giá trị Nước Trời có thể không khó, nhưng cái khó là sống các giá trị ấy giữa chốn ô nhơ tục luỵ này. Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.(x.Mt 5, 43-48). Phải tha thứ cho kẻ đã xúc phạm đến anh em, không phải dăm bảy lần mà luôn luôn.(x. Mt 18,21-35). Hãy lấy điều lành đáp lại điều ác của tha nhân (x.Mt 5,38-48)… Tự thâm tâm, nhiều khi ta vẫn nghĩ rằng sống theo những lời Chúa dạy là cái gì đó thiệt thòi, bất công; nếu không muốn nói là ngu dại. Ta vẫn còn “thế gian”, bởi theo ngôn ngữ của Phaolô thì “con người cũ” vẫn còn ở trong ta và đang dày xéo “con người mới” (x.Ep 4,24-5,2) hầu chi phối và chống lại các giá trị của Nước trời. Suy cho cùng, muốn thi hành lời Chúa dạy, lý trí phải cúi đầu phủ phục để Ân Sủng, Tình Yêu và Lòng Thương xót của Thiên Chúa chảy trào và biến đổi tâm trí. Có như vậy, ta có thể cất cao lời tuyên xưng: Đây là Vua người Do Thái[3], và Ngài cũng là “Vua” của lòng con.

Vua Giêsu – Vua Tình Yêu

Đức Giêsu – Vua trong vương quốc của tình yêu. Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu: Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người. Chính sự tha thứ ấy làm bùng lên cái “thiên lương” đang bị dập vùi trong tâm hồn của một tử tội đang đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu, khiến anh ta phải thốt lên: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”[4]. Cái chết trên thập giá là một đau khổ tột cùng giờ là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người. “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng”[5]

Trong cái tủi nhục nhất, vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện. Nhưng thẳng thắn đặt vấn đề: Giáo Hội – hiền thê của Chúa liệu có đang sống tinh thần ấy? Đâu đây trong Giáo hội, cái được gọi là nguyên lý danh dự đang kéo lê và làm gia tăng chiều hướng danh giá. Từ đó, đứa con đẻ của nguyên lý ấy là một Giáo hội duy sinh hoạt, được thể hiện qua nhiều thứ bậc, nhiều nghi thức, nhiều nguyên tắc rườm rà không có ý nghĩa chức năng mà chỉ có ý nghĩa danh giá... Đáng buồn hơn, khi chiều hướng ấy gặp được đất sống “mầu mỡ” trong nền văn hoá đề cao danh dự của người Á Đông, “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, để trổ sinh thành những khuôn phép “truyền thống” trong đời sống đức Tin : chỗ trên chỗ dưới, danh hiệu lớn danh hiệu nhỏ, công đức nhiều công đức ít: đón tiếp các “Đấng” thì phải nói “Trọng thưa, trọng kính…”, lãnh tác vụ linh mục hay khấn dòng thì gia đình được nở mặt nở mày; cha mẹ được gọi là “ông bà cố” để khuyến khích ơn gọi; các ông trùm ông chánh được chỗ ngồi ưu tiên; các chức vụ được nối dài ra thành “nguyên bề trên”, “cựu trùm”. Tại nhiều nơi, đời sống đạo được phát triển theo chiều hướng lễ lạc long trọng; nhiều sáng tạo trong câu kinh tiếng hát, lễ nghi rước sách, cung giọng lên xuống, kèn trống cờ quạt ... chủ yếu chỉ để thêm long trọng chứ không phải để công bố ơn Cứu độ và nuôi dưỡng đời sống đức Tin của người tín hữu. Ngay cả thực tại đầy ý nghĩa cứu độ như Thánh lễ, nhiều khi, cũng chỉ được diễn tả và cảm nhận theo chiều kích danh giá : thánh lễ đồng tế long trọng; sự hiện diện của các đấng bậc mang lại vinh dự cho giáo xứ, cho gia đình; những nghi thức trang trọng ... [6]

Ngoài ra, thái độ thần thánh hoá các “đấng bậc” vô tình khiến cho tương quan mục tử và đàn chiên bị biến chất và trở nên xa cách. Hơn nữa, chiều kích Giáo hội Thân Mình Chúa Kitô[7] không còn lấy gương của Đức Giêsu làm chuẩn mực. Không ngoa khi có thể nói rằng chiều hướng danh giá trong một Giáo hội sinh hoạt đang là mối nguy cản trở trở việc khám phá ra tình thương hạ giáng của Thiên Chúa được thể hiện trong Đức Kitô. “Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với người phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ? thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27)[8]. Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người, đặc biệt là những người khốn khổ, nghèo hèn, tội lỗi. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con nhỏ bé, sống tình hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Đức Ki-tô là người Con Chúa hằng ưu ái và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi, biết phụng thờ Chúa là Đấng cao cả uy linh, và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. [9]

[1] Tên gian phi này đã nghĩ Đức Giêsu chỉ là một ông Vua Thiên Sai giả, không thể làm được những điều kỳ diệu, nên đã lên tiếng chế giễu Người. Đây cũng là cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa, yêu cầu Người làm phép lạ phục vụ cho mình, giống như ma quỷ đã cám dỗ Người lúc Người bắt đầu rao giảng Tin mừng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy”… (Lc 4,3). Dân làng Na-da-rét cũng có lần đã cám dỗ Người như thế (x. Lc 4,23). + Nhưng tên kia mắng nó…: Chỉ Tin mừng Luca mới nhắc đến thái độ khác biệt của người gian phi có lòng sám hối này.
[2] http://www.giaoxubatra.com/2019/11/le-chua-giesu-kito-vua-vu-tru.html
[3] Câu này do quan Philatô truyền viết gắn lên thập giá như một bản án. Ngày nay trên cây Thánh Giá, ta thấy có chữ INRI, là chữ viết tắt của câu tiếng La tinh: “JESUS NAZARETH REX JUDEORUM”, nghĩa là: “Giêsu Na-da-rét Vua dân Do thái” (x. Ga 19,19).
[4] Trong hoàn cảnh đau thương như vậy thì lời bênh vực và kêu xin của người gian phi, dù có yếu ớt, nhưng cũng an ủi Người rất nhiều. Người đã lập tức tha tội và hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho anh. Thật đúng như lời Người đã nói: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).
[5] Đối với một số người Do thái thì Thiên Đàng là nơi những người công chính ở, chờ ngày sống lại (x. Lc 16,22-31). Còn đối với chúng ta thì Thiên Đàng là “Trời cao” như lời thánh Phaolô: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20). Thiên Đàng còn là “Trời Mới, Đất Mới” thay cho “trời cũ đất cũ” bị biết mất (x. Kh 21,1). Nơi đó sẽ “không có sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (x. Kh 21,4).
[6] Nguyễn Trọng Viễn, Những Căn Bệnh Trầm Kha Trong Đời Sống Đức Tin: "Đạo" Hiếu Kính. Xem thêm: http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/nhung-can-benh-tram-kha-trong-doi-song-duc-tin-dao-hieu-kinh-6798.html
[7] Trong Công Đồng Vatican II, Giáo hội được nhìn theo khuôn mẫu Chúa Ba Ngôi, lối nhìn này được thần học triển khai với những ý nghĩa như sau : “Giáo hội Chúa Cha” được thể hiện như “Dân Thiên Chúa”, trong đó mọi người được qui tụ và đều bình đẳng; “Giáo hội Chúa Giêsu” được thể hiện như “Giáo hội Thân Mình Chúa Kitô”, trong đó có phẩm trật Giáo hội; và “Giáo hội Chúa Thánh Thần”, thể hiện như “Đền Thờ Chúa Thánh Thần”, nơi đó, mọi thành phần được tác động để trở thành như những chủ thể của Đức Tin. Tuy nhiên, Giáo hội có phẩm trật là để phục vụ chứ không phải để thống trị (Xc. GH. chương I; Kim Thao, Thời Sự Thần Học số 29, “Giáo Hội Học sau Công Đồng Vaticanô II”, trang 12; Bruno Forte, “Giáo hội bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi”, K’Bao dịch, trang 15-23).
[8] Dịch sát bản văn: Còn Ta, Ta ở giữ các ngươi như kẻ hầu bàn (Bản dịch Kinh Thánh của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn)
[9] Lời tổng nguyện lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập205
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm151
  • Hôm nay53,753
  • Tháng hiện tại949,841
  • Tổng lượt truy cập70,977,598
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây