Cái chết của những kẻ hiếu trung

Thứ bảy - 12/11/2022 03:23  887
Kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam

1280px fra angelico conversion de saint augustin 660x350Thật là một điều “khác thường” trong lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Phụng vụ Lời Chúa chỉ nói đến vui mừng và hân hoan (Gaudete et exultate), đặc biệt là lời Thánh vịnh 125: “Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan”.
           
Theo cái nhìn thông thường, làm sao có thế tấu lên được những lời ca vui mừng này khi mà trong gần 300 năm chịu bách hại, người Công giáo Việt Nam đã phải trải qua bao nhiêu
thử thách: Nào là gông cùm, tù tội, xiềng xích…. Với 53 sắc chỉ cấm đạo trải dài qua 6 triều vua, hơn 130.000 tín hữu đã phải hi sinh mạng sống vì niềm tin của mình.

           
Không chỉ Giáo hội tại Việt Nam mà trong suốt dọc dài lịch sử của mình, Giáo hội luôn phải đương đầu với muôn vàn thử thách. Các Kitô hữu thời tiên khởi tại Giêrusalem đã sớm phải đối diện với những cấm cách và bách hại, nhưng các ngài không hề tỏ ra sợ hãi. Sách Công vụ Tông đồ thuật lại rằng  dù bị giới chức Do Thái đe doạ, sỉ nhục, các chứng nhân của Đức Kitô khi vừa bước ra khỏi hội đường, lòng dạ các ngài đã hân hoan vì “
được coi là xứng đáng chịu khổ hình vì danh Đức Giê-su” (Cv 5, 41)

           
Các thánh Tử Đạo Việt Nam – cha ông chúng ta đã
mang trong mình tinh thần ấy, anh dũng hiên ngang tiến ra pháp trường, sẵn sàng chấp nhận những cực hình. Trước khi đón nhận triều thiên tử đạo, Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc vui mừng reo lên:

Lạc rầy đã rõ chốn quân quan
Bút chép thơ này gửi thở than
Lòng nhớ bạn non còn vất vả
Dạ thương khách chạy chưa yên hàn.


Đông qua tiết lại thời Xuân đến
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an
Làm kẻ anh hùng chi quản khó
Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên đàng.


Nguyên nghĩa từ “tử đạo” (tiếng Hy lạp “μάρτυς”, tiếng anh “martyr”) là “làm chứng”. Ngày nay, người tín hữu Kitô có lẽ không còn phải chịu những bách hại, hoặc chí ít là không còn những hình thức bắt đạo gắt gao như thời của các vị tử đạo cha ông. Tuy nhiên, chúng ta cách nào đó vẫn còn phải đối diện với muôn vàn thử thách trong hành trình làm chứng cho Tin Mừng.
  1. Những chủ nghĩa mang tính tiêu cực
Xã hội hôm nay xem ra như đang đắm mình vào trào lưu duy vật dưới nhiều hình thức – hoặc là trong tư tưởng (chủ nghĩa vô thần) hoặc là trong cách sống (chủ nghĩa tiêu thụ) – đã chối bỏ hoặc không quan tâm đến sự hiện hữu của Thiên Chúa. Khi gạt Thiên Chúa ra bên lề cuộc sống, thì cũng chính là lúc con người cũng phải đối diện với những vấn nạn ngày càng trầm trọng hơn của xã hội: phân cách giàu nghèo, bất công, khủng bố, nhân phẩm bị xâm phạm, quyền sống bị tước đoạt.... Thay vì dùng tiền của như phương tiện để phục vụ cuộc sống, người ta có thể biến nó thành mục đích, như là “chủ nhân” của mình. Người Kitô hữu nhiều lúc không khỏi lung lay đức tin khi bị trở thành nạn nhân của trào lưu duy vật này. Trước thách đố ấy, Lời Chúa luôn nhắc nhở chúng ta rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” (Mt 6, 24).

Đức Kitô đến mạc khải đầy đủ về cuộc sống vĩnh cửu. Ngài không đặt nền cho sự chắc chắn của cuộc sống này trên bản tính con người hay sự bất tử của linh hồn, nhưng trên “quyền năng của Thiên Chúa”, Đấng không phải là “Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của người sống” (Lc 20,27-38). Các Tông đồ thì dựa vào sự Phục sinh của Chúa, để tin vào sự sống lại của thân xác và vào sự sống đời đời: “Nếu chúng tôi rao giảng rằng Đức Kitô đã từ cõi chết trỗi dậy, thì sao trong anh em có người lại nói : không có chuyện kẻ chết sống lại?... Nhưng không phải thế, Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những kẻ đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,12.20).
  1. Coi mình là trung tâm
 Con người cũng như bao nhiêu sinh vật khác, vẫn luôn giành mọi quyền lợi cho cái tôi của mình. Đó là thái độ sai lầm lớn nhất đối với một người. Chính sự sai lầm này làm phá vỡ sự cân bằng mà Thiên Chúa đã ban cho con người, giữa một bên là chim trời cá biển vô biên Chúa gửi đến và một bên là thái độ sống chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Công bằng mà nói, hoa đào vốn tiếp nhận rất ít quyền lợi từ thiên nhiên nhưng nó đã sống hết mình để dâng tặng cho đời tất cả giá trị của nó. Còn ta, tuy được nhân danh là kẻ hiểu biết nhất nhưng thử hỏi ta đã sống như thế nào và đã làm gì cho cuộc đời này?[1]

Không thể phủ nhận rằng, cuộc sống hưởng thụ thời nay, một cách nào đó, đã và đang cản trở các Kitô hữu thực thi các đòi hỏi của Tin Mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, biết đâu có khi chúng ta lại dễ dàng rơi vào một cách sống phản chứng, đối nghịch với niềm tin Kitô giáo. Đó là khi người ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi người ta vi phạm cam kết hôn nhân; đó là khi những người ta giết chết các thai nhi, không cho chúng quyền được sống trên đời; đó là khi những người trẻ sống một cách buông thả; đó là khi người ta lao vào những cuộc nhậu nhẹt say sưa, những vụ cá độ, đề đóm; đó là khi người ta gây chia rẽ, hận thù giữa người với người, v.v.. Mỗi Kitô hữu, dù sống trong bậc sống nào, đều được mời gọi “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” bằng một lối  yêu thương và tôn trọng người khác như chính mình (x. Mt 22, 38-39)
  1. “Miễn nhiễm” với sự thật
Có lẽ chưa bao giờ sự gian dối lại trở nên vấn đề lớn như thế đối với xã hội Việt Nam. Gian dối trong việc đưa thông tin sai lệch, vu cáo để trù dập, làm hại người khác hoặc đối thủ. Gian dối trong làm ăn kinh tế, bất chấp quyền lợi và sức khoẻ của người tiêu dùng, như sản xuất thuốc giả, làm ra thực phẩm bẩn, độc hại, v.v.. nhằm thu lợi nhuận bất chính. Đau đớn thay, sự gian dối ở ngay trong môi trường giáo dục, biến nó thành một thị trường đổi chác bất minh: mua bán bằng cấp, chứng chỉ, chạy điểm, chạy ghế giáo sư, chạy biên chế, chạy trường, chạy lớp....

Chính sự giả dối đã làm cho người ta mất đi niềm tin nơi nhau, làm cho cuộc sống phập phồng lo sợ và gây bao thiệt hại cho người khác. Nhiều người đã vì lợi ích cá nhân mà bất chấp thủ đoạn gian lận,lừa dối nhau, gây ra bao hậu quảđau đớn cho tha nhân. Chính vì sợ lòng người nay thay mai đổi mà con người ngày nay luôn cần có những bản hợp đồng, giấy tờ chứng thực…

Người tín hữu hẳn sẽ phải gặp nhiều thử thách khi chọn “con đường hẹp” của Tin Mừng, bằng một cách sống trung thực, liêm chính: “có thì nói có, không thì nói không.”  (Mt 5, 37). Đức Giêsu cũng chỉ cho ta biết nguyên nhân của sự gian dối này là “do ác quỷ” mà ra . Chúa Giêsu đã khẳng định rằng Ngài “là đường, là sự thật và là sự sống”. Hơn một lần, ta thấy Chúa Giêsu nói: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18, 37b). Trình thuật tin mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta lời dạy của Đức Ki-tô: ““Có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (c. 37) là điều mà chúng ta phải để tâm suy ngẫm, xác định lại lối sống của mình theo Tin mừng hầu có thể là người ‘ đứng về phía Đức Ki-tô – về phía sự thật’.Những môn đệ của Đức Kitô trong mọi thời đại được mời gọi làm chứng cho Người bằng một đời sống nên thánh. Trên hành trình cuộc đời, người môn đệ không khỏi gặp những hiểm nguy và thử thách, nhưng với tình yêu của Chúa và sự chuyển cầu của các thánh Tử đạo, chúng ta tin tưởng sẽ cập bến bình an.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng.

[1] Minh Niệm, Hiểu về trái tim, NXB trẻ, tr 259

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập178
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm144
  • Hôm nay53,753
  • Tháng hiện tại949,254
  • Tổng lượt truy cập70,977,011
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây