Khiêm hạ để được nhận ân sủng

Thứ sáu - 21/10/2022 21:42  717
Chúa Nhật XXX thường niên C
Hc 35,12-14.16-18; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14

1102014694 univ lsr xlCác nhà tu đức liệt kê một căn bệnh về tâm hồn rất khó cứu chữa là bệnh tự mãn. Người tự mãn tự cho mình đã đầy đủ, cứ nghĩ mình là nhất, từ đó sinh ra kiêu ngạo, lấy mình là trung tâm, coi khinh người người khác, đến nỗi ngay trong cách cầu nguyện: thay vì nhìn nhận sự yếu đuối bất toàn của mình, họ lại đi kể những cái xấu của người khác với sự ngạo mạn, tự đắc. Chính thái độ này làm cho họ không được công chính và bị Đức Giêsu lên án gay gắt: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hại mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14). Do đó, lời cảnh tỉnh này của Đức Giêsu đối với người Pharisiêu năm xưa cũng là bài học cho chúng ta hôm nay.

Thật vậy, tự mãn càng cao thì kiêu ngạo càng nhiều. Thánh Gioan Maria Viennay đã khẳng định:“Kiêu ngạo là một tội rất nặng nề và ghê tởm, tội đã đuổi các thần phản loạn ra khỏi Thiên Đàng và ném nó vào hỏ ngục. Tội này đã có ngay từ thuở tạo thiên lập địa”. Chúng ta phạm tội kiêu ngạo qua nhiều cách thức khác nhau: ăn mặc, lời nói, cử chỉ, điệu bộ, thậm chí cả tướng đi và cả trong cách cầu nguyện, có khi cả trong toà giải tội nữa, thay vì xưng tội của mình ra lại đi kể tội người khác. “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18,11). Đây là những lời lẽ của người Pharisiêu kiêu ngạo mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng. Những lời này đã thể hiện sự kiêu ngạo, tự mãn về mình, coi thường người khác, chỉ trích hành vi và lên án hành động của người khác, mặc dù chúng được thúc đẩy bởi những động lực trong sạch và tốt lành nhất.

Cụ thể là hình ảnh giữa người thu thuế và người Pharisêu trong bài Tin Mừng đã thu hút tâm trí chúng ta về việc cầu nguyện trước nhan Thiên Chúa. Ngay từ đầu dụ ngôn cho chúng ta thấy hai người ấy có chung một mục đích, nhưng thái độ thì hoàn toàn khác biệt. Vì tự mãn quá lớn nên người Pharisiêu thẳng thừng khinh miệt anh em trong khi người thu thuế đứng xa xa, phía cuối đền thờ khiêm tốn thân thưa: “Anh đứng ở đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13). Đây là sự thống hối tận căn, biết nhìn nhận sự yếu đuối bất toàn của mình, chỉ xin Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà thôi. Chính lúc đó, Chúa Giêsu đưa ra câu kết luận: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì được nên công chính rồi; còn người kia thì không” (Lc 18,14a). Câu kết luận trên, khiến thính giả của Chúa Giêsu hết sức ngỡ ngàng; điều đó chắc chắn không ai trong họ ngờ tới. Tại sao thế? Người biệt phái đã làm những việc đạo đức lại không phải là người công chính; đang khi đó người thu thuế là kẻ tội lỗi thì được nên công chính. Thiên Chúa có bất công quá không?

Đây là điều khác lạ đánh động chúng ta trong phụng vụ hôm nay. Thái độ của Chúa đối với người cầu nguyện, đó là cung cách của vị thẩm phán: “Chúa là vị Thẩm Phán chí công” (2Tm 4,8). Ngài chính là một người Cha thực thi công minh. Ngài thực thi công minh đối với những ai cầu nguyện với thái độ xứng hợp, giống như người thu thuế. Và Ngài cũng thực thi công minh với những ai cầu nguyện với thái độ không xứng hợp như người Pharisêu, ra về mà không được ân sủng vì thực sự ông đâu có cần. Thiên Chúa là vị thẩm phán không bao giờ thiên vị, và đây chính là lý do Ngài luôn lắng nghe con người cầu nguyện với Ngài trong cơn khốn khó. Lời cầu nguyện bay lên thấu đến trời (x. Hc 35,16), đến nơi Thiên Chúa ngự trị. Thiên Chúa phán xét con người cầu nguyện theo tiêu chuẩn của Ngài là Đấng cứu độ, chứ không theo tiêu chuẩn riêng của người này hoặc của người kia. Trong câu trả lời cho người cầu nguyện, Thiên Chúa không hành động một cách bất chợt nhưng thiết lập một cách bình đẳng và công minh.

Sở dĩ Chúa Giêsu tỏ ý khiển trách người biệt phái trong Tin Mừng hôm nay là vì ông tự cao tự đại, kể lể công đức trước mặt Chúa. Mặc dầu bản kê khai đó không có gì gian trá, nhưng nó nói lên thói kiêu căng cậy sức mình, không cần đến lòng thương xót của Chúa. Cái tôi của người Pharisiêu quá lớn, đến nỗi ông chỉ nhìn thấy mình mà không thấy Chúa; những điều ông làm được cứ nghĩ là do mình mà quên mất là nhờ ơn Chúa ban. Ông tự xếp  mình  vào số những người suy nghĩ tốt, làm tốt, và có đạo đức: Ông  tự  nhận  mình  là người công chính. Ngược lại, Chúa Giêsu đề cao người thu thuế trong Tin Mừng vì ông khiêm tốn sám hối, ý thức thân phận tội lỗi của mình, biết cậy đến lòng thương xót, thứ tha của Chúa. Đó cũng  là thái độ cơ bản của mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay. Trong nhiệm cục cứu rỗi của Chúa tất cả là nhưng không. Cần cảm  nhận được tính nhưng không đó, con người mới biết khiêm tốn chạy đến với Chúa, để  được hưởng nhờ ơn cứu  rỗi. Như thế, những kẻ cho mình là thánh thiện, là đầy đủ, thì sẽ trở về con số không; còn những kẻ nhận mình là không thì sẽ đủ chỗ cho Đấng Vô Cùng tuôn đổ ân sủng. Vì phàm “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Lạy Chúa, chúng con có là gì thì cũng do lòng Chúa thương ban. Chúa chẳng cần công trạng nhưng cần tấm lòng khiêm cung của chúng con. Xin cho chúng con biết khiêm cung để nhận ra mình cũng đầy những thói hư tật xấu, để hiểu và cảm thông với anh em, và để có thể cất lời ngợi khen Chúa là Đấng Thánh, ngàn trùng chí thánh - Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay37,686
  • Tháng hiện tại202,319
  • Tổng lượt truy cập79,434,157
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây