Thái độ đúng với của cải

Thứ bảy - 17/09/2022 21:29  604
Chúa Nhật tuần XXV TN C
(Am 8,4-7; 1 Tm 2,1-8; Lc 16,1-13)

2Nhìn vào thực tế cuộc sống chúng ta thấy rằng: tiền bạc có một chỗ đứng trong cuộc sống, nó là phương tiện giúp con người có được những nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men, để giúp chúng ta sống xứng đáng với phẩm giá của một con người hơn. Thế nhưng, tiền bạc không phải là cùng đích của cuộc đời, bởi chúng ta sinh vào đời với hai bàn tay trắng, và đến lúc “nhắm mắt xuôi tay” chúng ta cũng không thể mang gì ra khỏi trần gian.

Tiền bạc có thể giúp ta xây dựng được một ngôi nhà khang trang, hay một biệt thự lâu đài nguy nga nhưng không thể mua được mái ấm gia đình; tiền bạc có thể giúp ta thiết kế được một phòng ngủ sang trọng, tiện nghi nhưng không thể mua được một giấc ngủ ngon. Thậm chí, tiền bạc đã khiến nhiều người đánh mất lương tâm, họ kiếm tiền trên nỗi đau khổ của đồng loại, họ sẵn sàng chà đạp lên sự sống và nhân phẩm của người khác. Cho nên, sứ điệp phụng vụ lời Chúa Chúa Nhật XXV thường niên hôm nay nhắc nhở chúng ta cần có một thái độ đúng đắn với của cải và sử dụng chúng một cách khôn ngoan hầu mưu ích cho ơn cứu độ của mình.


Bài đọc một được trích trong sách ngôn sứ A-mốt, ngôn sứ cho thấy đời sống đạo đức của dân Israel đang trong giai đoạn sa sút trầm trọng. Sự giàu có, tiền bạc đã làm nhiều người biến chất, khiến họ trở nên tàn ác và tệ bạc với anh em. Họ không quan tâm đến đời sống tôn giáo và bổn phận đối với với Chúa, thay vào đó, họ coi việc dành thời gian cho Chúa khiến họ mất đi cơ hội kiếm tiền. Bởi thế, ngôn sứ đã thẳng thắn lên tiếng: Các người chỉ mong cho qua ngày lễ để bán hàng, mong cho hết ngày Sabát để bán lúa. Các ngươi làm quả cân giả, cân điêu cân thiếu lừa gạt anh em (x. Am 8,5). Không chỉ đánh mất lòng đạo đức của người con Chúa trong làm ăn, khi có tiền, họ còn coi thường và biến anh em mình trở nên như nô lệ, rơm rác khi họ bảo nhau: “Ta sẽ lấy tiền bạc mua những đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán” (Am 8,6). Chắc chắn cách suy nghĩ độc ác và làm ăn gian dối như thế không đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài sẽ đòi những kẻ gian ác đó phải trả lẽ về các hành vi của mình, khi Ngài tuyên bố: “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng” (Am 8,7).

Có thể, những suy nghĩ và cách sống, cách làm ăn kiếm tiền gian dối của dân Israel ngày xưa vẫn đang tồn tại ngay cả nơi những người Kitô hữu chúng ta ngày nay. Vì nhiều người có đạo cũng làm ăn lươn lẹo, cũng cân gian cân thiếu, cũng sản xuất những mặt hàng giả dối, những sản phẩm độc hại, tẩm ướp hoá chất huỷ hoại sức khoẻ của anh em và những người nghèo. Sức mạnh của đồng tiền, những mánh lới làm ăn siêu lợi nhuận đã khiến không ít người bán rẻ lương tâm. Vì vậy, trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đưa ra lời nhắn nhủ cho mỗi chúng ta, mỗi người hãy trở thành những nhà “quản lý khôn ngoan” của Chúa.

Thật vậy, khi kể cho chúng ta nghe dụ ngôn về người quản gia khôn khéo biết lợi dụng những điều kiện hiện tại của mình để có được bạn hữu và chuẩn bị cho ngày sau của mình, Chúa không có ý khen sự gian dối của anh, nhưng khen anh biết tính toán xa, để khi mất chức vẫn còn người yêu mến và đón rước anh về nhà. Qủa thực, anh ta đã biết tận dụng thời gian; dù rất vắn vỏi còn lại của mình trong vai trò quản lý để mang lại lợi ích cho bản thân và đem lại niềm vui cho người khác.

Chúng ta cũng vậy, mỗi người như những nhà quản lý của Thiên Chúa, Thiên Chúa là ông chủ, Ngài trao cho chúng ta quản lý thời gian, sức khỏe, tiền của, tài năng và cả những người chúng ta có trách nhiệm. Chúng ta sẽ làm quản lý trong một thời gian chứ không phải vĩnh viễn. Đến ngày nào đó, Thiên Chúa đòi chúng ta tính toán sổ sách và trao lại tất cả những gì Chúa uỷ thác cho ta trông coi quản lý. Vì vậy, Chúa muốn chúng ta cũng phải khôn ngoan, biết tận dụng tối đa thời gian còn lại của cuộc đời để sinh ích cho sự sống đời đời và đem lại ích lợi cho anh chị em chung quanh.
Một khi chúng ta ý thức mình chỉ là người quản lý, còn Chúa là ông chủ đích thực, thì chúng ta sẽ không dám gian dối đối với Chúa và với nhau. Vì Chúa có thể nhìn thấu tất cả mọi sự bí ẩn trong lòng cũng như mọi hành động của chúng ta. Chúng ta có thể gian dối, lừa lọc được nhau, nhưng chúng ta không thể lừa dối được Thiên Chúa. Do đó, Chúa muốn chúng ta sống trung tín với Chúa và trung tín với nhau vì lòng yêu mến Chúa.

Hơn thế nữa, Chúa đòi hỏi chúng ta cần có một thái độ dứt khoát giữa việc chọn tiền cải hay chọn Chúa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13). Chúng ta không thể đi hai hàng hay bắt cá hai tay. Tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nếu chúng ta coi tiền bạc là trên hết, khi đó bậc thang giá trị bị đảo lộn, các giá trị đạo đức, luân lý và nhân phẩm trở thành thứ yếu. Chúng ta có thể đánh đổi tất cả để có tiền. Khi đó, tiền bạc trở thành thảm họa cho chúng ta. Trái lại, khi chúng ta biết dùng tiền của để chia sẻ với người nghèo khổ, giúp đỡ những ai gặp khó khăn túng thiếu, đó sẽ là con đường dẫn chúng ta vào Nước Trời.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Của cải trần gian có giúp ta tìm được hạnh phúc bất diệt hay đưa ta vào chỗ trầm luân đau khổ? Người khôn ngoan chính là người sống trong hiện tại nhưng biết hướng về tương lai, ở trong thế giới hữu hình nhưng luôn chuẩn bị cho mình những giá trị và tài sản vô hình thiêng liêng. Chúng ta có đang sống như những người quản lý khôn ngoan của Thiên Chúa hay không? Câu hỏi xin được dành cho mỗi người để tự vấn chính mình.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay47,273
  • Tháng hiện tại907,634
  • Tổng lượt truy cập78,911,085
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây