Chúa Nhật 28: Tâm tình tạ ơn

Thứ sáu - 07/10/2022 22:25  1158
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên C
2 V 5,14-17; 2T m 2,8-13; Lc 17,11-19

 
jesus healing the leper jean marie melchior doze1864 pd 1Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng” để nói về tâm tình biết ơn mà con người cần phải có. Việc biết cám ơn biểu lộ một cung cách khiêm nhường để đón nhận mọi sự trong yêu thương và kính trọng. Người không biết cám ơn sẽ luôn bất mãn vì những gì đang xảy ra, thiếu tôn trọng người làm ơn và món quà được đón nhận. Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay, mời gọi mỗi người chúng ta sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, cảm ơn mọi người trong mọi hoàn cảnh.

Bài đọc thứ nhất cho chúng ta một hình ảnh rất đẹp về việc bày tỏ lòng biết ơn của Tướng Naaman, người xứ Syri là đối với ngôn sứ Êlisa. Sau khi được khỏi bệnh phong hủi ông đã quay trở lại tri ân Thiên Chúa, dâng lên món quà và tha thiết xin người của Thiên Chúa đón nhận, nhưng Êlisa cương quyết từ chối, vì biểu hiện lòng biết ơn đã là một cách đáp ơn rồi. Hơn nữa, dù được vị tiên tri chữa lành, nhưng vị quan đã có một cái nhìn xa hơn và xác tín hơn, đó là Thiên Chúa đã chữa lành cho ông. Đó là một con người biết khiêm tốn nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ. Một nắm đất của người Do Thái mà ông mang trở về, sẽ là dấu chỉ nhắc cho ông sống tâm tình tạ ơn từng ngày trong cuộc đời còn lại.

Bước sang bài Tin mừng, chúng ta thấy trong số mười người phong hủi được Đức Giêsu chữa lành, chỉ có một người quay trở lại và sấp mình tạ ơn Ngài, trớ trêu thay người ấy lại là người vùng dân ngoại Samari. Điều này khiến Đức Giêsu bùi ngùi thốt lên: “Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”. Hẳn nhiên Chúa Giêsu không làm phép lạ để được người ta biết ơn, nhưng biết ơn lại là cơ hội để nhận lãnh thêm ơn. Ngài mong những người kia trở lại để gặp gỡ trong sự thân tình, và để ban cho họ điều lớn lao hơn là trao cho họ chính con người của Ngài. Quả thật, khi thấy người Samari trở lại cảm ơn, Chúa Giêsu nói với anh: “Đứng dậy về đi. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Ngoài ơn được chữa lành, anh còn được ơn đức tin. Anh biết Chúa Giêsu là người đã thi ân và chữa lành cho anh nên anh “sấp mình dưới chân Ngài mà tạ ơn”. Anh công nhận Ngài là Chúa và phục lạy Ngài. Thay vì đi trình diện tư tế nơi đền thờ đạo cũ, anh thờ lạy Chúa Giêsu là đấng thật sự ban ơn cho anh.

Thật tiếc cho chín người đã được chữa lành, nhưng không trở lại tạ ơn Thiên Chúa. Họ vui mừng dừng lại ở quà tặng mà lại quên người tặng quà. Họ chỉ nhằm vào ơn ban mà quên mất Đấng ban ơn. Thánh Bênađô từng nói: “Sự vô ơn là một bức tường ngăn cách giữa Thiên Chúa và tạo vật, là một chiếc đập ngăn chặn nguồn suối với dòng sông”. Khi chúng ta không biết sống tâm tình tạ ơn, thì một vách ngăn vô hình hiện hữu, tách rời ta khỏi Thiên Chúa và mọi vật xung quanh, như thể nguồn nước bị chặn lại, dòng chảy bị ứ đọng. Bởi đó, phải biết mặc lấy tâm tình cảm tạ Chúa mọi lúc, mọi nơi, và trong mọi biến cố, vì chưng biết ơn chính là một lời kinh nguyện tuyệt vời dâng lên Chúa, chẳng chút so đo, chẳng mảy may toan tính.

Lòng biết ơn, tâm tình tạ ơn, tiếng nói cám ơn tuy giản đơn, nhưng để sống trọn vẹn và thật tâm với nó thì đòi hỏi chúng ta phải biến nó thành xương tuỷ, thành lối sống của ta. Ca dao Việt Nam nói không sai: “Ơn ai một chút chớ quên. Phiền ai một chút để bên cạnh lòng”. Và nếu sống vô ơn bội nghĩa thì: “Ai mà phụ nghĩa quên công, Dù đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”. Sự vô ơn, vong ơn, bội nghĩa, phụ tình quên công không chỉ dừng lại ở việc quên nói lời cám ơn, mà nó chi phối cả cuộc sống, cả cách sống, cách đối nhân xử thế nữa…. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Lòng biết ơn là ký ức của trái tim”. Nó là nghĩa cử của tâm hồn, luôn ghi nhớ những ân huệ được tặng ban để hướng tới người đã ban tặng. Quả thật, cuộc sống là một chuỗi những ân huệ của Chúa đan xen nối tiếp nhau. “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Cũng có những ơn đến từ người khác vì chúng ta liên đới với nhau trong cuộc sống này. Tâm tình tạ ơn Chúa hay lời nói “cảm ơn” chân thành với tất cả những gì chúng ta đón nhận là cử chỉ thể hiện niềm tin của chúng ta vào Chúa và làm cho chúng ta trưởng thành hơn. Đó cũng là những nghĩa cử đẹp điểm tô cho cuộc sống thắm đượm tình Chúa tình người.

Biết ơn phải là tâm tình chủ yếu chi phối lời cầu nguyện và cuộc sống của chúng ta, vì toàn bộ đời ta là một hồng ân, một quà tặng. Nhìn vào Đức Giêsu, ta thấy cả cuộc sống của Ngài là một “bài ca tạ ơn”. Ngài tạ ơn Cha vì đã mạc khải cho những người bé nhỏ; tạ ơn trước khi cho Ladarô sống lại; tạ ơn trước khi làm phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều; tạ ơn trước khi lập phép Thánh thể. Chúa Giêsu không chỉ là mẫu mực về lòng biết ơn mà còn dạy chúng ta thể hiện lòng biết ơn ấy khi lập Bí tích Thánh Thể: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Kể từ đó Thánh lễ là lời tạ ơn cao cả nhấtbởi vì Giáo hội cậy nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. Noi gương Chúa Giêsu, mỗi Kitô hữu cũng phải trở thành bài ca tạ ơn. Tạ ơn vì thấy mình được bao bọc bởi Tình Yêu, và muốn làm mọi sự để đáp lại Tình Yêu.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã dựng nên ta, và cám ơn bao người vì đã góp phần làm nên cuộc sống ta. Cuộc đời mỗi người là quà tặng của Thiên Chúa, và đẹp biết bao khi ta biến mình thành quà tặng cho tha nhân.

Mẹ Maria đã cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót khi Mẹ cất lên lời kinh tạ ơn: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Ngài đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Và rồi Mẹ đã dành cả cuộc đời để tạ ơn Chúa. Xin Đức Mẹ giúp mỗi người chúng ta biết nhận ra tất cả hồng ân Chúa ban và cố gắng sống đáp lại tình yêu ấy. Amen.
 

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập406
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm380
  • Hôm nay40,854
  • Tháng hiện tại901,215
  • Tổng lượt truy cập78,904,666
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây