Chúa Nhật XXX thường niên C
Hc 35,15-17.20-22; 2Tm 4,6-9.16-19; Lc 18,9-14
Khiêm nhường bao nhiêu cũng không đủ, chỉ một chút kiêu ngạo cũng là quá nhiều. Đừng vì cho mình là đạo đức mà vui mừng trong tự mãn, cũng đừng vì mình tội lỗi mà khép kín trong tuyệt vọng. Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 18,9-14), Chúa Giêsu đã kể cho các môn đệ dụ ngôn Người Pha-ri-sêu và thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Qua dụ ngôn, chúng ta thấy được khiêm nhường là thái độ cần phải có khi cầu nguyện để được Thiên Chúa chấp nhận và ban ơn.
Có hai người Pha-ri-sêu và thu thuế lên đền thờ cầu nguyện. Họ đều cầu nguyện, nhưng thái độ cầu nguyện của hai người thật khác xa nhau. Ông Pha-ri-sêu thì tự hào về đời sống chuẩn mực của mình mà khinh chê cả người khác:“Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia’”. Ông kể những công trạng của mình với Thiên Chúa: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Trong khi đó, người thu thuế thật khiêm nhường chỉ dám “đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời”. Ông nhận ra con người yếu đuối và tội lỗi của mình trước mặt Thiên Chúa nên đã nói lời thú tội từ cõi lòng sám hối chân thành: “vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Kết quả thì người biệt phái không được công chính hơn trước, còn người thu thuế ra về với tâm hồn trong sạch bởi được Chúa đón nhận tấm lòng thống hối chân thành của người này. Thiên Chúa hằng thấu suốt lòng dạ con người, Người không dựa vào bề ngoài để ban ơn. Người là thẩm phán công minh, là Cha nhân hậu, Người sẽ vui lòng nhận lời những kẻ nghèo hèn kêu xin. Người Pha-ri-sêu có đủ mọi nhân đức, nhưng chỉ thiếu lòng khiêm tốn, sám hối. Còn người thu thuế chẳng có gì khác ngoài đức khiêm nhường thì lại được nên công chính. Quả thực, khi biết nhìn nhận thân phận tội lỗi yếu đuối của mình, con người mới nhận được tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Biết mình hay vấp ngã, con người mới dễ cảm thông, tha thứ và yêu thương anh em. Lòng đạo đức chân thành là lòng khiêm nhường thống hối ăn năn, chứ không phải vì một số việc làm đạo đức giả hình bên ngoài, mà ta tưởng là có công trạng trước mặt Chúa.
Bài đọc 1 trong sách Huấn Ca (Hc 35,12-14.16-18), chúng ta thấy Thiên Chúa luôn ở bên và như đứng về phía người nghèo, người bị áp bức, mồ côi, góa bụa. Tất cả những hạng ngườì này đểu bị thua thiệt về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Phẩm giá của họ thường bị tổn thương, tiếng nói của họ chẳng được mấy ai quan tâm, cứu xét, bênh vực. Họ chỉ biết dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Qua dụ ngôn, Chúa muốn ta có thái độ đúng đắn trước nhan Ngài. Không phải Chúa không thích những việc lành, đạo đức hoặc Người chấp nhận những hành vi bóc lột của người thu thuế, nhưng Ngài dạy ta phải có thái độ khiêm hạ khi đến trước nhan Ngài. Mỗi người cần phải ý thức kiêm nhường thống hối vì trước mặt Chúa ai có thể tự cho mình là lành thánh, nên mỗi người đều cần cầu xin Chúa thứ tha bởi: “Nếu Chúa chấp tội, nào ai rỗi được”.
Cuối bài Tin mừng, Đức Giêsu đã nói: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Người thu thuế đã thật sự phạm nhiều tội lỗi nên đã làm mất đi sự công chính, nhưng hành động khiêm tốn biết nhìn nhận mình tội lỗi và hết lòng thống hối nên được công chính trước Thiên Chúa. Khiêm nhường, tự hạ, quên mình luôn được coi là nền tảng của sự thánh thiện, là gốc rễ của các nhân đức. Người tự cao tự đại không thể cầu nguyện được. Câu chuyện sau đây là minh chứng: “Tại Đền Thờ Thánh Phêrô có một bức tượng Chúa Chịu Nạn do Thorvaldsen (1770-1844), nhà điêu khắc Đan Mạch nổi tiếng thực hiện. Ngày kia, một du khách đến viếng bức tượng, ông ta nhìn mãi rồi lắc đầu nói: Tôi nghe đồn bức tượng này nổi tiếng là đẹp lắm nhưng tôi chẳng thấy có gì đẹp cả. Một người quỳ sau lưng ông nói: Ông phải quì gối xuống mới thấy đẹp. Ông du khách liền quì gối. Bấy giờ, ông mới khám phá ra vẻ đẹp lôi cuốn của bức tượng Chúa Chịu Nạn”. Quả thực, muốn gặp gỡ Chúa, muốn đón nhận lòng thương xót của Người, con người cần quì gối với tâm tình khiêm nhường.
Như vậy, việc trở nên công chính chẳng phải bởi sức riêng mình mà chính là do lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự công chính có được khi chúng ta biết khiêm nhường ăn năn sám hối và biết tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Bởi thế mà chúng ta được mời gọi cầu nguyện mỗi ngày: “Xin tha cho chúng con là kẻ tội lỗi”. Xin cho chúng ta biết Chúa và xin cho chúng ta biết mình để chúng ta sống khiêm nhường trong suy nghĩ, cầu nguyện và việc làm trước Thiên Chúa và tha nhân. Amen.